Sự sụp đổ của Zilingo - startup thời trang từng được ca tụng hết lời dường như rất đột ngột. Tháng 3 vừa qua, Zilingo quyết định đình chỉ CEO Ankiti Bose (30 tuổi) vì những khiếu nại về bất thường tài chính. Chỉ trong vòng vài tuần, các chủ nợ của công ty thi nhau thu hồi khoản vay, hơn 100 nhân viên rời đi và Bose chính thức bị sa thải dù cô phủ nhận mọi hành vi sai trái. Sự sống còn của công ty lúc này trở thành câu hỏi không ai trả lời được.
Cuộc khủng hoảng Zilingo đã làm chao đảo ngành công nghệ ở Đông Nam Á và hơn thế nữa. Startup này đã huy động được hơn 300 triệu USD từ một số nhà đầu tư nổi tiếng nhất trong khu vực, bao gồm Temasek và Sequoia Capital India. Trước khi bị sa thải, Bose là nữ CEO nổi tiếng, đi khắp nơi trên thế giới để phát biểu tại các sự kiện công nghệ lớn.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, các cuộc phỏng vấn với hơn 60 người (bao gồm nhân viên hiện tại và cự nhân viên Zilingo, đối tác, nhà đầu tư và bạn bè của những nhân vật quan trọng trong công ty) cho thấy Zilingo đã phải vật lộn trong nhiều năm dưới sự lãnh đạo của Bose. Một số người cho rằng phong cách quản lý của Bose đã khiến nhân viên xa lánh và góp phần khiến doanh nghiệp sụp đổ.
Để theo đuổi doanh số, công ty đã chuyển từ chiến lược này sang chiến lược khác, bao gồm chuyến đi để quảng cáo trị giá 1 triệu USD ở Maroc, các khoản vay cho khách hàng và chiến dịch thúc đẩy phát triển ở thị trường Mỹ trong thời gian ngắn. Từng có lúc, Bose rất chú trọng vào sự mở rộng điên cuồng để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư tỷ phú Masayoshi Son.
Trọng tâm của sự sụp đổ của Zilingo là mối quan hệ đã trở nên tồi tệ giữa Bose và người ủng hộ lâu năm (cũng là người đứng đầu Sequoia Capital India) - Shailendra Singh. Mối quan hệ của họ rạn nứt khi áp lực tài chính gia tăng. Singh dần mất niềm tin vào kỹ năng quản lý của Bose. Trong khi đó, Bose tin rằng Singh đã phản bội cô bằng cách "đá" cô ra khỏi Zilingo.
Tình trạng hỗn loạn của Zilingo cho thấy văn hóa quản trị nội bộ lỏng lẻo không phải là hiếm trong ngành công nghiệp khởi nghiệp. Trong 2 năm, công ty đã không nộp báo cáo tài chính hàng năm - yêu cầu cơ bản đối với tất cả các doanh nghiệp có quy mô như vậy tại Singapore.
Dù vậy, cuối năm 2020, nhiều nhà đầu tư vẫn rót thêm tiền vào Zilingo. Các cổ đông sở hữu phần lớn cổ phần công ty chỉ chính thức "chống lại" Bose sau khi khiếu nại được đệ trình vào đầu năm nay.
Câu chuyện của Zilingo đã trở thành lời cảnh báo cho cộng đồng công nghệ của khu vực, vốn đang gánh chịu hậu quả của các cú sốc kinh tế toàn cầu từ Covid-19 đến lạm phát toàn cầu.
Nhà đầu tư kỳ cựu Jim Rogers, Chủ tịch Rogers Holdings tại Singapore, cho biết: "Dù điều gì đã xảy ra ở Zilingo, sẽ có nhiều ‘drama’ hơn trong vài năm tới khi cuộc suy thoái kinh tế lớn trên toàn thế giới cản trở việc huy động vốn. Tôi đã từng chứng kiến cảnh này trước đây".
Theo các nguồn tin thân cận, quyết định sa thải Bose không phải đột ngột mà là đỉnh điểm của nhiều năm căng thẳng. "Hội đồng quản trị quan tâm đến hiệu quả hoạt động của công ty trong vài năm qua và tìm cách đưa ra đề xuất để giải quyết. Tháng 3/2022, các nhà đầu tư đã nhận được khiếu nại về những bất thường nghiêm trọng về tài chính và yêu cầu điều tra. Với sự ủng hộ của các cổ đông, một công ty tư vấn điều tra độc lập đã được chỉ định để xem xét các khiếu nại trên. Sau quá trình kéo dài gần 2 tháng, bao gồm nhiều cơ hội để Bose cung cấp tài liệu và thông tin, công ty sau đó đã chấm dứt hợp đồng với cô ấy dựa trên kết quả của cuộc điều tra", phát ngôn viên của Zilingo cho biết.
Về phần mình, Bose cho biết quá trình cô bị sa thải là không công bằng đồng thời phủ nhận các cáo buộc. Ngoài ra, cô tuyên bố chưa được xem báo cáo của cuộc điều tra. Về đề xuất thay đổi của hội đồng quản trị, Bose cho biết nhóm nghiên cứu đã cắt giảm việc đốt tiền tới 70% trong giai đoạn cuối năm 2019 đến cuối năm 2021.
Văn phòng của Zilingo tại Singapore (Ảnh: Internet).
Câu chuyện về sự ra đời của Zilingo vẫn được coi là một "truyền thuyết khởi nghiệp" ở Đông Nam Á. Bose nảy ra ý tưởng thành lập công ty khi đang lang thang trong một khu chợ ở Bangkok. Cô và người đồng sáng lập Dhruv Kapoor muốn xây dựng một nền tảng cho phép các thương gia nhỏ bán hàng cho người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á.
Còn Singh, anh và Bose từng là đồng nghiệp tại Sequoia. Sau đó, Singh đã biến Sequoia Capital India thành công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất khu vực. Anh đầu tư vào vòng tài trợ hạt giống của Zilingo năm 2015, khi Bose 23 tuổi. Kể từ đó, Singh tiếp tục đầu tư vào mọi vòng gọi vốn của công ty.
Nhưng cũng giống nhiều startup mới nổi khác, Bose và Kapoor phải đối mặt với không ít thách thức ngay từ đầu. Trang web thời trang tập trung vào người tiêu dùng của họ gặp khó khăn vì biên lợi nhuận thấp và thu nhập trung bình thấp ở Đông Nam Á. Đến cuối năm 2017, họ quyết định tái định vị Zilingo thành nền tảng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) - nơi các nhà sản xuất và nhà bán buôn nhỏ có thể bán hàng trực tiếp cho các nhà bán lẻ nhỏ trong khu vực.
Năm 2018, Zilingo huy động được 54 triệu USD từ các nhà đầu tư. Công ty quyết định chi 1 triệu USD để mời 9 KOL đến Maroc trong 3 ngày để quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, đó lại là một thất bại lớn, theo một nhân viên đời đầu của Zilingo. Với số tiền huy động được, Bose có xu hướng thúc đẩy tăng trưởng "điên cuồng" ngay cả khi những lợi ích tài chính trước mắt còn nhiều nghi vấn.
Chân dung Shailendra Singh (Ảnh: Internet).
Cũng trong năm đó, Bose đưa ra ý tưởng cho các nhà cung cấp và người bán vay tiền. Vì khá thành công nên những tháng sau đó, cô tăng cường áp lực bằng cách tuyên bố sẽ cho vay nhiều hơn. Nhưng không ai có thể đoán trước được việc đại dịch bùng phát cũng như cái giá mà Zilingo phải trả khi họ xóa bỏ phần lớn các khoản nợ trên.
Mặc dù vậy, Bose vẫn là một "ngôi sao" đang nổi lên trong ngành. Đầu năm 2019, Zilingo huy động được 226 triệu USD, nâng mức định giá lên 970 triệu USD. "Chúng tôi sắp làm rung chuyển mọi thứ", nữ CEO phát biểu tại một sự kiện ở Singapore.
Trong công ty, Bose thúc giục nhân viên không ngừng nghỉ. Cô từng nhắn tin với một quản lý cấp cao vào sáng sớm Chủ nhật và gọi điện hàng chục lần. Khi người này nhấc máy, cô lập tức chỉ trích: "Rõ ràng là bạn chưa quan tâm đến công ty đủ nhiều".
Trong thế giới đầu tư, mục tiêu lớn của Bose vẫn là Masayoshi Son – tỷ phú nổi tiếng với việc "liều ăn nhiều". Cô nói với các giám đốc rằng Zilingo cần đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng để thu hút sự chú ý của Son. Bose đã gặp Son 2 lần trong năm đó nhưng đều thất bại trong việc thuyết phục ông đầu tư vào Zilingo.
Nguồn: Bloomberg.
Tháng 10/2019, Zilingo tuyên bố sẽ chi 100 triệu USD để mở rộng sang Mỹ, mở văn phòng tại New York và Los Angeles. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, công ty đóng cửa các hoạt động tại thị trường này.
Cuối năm 2019, Singh cùng nhiều giám đốc khác đã nói với Bose nhiều lần để chậm lại quá trình "đốt tiền". Anh cũng không nhận được báo cáo tài chính thường xuyên từ Bose. Đến cuộc họp hội đồng quản trị vào tháng 11, các giám đốc mới biết công ty đạt doanh thu khoảng 7-8 triệu USD/tháng. Theo nguồn tin nội bộ, Singh đã gọi điện và có cuộc trò chuyện gay gắt với Bose.
Theo Bloomberg, số tiền 226 triệu USD mà Zilingo huy động được vào đầu năm 2019 đã bốc hơi sau chưa đầy 2 năm. Năm 2020, đại dịch khiến công ty chao đảo. Bose đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh thiết bị bảo vệ cá nhân, ký thỏa thuận để cung cấp 10 triệu khẩu trang KN-95 trị giá 22,5 triệu USD cho Ấn Độ. Nhưng 6 tháng sau, công ty vướng phải cuộc chiến pháp lý với chính phủ vì cáo buộc không giao 3,2 triệu chiếc khẩu trang đúng hạn. Vụ kiện hiện vẫn đang diễn ra.
Các nhân viên cũ của Zilingo vẽ nên bức tranh của một CEO "cai trị" bằng nỗi sợ. Bose được cho là từng có lời lẽ không phù hợp với nhân viên cũng như bất chấp mọi thứ để danh tiếng của mình không bị tổn hại.
Khi được hỏi về vấn đề này, Bose cho biết: "Tôi mới 23 tuổi khi thành lập công ty. Tôi thích có quyền kiểm soát ngay từ đầu. Tất nhiên tôi đã mắc sai lầm và rút kinh nghiệm. Dù thế nào, tôi vẫn nghĩ mình không phải kẻ thích kiểm soát".
Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất, Bose nhắc lại rằng cô không làm gì sai trái. "Tôi sẽ bình tĩnh, đồng cảm và thấu hiểu hơn về cách mọi người cùng làm việc. Đó là bài học lớn của tôi", nữ CEO chia sẻ.
Đến tháng 11/2020, Zilingo hầu như không có đủ tiền mặt để tồn tại trong 1 tháng. Một nhóm các nhà đầu tư hiện tại bao gồm Sequoia, EDBI, Sofina, Temasek và SIG đã vào cuộc để "giải cứu" công ty bằng cách mua 25 triệu USD trái phiếu chuyển đổi.
Tương lai của Zilingo vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ (Ảnh: Internet).
Tháng 1/2021, Singh và Bose gặp nhau và Singh đề nghị Bose xem xét rời Zilingo. Bose bị sốc, nói rằng cô sẽ không làm như vậy. Áp lực gia tăng cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Bose và người đồng sáng lập Kapoor - giám đốc công nghệ của Zilingo. Họ tranh cãi về tương lai của Zilingo vào thời điểm công ty đang vật lộn để tồn tại.
Tháng 3 năm nay, Bose nhận được tin nhắn không mấy vui vẻ: "Bão đang đến". Vài ngày sau, cô được yêu cầu tham gia cuộc họp với các nhà đầu tư và bị cáo buộc là quản lý kém, mập mờ về tài chính. Vì vậy, cô bị đình chỉ đến khi cuộc điều tra kết thúc. Về phần mình, Bose hứa sẽ hợp tác trong việc cung cấp tài liệu liên quan.
1 tuần sau khi bị đình chỉ, Bose bị hỏi về việc tại sao nhận mức lương hàng tháng là hơn 36.000 USD trong khi hợp đồng lao động cách đây 5 năm của cô ghi là hơn 6.100 USD. Bose giải thích những con số trên không chính xác nhưng cũng không cung cấp thông tin cụ thể về mức lương của mình.
Thời điểm hiện tại, Zilingo đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Một số nhân viên cho biết họ đang lo lắng về tương lai của mình. Tháng 6 vừa qua, hội đồng quản trị đã xem xét việc thanh lý công ty. Đại diện của công ty, Kapoor và Vaidya từ chối bình luận. Theo Bloomberg, Vaidya đã từ chức vào tuần trước, sau 7 năm gắn bó với công ty.
Nguồn: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/08/1453333.htmGia Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.60335925140802202-ogniliz-gnart-ioht-putrats-auc-od-pus-us/nv.zibefac