Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư năm 2019, kinh phí 300 tỷ đồng từ nguồn bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022 nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Quá trình thi công dự án ì ạch kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động cảng cá, các chủ phương tiện phải chật vật lắm mới vào được cảng hoặc chạy đôn cháy đáo tìm nơi neo đậu khi có gió bão.
Cảng cá Nam Cửa Việt là cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Trị hiện đã quá tải, không đủ năng lực để loại tàu công suất lớn ra vào. Cầu cảng chật hẹp nên thường xuyên xảy ra tình trạng tàu thuyền tranh chấp vị trí cập bến. Khuôn khổ Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị, Cảng cá Nam Cửa Việt được đầu tư mở rộng khu bến cảng, nạo vét luồng lạch, xây dựng thêm cầu tàu mới, bảo đảm phương tiện ra vào thuận lợi.
Ngư dân Lê Văn Vinh, chủ một tàu cá tỉnh Quảng Trị phàn nàn, ngày khởi công dự án, ngư dân phấn khởi. Nhưng thời gian thi công kéo dài, các chủ phương tiện chật vật mới vào được cảng bán cá.
“Tàu thuyền ra vào rất khó, mỗi lần cập cảng bán cá được một chỗ phải chen lấn nhau. Tàu ở ngoài phải đợi vài ba tiếng đồng hồ để tàu vào trước bán cá xong mới được vào. Nếu về đông quá, có khi phải chờ đến 9h hoặc 10h đêm mới xong. Còn mỗi lần vào neo đậu tránh bão cũng khó. Âu thuyền ở bờ Nam Cửa Việt không có trụ neo, mỗi lần gió bão to rất nguy hiểm" - ông Vinh bày tỏ.
Ông Lê Vĩnh Long, Trưởng Cảng cá Nam Cửa Việt cho biết, tiến độ thi công nâng cấp, sửa chữa cảng cá quá chậm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung của cảng cá. Mặt bằng cảng bị thu hẹp, tiểu thương, người làm dịch vụ hậu cần như bán nhiên liệu, đá, nước ngọt bị ảnh hưởng. Luồng lạch bị hạn chế, tàu cá của ngư dân gặp khó khăn khi ra vào cảng. Thời gian các tàu chờ nhau vào cập cảng tăng lên gấp đôi nên chất lượng hải sản đánh bắt suy giảm.
Đặc biệt, mùa hè, gió Tây Nam thổi mạnh, cát bụi từ công trình đang xây dựng bay tung tóe, phủ lên hải sản, nước đá… gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng hàng hóa.
Theo ông Lê Vĩnh Long, do gặp trở ngại khi vào cảng nên từ khi thi công nâng cấp cảng cá, lượng tàu thuyền vào cảng Nam Cửa Việt giảm hơn một nửa so với trước đây. “Bản thân cảng cá cũ đã quá tải. Hiện nay, do cảng vừa hoạt động vừa thi công nên khu vực cập tàu bị hạn chế rất nhiều. Vì xà lan phục vụ thi công lớn, mỗi lần xoay chuyển nên tàu cá ra vào khó khăn. Trước đây, tàu cá vào cảng chờ nửa tiếng nay phải chờ vài 3 tiếng đồng hồ. Cá để lâu bị ảnh hưởng đến chất lượng".
Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị gồm 3 dự án thành phần là: Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng, nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt và xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt. Đến nay, dự án thành phần nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng cở bản hoàn thành, 2 dự án còn lại chậm tiến độ.
Ông Trần Hoàng Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân dự án chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Một số cơ sở đóng tàu và người dân ở trong vùng dự án chưa chấp nhận giá đền bù nên chưa chịu bàn giao mặt bằng. Quá trình thi công các hạng mục đều ở dưới nước, phụ thuộc vào thủy triều lên xuống và thời tiết, mùa mưa bão phải dừng thi công hoàn toàn. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong năm 2021 ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vật tư, thiết bị thi công.
Theo ông Trần Hoàng Việt, vướng mắc lớn nhất hiện nay là dự án không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa có hiệu lực, dự án không bố trí nguồn vốn để đầu tư hệ thống xử nước thải. Hiện nay, dự án muốn tiếp tục triển khai phải có hệ thống xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cũng theo ông Trần Hoàng Việt, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cho chủ trương kéo dài thời gian thực hiện dự án; đồng thời, đề xuất bố trí vốn bổ sung để hoàn thiện hệ thống xử nước thải phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
“Bây giờ tỉnh đề xuất cho phép kéo dài dự án đến 31/12/2023; đồng thời xin phân bổ thêm vốn để hoàn thiện 2 dự án cảng. Đề nghị tái cơ cấu dự án, phân kỳ đầu tư, trước mắt chỉ đầu tư hoàn thiện phần trong cảng thôi. Bây giờ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh chứ không phải hệ thống xử lý thông thường" - ông Việt cho biết./.