Công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) làm vui lòng các cổ đông với con số doanh thu hợp nhất đạt 1.233 tỷ đồng – tăng 125 % so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 272 tỷ đồng – tăng 254%.
Câu chuyện đầy triển vọng được ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HĐQT của HAGL nói liên tục từ những quý trước là "heo ăn chuối". Theo đó, HAGL có lợi thế hơn hẳn về tỷ suất lợi nhuận so với các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ngành nhờ cho heo ăn chế phẩm từ chuối thải loại của trang trại HAGL, trong khi các doanh nghiệp khác phải chịu áp lực lớn trước sự tăng giá của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Số liệu từ công ty cho biết, trong quý 2/2022, doanh thu thuần từ trái cây đạt 643 tỷ đồng, giá vốn 442 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 201 tỷ đồng, tỷ suất LNG đạt 31,3%. Doanh thu bán heo 260 tỷ đồng, giá vốn 193 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận gộp đạt 67 tỷ đồng, tỷ suất LNG đạt 25,8%. Đây là những con số vượt trội so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dù chuối hay heo thì có thể thấy, khoản lợi nhuận gộp 271 tỷ đồng từ đó cũng không thể gánh được khoản chi phí tài chính lên tới 833 tỷ đồng (do trích lập dự phòng đầu tư vào nhóm công ty HAGL Agrico - mã chứng khoán HNG và lỗ chênh lệch tỷ giá). Khoản lỗ tỷ giá của HAGL xuất phát từ khoản vay ngoại tệ trị giá hơn 254 tỷ đồng từ Ngân hàng Liên doanh Lào Việt trong bối cảnh đồng kíp Lào (LAK) đã mất giá 28% so với USD và thấp hơn 33% so với VNĐ trong quý vừa qua.
Yếu tố đem lại lợi nhuận chính cho HAGL trong quý 2 cũng như trong nửa đầu năm 2022 chính là nhờ hoàn nhập dự phòng. Riêng trong quý 2, HAGL hoàn nhập 823 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu, giúp công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương.
Tương ứng, trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm ngày 30/06/2022, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm mạnh, chỉ còn 605 tỷ đồng – giảm 861 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong năm ngoái, HAGL cũng hoàn nhập dự phòng hơn 1.000 tỷ để "thu gọn" con số dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi xuống gần 1.400 tỷ đồng so với hơn 2.300 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2021. Đây chủ yếu là các khoản cho vay đối với nhóm công ty HAGL Agrico và các công ty liên quan khác của HAGL.
Cuối quý 2, các khoản phải thu và cho vay ngắn hạn giá trị lớn của HAGL gồm có 2.073 tỷ đồng cho CTCP Lê Me vay (giảm hơn 2.000 tỷ so với đầu năm), 1.748 tỷ đồng cho HAGL Agrico vay (tăng gần 400 tỷ so với đầu năm).
Tại ĐHĐCĐ của HAGL Agrico vào trung tuần tháng 4/2022, bầu Đức từng cho biết, mối quan hệ HAGL – HAGL Agrico sẽ tách bạch hoàn toàn trong tháng này. HAGL sẽ thoái hết vốn để thu hồi vốn, tập trung trả nợ, đầu tư chuối và nuôi heo.
Trong tháng 5, ông Đức đã bán toàn bộ 3 triệu cổ phần tương đương 0,27% vốn cổ phần của HAGL Agrico. Trước đó, trong hai tháng đầu năm HAGL cũng liên tục thoái vốn tại HAGL Agrico theo diện ngân hàng bán thu hồi nợ. Hiện HAGL còn sở hữu 104,6 triệu cổ phiếu HNG, tương đương 9,44% vốn điều lệ.
Phía HAGL Agrico trong quý 2 năm nay báo lỗ sau thuế đến 557 tỷ đồng, chỉ xếp sau khoản lỗ kỷ lục quý cuối năm ngoái. Trong đó phần lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 207 tỷ và lỗ tỷ giá 329 tỷ đồng.
Trong giải trình BCTC quý 2, công ty này cho biết đang tiếp tục làm việc với HAGL và Ngân hàng BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên, nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động vốn để có dòng tiền đầu tư.
Về phía HAGL, bầu Đức đang rất lạc quan với trồng chuối - nuôi heo với các yếu tố thuận lợi gồm (i) Giá bán chuối của Công ty đang chuẩn bị vào chu kỳ cao giá nhất trong năm bắt đầu tư tháng 9 hằng năm; (ii) Giá bán heo tiếp tục tăng. Ghi nhận, giá heo hiện nay đã tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch của Công ty, kèm theo đó là sản lượng heo xuất trong thời gian tới dự tăng gấp đôi so với sản lượng đã tiêu thụ trong nửa đầu năm.
Với dự báo này, Công ty khẳng định dự kiến sẽ sớm đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm 2022 là 1.120 tỷ đồng. Thậm chí, HAGL nhấn mạnh có thể vượt kế hoạch 20-30%.
Thị trường chuối đã được Hoàng Anh Gia Lai khai thác ổn định, với quy mô lớn từ gần 5 năm nay còn nuôi heo ăn chuối là thử nghiệm mới. Tuy nhiên, lịch sử sự nghiệp làm nông nghiệp của bầu Đức trước đây thường ở trong tình trạng: biên lợi nhuận cao vượt trội so với ngành khi bắt đầu và giảm nhanh chóng trong các năm sau khi mô hình kinh doanh không còn hiệu quả.
Ví dụ, năm 2013 khi làm mía đường, biên lợi nhuận gộp lên tới 60% - cao gấp đôi các doanh nghiệp đường lâu năm ở Việt Nam, trước khi giảm dần và được bán đi. Khi nuôi bò, biên lợi nhuận gộp cũng lên tới 40% và sau đó chỉ 1 năm đã thua lỗ.
https://cafef.vn/khong-han-trong-chuoi-hay-nuoi-heo-day-moi-la-nhan-to-chinh-giup-hagl-lai-to-20220805073537359.chnTheo Ngô My
Nhịp Sống Kinh tế