Đến mức, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn phải thốt lên: “Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng tiền để đấy không tiêu được là rất xót ruột và sốt ruột”, và yêu cầu các bộ, ngành địa phương thẳng thắn phân tích các nguyên nhân, vướng mắc, giải pháp khắc phục tình trạng này.
Lật lại lịch sử có thể thấy, chậm trễ giải ngân đầu tư công là căn bệnh nan y, căn bệnh trầm kha và mãn tính tồn tại hết năm này qua năm khác. Nó làm chậm tiến độ, đội vốn hàng loạt các công trình trọng điểm, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức; ảnh hưởng hạ tầng cơ sở, kéo trì sự phát triển của đất nước. Hy hữu một số dự án còn bị nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài kiện, bắt đền bù, gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh cũng như việc thu hút vốn ODA... Nói cách khác, hậu quả của giải ngân đầu tư công chậm là rất rất lớn.
Vậy tại sao Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn đặc biệt nhấn mạnh bối cảnh hiện nay để “xót ruột và sốt ruột”? Chính phủ lại liên tục họp hành đốc thúc? Xin thưa, bởi bối cảnh hiện nay là bối cảnh chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch khốc liệt kéo dài suốt gần 3 năm, đất nước có lúc phải “đóng cửa” để phòng, chống lây lan; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam là Trung Quốc đến thời điểm này vẫn chưa thực sự thông thương vì chính sách zero Covid-19. Dịch chưa qua thì tình hình Nga - Ukraine lại gây nên cơn bão giá nguyên vật liệu trên toàn cầu. Là nền kinh tế mở, Việt Nam bị tác động nặng nề, “sức khỏe” của người dân - doanh nghiệp bị bào mòn đến kiệt cùng.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã xác định, đầu tư công phải vươn lên dẫn dắt để đưa nền kinh tế vượt bão. Gói phục hồi kinh tế lớn nhất trong lịch sử trị giá 340.000 tỉ đồng đã được phê duyệt. Cả đất nước đang kỳ vọng vốn chảy vào các dự án trọng điểm quốc gia sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng vạn, hàng triệu người lao động; sử dụng khối lượng lớn nguyên vật liệu xây dựng sẽ kích hoạt một loạt ngành sản xuất tăng công suất; giảm thuế, phí cũng như ưu đãi hỗ trợ lãi suất, vốn vay sẽ giúp người dân, doanh nghiệp từ từ bình phục... Có thể nói, gói hỗ trợ đã được tính toán rất kỹ để tác động cả phía cung và phía cầu, đồng bộ nhịp nhàng đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Nhưng tất cả kế hoạch đó, tính toán đó, kỳ vọng đó gần như bị vô hiệu hóa bởi giải ngân ì ạch. Nguồn lực không thiếu mà dự án, công trình vẫn án binh bất động thì bảo sao Thủ tướng không “xót ruột và sốt ruột”?
Vấn đề đáng nói là nguyên nhân loanh quanh cũng chỉ có một, vướng thể chế, cơ chế. Nhưng cơ chế, thể chế là do con người đặt ra. Chưa kể trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta còn có cơ chế đặc thù để giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Chưa kể cũng cơ chế đó, bối cảnh đó, vẫn có những địa phương giải ngân đạt kế hoạch. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Có lẽ chính là con người, là năng lực, là trách nhiệm.
Có một hiện tượng được người dân, doanh nghiệp phản ánh rất nhiều thời gian qua là tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám ký, đùn qua đẩy lại từ việc nhỏ tới việc lớn. Thế nên, giải ngân đầu tư công mà không truy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu thì rất khó để đẩy mạnh.
Lẽ nào chúng ta lại cứ để nền kinh tế khó khăn trên đống tiền không thể tiêu như thế này mãi được?