Ngày 3-8, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ hai thương binh bị cáo buộc tham ô tài sản. Hai bị cáo trong vụ án này là ông Lữ Thanh Ý, cựu chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Cà Mau và ông Huỳnh Thanh Liêm, cựu phó chủ tịch của hội này.
Hai bị cáo do tuổi cao, mang nhiều chứng bệnh nên được HĐXX cho ngồi hầu tòa. |
Phi vụ tham ô hy hữu
Trước đó, TAND tỉnh Cà Mau đã quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ba lần vào các ngày 25-5, 22-6 và 22-7 nhưng cả ba lần, phiên tòa đều phải hoãn do một trong hai bị cáo luân phiên đi cấp cứu vì bệnh tuổi già.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đây là vụ án tham ô với nhiều tình tiết hy hữu. Hai bị cáo đều là thương binh, từng công tác với nhau nhiều năm và có mối quan hệ thân thiết. Cuối năm 2017, ông Liêm tố cáo ông Ý tham ô tài sản 20 triệu đồng. Từ tố cáo này, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau vào cuộc điều tra.
Kết quả điều tra xác định năm 2016 và 2017, Tỉnh hội Cà Mau thực hiện việc tiếp nhận, vận chuyển bốn đợt xe lăn do các tổ chức ở TP.HCM tặng cho người khuyết tật tỉnh Cà Mau. Hai ông đã một mặt gửi công văn yêu cầu các huyện hội có danh sách được tặng xe lăn chịu tiền chi phí vận chuyển, mặt khác làm công văn xin UBND tỉnh cho tiền để làm chi phí này.
Từ đó thừa ra một đầu tiền chi phí vận chuyển và hai ông đã tham ô tổng số tiền 46 triệu đồng. Trong đó, ông Ý bị cáo buộc tham ô 20 triệu đồng, ông Liêm 26 triệu đồng. Hai ông bị cáo buộc phạm tội bốn lần, là tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần.
Đầu năm 2022, TAND TP Cà Mau tuyên phạt hai bị cáo cùng mức án hai năm tù về tội tham ô tài sản.
Sau phiên xử sơ thẩm, cả hai bị cáo cùng kháng cáo kêu oan. Ông Liêm cho rằng số tiền thừa ông tạm giữ 46 triệu đồng là để nhập quỹ chung nhưng chưa nhập thì ông Ý hỏi mượn 20 triệu đồng vào ngày 17-6-2017.
Do đòi hoài ông Ý không chịu trả để ông nhập quỹ nên ông có tạm giữ số tiền này trong nhiều tháng. Tuy nhiên, đến ngày 8-12-2017, không đợi được nên ông Liêm đã đem số tiền đang tạm giữ là 26 triệu đồng nộp vào tài khoản tạm gửi của hội tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau.
Ông Liêm cho rằng tố giác là do giận ông Ý chuyện có lần khi bị đòi tiền đã gợi ý “thôi chia nhau xài” và việc truy tố ông là oan. Trong khi đó, ông Ý quả quyết không có việc mượn 20 triệu đồng như ông Liêm đã nói và cho dù có chăng nữa thì đó là việc dân sự, không thể quy kết ông phạm tội tham ô.
Chứng cứ phạm tội mỏng manh
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Ý vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Trong khi đó, bị cáo Liêm thay đổi từ kêu oan sang xin giảm nhẹ và xin được hưởng án treo.
Hai bị cáo thừa nhận có việc lấy hai đầu tiền để thực hiện một đầu việc. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng cả hai bị cáo đều không có kế hoạch tham ô, tư lợi gì. Khi tiền thừa ra, ông Liêm tạm giữ với ý thức để có việc công cần dùng thì dùng chung.
Theo HĐXX, cấp sơ thẩm chưa chứng minh được hai bị cáo có ý thức tham ô từ lúc nào, chiếm đoạt tiền khi nào và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu trong từng lần của bốn lần phạm tội...
“Hội không có tiền nên mỗi lần có tổ chức cho xe lăn là anh em cùng chạy mượn tiền để làm chi phí vận chuyển xe về. Tôi đâu có biết hợp đồng gì, cứ thuê xe dù chở về rồi sau đó khi ông Ý bảo UBND tỉnh đã cho tiền, tôi mới đi làm hồ sơ để thanh quyết toán nhận tiền tỉnh cho. Cứ nghĩ là tỉnh hội nghèo, toàn đi vận động là chính, nay có thêm nguồn tiền để đó dùng chung thì tốt, miễn mình đừng tư lợi riêng” - ông Liêm trình bày.
Theo ông Liêm, ngày 7-6-2017, tại quán cà phê, ông thông báo tiền tỉnh cho tất cả là hơn 64 triệu đồng, đã dùng vào việc chung hơn 11 triệu đồng, còn lại đang giữ 46 triệu đồng. Lúc này, ông Ý nói đang kẹt tiền, hỏi mượn 20 triệu đồng. Ông Liêm đã lấy 20 triệu đồng trong số tiền đó đưa cho ông Ý ngay tại quán, có sự chứng kiến của ông Phan Văn Hảo, cũng là phó chủ tịch tỉnh hội.
Sau đó, ông Liêm nhiều lần đòi lại 20 triệu đồng để nộp vào tài khoản của hội tại kho bạc nhưng ông Ý không trả. “Đến lần sau cùng, bị cáo mời bị cáo Ý ra quán cà phê nói chuyện. Lúc đó, bị cáo Ý nói bị cáo với ông Hảo chia số tiền 26 triệu còn lại ra mà xài cho xong. Ông Hảo giận bỏ về” - ông Liêm nói. Ông cho biết đến cuối năm 2017, ông tố cáo ông Ý sau khi đã nộp toàn bộ tiền thừa vào Kho bạc Nhà nước.
Đại diện VKS cho rằng cấp sơ thẩm kết luận hai bị cáo phạm tội bốn lần nhưng lại không làm rõ mỗi lần các bị cáo đã chiếm đoạt bao nhiêu tiền, thời điểm chiếm đoạt, căn cứ… Thêm nữa, cấp sơ thẩm đã đưa ông Hảo tham gia phiên tòa với tư cách vừa là bị hại vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và việc vi phạm đó không thể khắc phục được tại phiên tòa này. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa hủy án để điều tra lại.
Đồng quan điểm, HĐXX nhận định cấp sơ thẩm chưa chứng minh được hai bị cáo có ý thức tham ô từ lúc nào, chiếm đoạt tiền khi nào và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu trong từng lần của bốn lần phạm tội, chứng cứ mỏng manh... Ngoài ra, việc đưa ông Hảo vừa là bị hại vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại.
Lý do thay đổi kháng cáo
Sau phiên xử, trả lời Pháp Luật TP.HCM, bị cáo Huỳnh Thanh Liêm cho biết thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ là do luật sư tư vấn (!?). Tuy nhiên, khi PV hỏi xin giảm án tức là thừa nhận phạm tội tham ô thì ông Liêm không trả lời mà chỉ lắc đầu.