Thị trường chứng khoán sau 4 phiên tăng liên tiếp đã bắt đầu có dấu hiệu giảm điểm khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/8. VN-Index nhanh chóng đánh mất tham chiếu khi mở cửa giao dịch trước áp lực bán mạnh của hàng loạt cổ phiếu lớn.
Một số cái tên giảm điểm ngay từ đầu phiên kìm chân thị trường là SAB, GAS, VCB, VHM... Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác có biến động tích cực và phần nào kìm đà rơi của thị trường là HVN, PVD, BCM.
Dù vậy, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế khiến giao dịch trên thị trường diễn ra có phần tiêu cực. Các mã lớn như MSN, HPG, VJC, SAB... Dòng tiền vẫn tỏ ra lưỡng lự nên VN-Index ở dưới mốc tham chiếu cho đến hết phiên sáng. Cụ thể, tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,34 điểm, tương ứng 0,27% xuống 1.250,81 điểm. Giá trị khớp lệnh toàn thị trường cũng giảm 15% so với phiên sáng hôm qua.
Sang đến phiên giao dịch chiều, cổ phiếu chứng khoán bất ngờ đảo chiều và đóng góp tích cực cho VN-Index. Song nhóm vốn hóa lớn như VHM, VCB, MSN... vẫn gây áp lực lên thị trường chung nên VN-Index không thể bứt phá. Thị trường giao dịch ảm đạm và ở dưới mốc tham chiếu suốt cả phiên. Một số nhóm mã có bứt phá song chỉ giúp VN-Index phục hồi chứ chưa thể lấy lại tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8, VN-Index giảm 1,41 điểm, tương ứng 0,11% xuống 1.252,74 điểm. Toàn sàn có 210 mã tăng, 228 mã giảm và 90 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,17 điểm, tương ứng 0,73% lên 299,9 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 84 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,46 điểm, tương ứng 0,51% lên 91,32 điểm. Nhóm VN30 giảm tới 5,6 điểm và có tới 17 mã giảm giá.
NVL của Novaland chốt phiên tăng 3,06% và là mã tác động tích cực nhất tới chỉ số. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng biến động với 2 đại diện là SSI, VND nằm trong top những mã tác động nhất tới thị trường. Một số mã thuộc nhóm chứng khoán tăng kịch biên độ như APG, VIX. Các mã khác cũng tăng biên độ lớn là CTS, VCI, FTS, AGR, TVB...
HVN của Vietnam Airlines tăng 4,09% và cũng là mã kìm đà rơi của thị trường. Mới đây, doanh nghiệp hàng không này vừa có công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát. Vietnam Airlines cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp, đồng thời cho biết sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. Một mã cũng thuộc nhóm hàng không là VJC của Vietjet lại diễn biến trái ngược khi giảm 2,09%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng ghi nhận nhiều mã tăng tốt như DC4, NVT, DIG, DRH, DXG, CII, LDG, VCG... Nhóm dầu khí cũng tăng bứt phá, nhiều mã kết phiên trong sắc xanh là BSR, OIL, PVB, PVC, PVS, TOS... PVD thậm chí tăng kịch trần.
Chiều ngược lại, cặp đôi cổ phiếu "họ Vingroup" là VIC và VHM lại nằm trong nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số. Một số mã vốn hóa lớn khác chung cảnh này có thể kể đến như MSN, VNM, SAB. Hay nhóm mã ngân hàng cũng không có phiên giao dịch tích cực, các mã bị phủ bóng sắc đỏ là ACB, BID, EIB, OCB, SHB, VCB, VIB...
Đáng chú ý, HPG giảm 1,48% và khối lượng sang tay lên tới hơn 42 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mã bị khối ngoại xả mạnh nhất phiên ngày 5/8.
Theo đó, khối ngoại sau 4 phiên mua ròng liên tiếp đầu đầu đã bán ròng 291 tỷ đồng trên sàn HoSE. Khối này giải ngân 1.230 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.522 tỷ đồng. HPG là mã bị "xả" 453 tỷ đồng. Ngoài ra AGG bị bán 186 tỷ đồng, MSN bị bán 66 tỷ đồng... Ngược lại, vẫn có các mã được mua tích cực, có thể kể đến SSI 151 tỷ đồng, NVL 45 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được mua 70 tỷ đồng...
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.937 tỷ đồng, giảm 9,6% so với phiên trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 10,5% xuống còn 13.530 tỷ đồng. Nhóm VN30 được sang tay hơn 5.700 tỷ đồng, tương ứng 185 triệu cổ phiếu.