Nhan nhản xích lô "dù"
Một chiều cuối tháng 7/2022, chúng tôi hòa vào một đoàn du khách tham quan Đại Nội (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trên đoạn đường từ Bến xe Nguyễn Hoàng đến Cửa Ngăn để vào Ngọ Môn, đoàn khách liên tục bị chèo kéo đi xích lô, mua hàng lưu niệm giá rẻ. Vào khu vực trồng hoàng mai trước Đại Nội, chúng tôi tách đoàn và thả bộ như khách tham quan tự do. Khi người đạp xích lô trước đó còn chưa “buông tha” chúng tôi thì có thêm hai người khác đeo theo mời đi xe. Hai bên lớn tiếng cãi vã, lôi kéo chúng tôi về phía xe của mình. Một người lớn giọng dọa: “Lên xe đi cho đỡ nắng, chỉ có 200.000 đồng một vòng quanh Thành Nội, rẻ rồi đó. Lát nữa gặp tài khác, họ chặt 300.000 đồng thì đừng trách tui không dặn trước”.
Nhiều tài xế xích lô chèo kéo, đeo bám gây phiền hà cho du khách khi đến TP.Huế - Ảnh: T.Hóa |
Thoát khỏi nhóm tài xế này, chúng tôi lên xích lô của anh N.T.L. với giá 100.000 đồng. Nghe chúng tôi than phiền về cách ứng xử của những tài xế xích lô trước đó, anh N.T.L. lắc đầu: “Nhóm xe “dù” đó hễ gặp khách lạ đến là chém đẹp, khách không đi thì trở mặt chửi mắng, gây sự. Tụi anh nằm trong tổ tự quản, nghiệp đoàn, chạy luân phiên, đúng giờ, tất cả đều theo quy định rõ ràng. Du khách không biết, cứ nghĩ mọi tài xế xích lô ở đây đều giống nhau”.
Một số du khách sau khi đến Huế đã vào các nhóm trên mạng xã hội Facebook cảnh báo về nạn chặt chém của tài xế xích lô “dù”. Trên nhóm Review Huế, anh Hoàng Bá Nam (TP.Hà Nội) kể, sau khi gửi ô tô ở bãi giữ xe gần khu di tích kinh thành Huế và đi dạo, gia đình anh được mời đi xích lô với giá 200.000 đồng/xe. Anh từ chối thì người này hạ giá còn 300.000 đồng/hai xe và cam kết đi 10km trong hơn một giờ. Anh Nam đồng ý, cả gia đình lên hai xe. Các tài xế cố tình chạy đến các cửa hàng vàng bạc, nơi bán quà lưu niệm. Khi anh Nam nói không có nhu cầu mua đồ và yêu cầu chở về khu vực gần cổng kinh thành Huế thì tài xế xích lô tỏ ra khó chịu. Đi thêm một chút, họ dừng xe, thông báo đã hết hành trình và đòi chở gia đình đi ăn. “Thực tế, họ chỉ mới chở chúng tôi đi gần 1km nên tôi không đồng ý và yêu cầu chở về lại bãi gửi xe và chỉ trả 100.000 đồng/hai xe. Họ liền thả chúng tôi giữa đường và liên tục chửi thề” - anh Nam kể.
Dịch vụ thuyền rồng bớt xén giờ
Bên cạnh nạn chèo kéo khách mua hàng lưu niệm và đặc sản Huế, du khách còn bị bớt giờ, giảm số bài phục vụ trong chương trình ca Huế trên thuyền rồng ở sông Hương.
Theo Ban Quản lý bến xe TP.Huế, hiện có hơn 128 thuyền rồng phục vụ du khách trên sông Hương, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế quy định, mỗi chương trình ca Huế phải dài từ 60 phút trở lên, ban nhạc phải có ít nhất ba nhạc cụ, bảy diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn, ít nhất tám diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi. Thế nhưng…
Chị Minh Ngọc - du khách đến từ TPHCM - kể, theo chỉ dẫn từ nhân viên lễ tân khách sạn, gia đình chị đến bến Tòa Khâm mua sáu vé xem ca Huế với giá 100.000 đồng/vé, suất biểu diễn từ 20 - 21g: “Khi xuống thuyền, họ đưa gia đình tôi đến dưới chân cầu Trường Tiền, cho ngóng mắt sang thuyền khác để xem ca Huế. Được hơn 30 phút, chủ thuyền đưa chúng tôi vào lại bến Tòa Khâm dù theo quy định, chủ thuyền phải chở khách đến cầu Dã Viên. Cả nhà tôi rất bực mình, hỏi thì chủ thuyền bảo đã hết giờ”.
Trên một số diễn đàn du lịch, nhiều du khách bày tỏ không hài lòng sau chuyến đi đến Huế. Ảnh: T.Hóa |
Nhà thơ Võ Quê - Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế - nhận xét, có nhiều quy định về việc tổ chức biểu diễn ca Huế nhưng trên thực tế, chương trình ca Huế bị cắt xén, chất lượng nghệ thuật không đạt: “Hiện có nhiều người dẫn chương trình về ca Huế trên sông Hương nhưng chưa hiểu rõ về ca Huế nên không thể quảng bá được loại hình nghệ thuật này. Thậm chí, có chủ thuyền còn đưa con cháu chen vào biểu diễn những ca khúc nhạc trẻ về Huế, không đúng với ca Huế khiến chất lượng chương trình ca Huế giảm sút, khiến các nghệ sĩ tên tuổi không muốn biểu diễn ca Huế trên sông Hương”.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, dù chỉ có một số ít người làm không đúng quy định, nhưng chính họ đang làm xấu hình ảnh du lịch Huế, bởi du khách sẽ phản ánh, chia sẻ những thông tin, hình ảnh này trên mạng xã hội. “Ngành du lịch sẽ đề xuất thành lập đội phản ứng nhanh nhằm chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời đề xuất đưa tất cả các tài xế xe xích lô vào nghiệp đoàn để quản lý”, ông Phúc nói.
Cần có quy định về giá và niêm yết giá Để quản lý tình trạng xích lô “dù”, UBND tỉnh hoặc TP.Huế nên ban hành quy định về mức giá cụ thể theo mỗi giờ chạy xe, theo khu vực nội thành, ngoại thành, không tính cước theo số km và yêu cầu người đạp xích lô dán bảng giá lên xe. Đặc biệt, cần tuyên truyền, huấn luyện cho những người chạy xích lô về cách ứng xử, về lịch sử, văn hóa Huế bởi họ cũng là những “đại sứ du lịch”. Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang truyền thông của ngành du lịch, khuyến cáo du khách chọn đi những xe có tem, logo của hiệp hội. Bà Dương Thị Công Lý - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại TP.Huế, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Cấp mã định vị cho xích lô, thuyền rồng Theo tôi được biết, trong tháng 8/2022, Hiệp hội Xích lô Huế sẽ cùng các ngành liên quan tổ chức hội nghị liên quan đến việc “làm sạch” môi trường du lịch Huế. Theo đó, ngành du lịch TP.Huế nên cấp mã số định vị cho mỗi xích lô, thuyền du lịch trên sông Hương. Đây được xem như mã số hành nghề, giúp đơn vị quản lý ghi nhận kịp thời phản ánh của du khách và có hướng xử lý phù hợp. Ông Trần Thanh Tú - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tú Trần (TP.Huế) |
Thuận Hóa
Xem thêm: lmth.3469641a-euh-hcil-ud-iah-mal-gnad-taig-puhc-mehc-tahc-nan/nv.moc.enilnounuhp.www