vĐồng tin tức tài chính 365

Người "hôi của" trong vụ cướp tiệm vàng có thể bị xử lý hình sự

2022-08-05 17:41

Vào 13h trưa 4/8, có mặt tại chợ Đông Ba (TP Huế, Thừa Thiên-Huế) -nơi vừa xảy ra 2 vụ cướp tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi gây hoang mang trong dư luận, PV Báo CAND ghi nhận, hiện tiệm vàng Thái Lợi đã mở cửa, giao dịch trở lại. Theo nhiều tiểu thương ở gần tiệm vàng Thái Lợi, các hoạt động mua bán tại tiệm vàng này đã diễn ra bình thường. Trong khi đó, tại tiệm vàng Hoàng Đức vẫn tiếp tục nghỉ bán.

Theo nguồn tin từ Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngày 4/8, Công an đã mời chủ tiệm vàng Thái Lợi đến để làm việc. Tại đây, điều tra viên yêu cầu chủ tiệm vàng này cung cấp một số hóa đơn, chứng từ mua bán liên quan đến số vàng mà trước đó chủ tiệm trình báo bằng miệng số vàng bị cướp (chủ yếu vàng 18K, có trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng).

Đến chiều 4/8, số vàng mà đối tượng cướp tại tiệm vàng Thái Lợi được Công an thu giữ tại hiện trường và một số người dân nhặt được đến nộp tại Công an TP Huế và Ban quản lý chợ Đông Ba là khoảng gần 4 cây vàng 18K (trị giá khoảng 180 triệu đồng).

Người hôi của trong vụ cướp tiệm vàng có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Hiệu vàng Thái Lợi đã mở cửa hoạt động trở lại.

Theo một nguồn tin riêng của PV Báo CAND, cũng có một số trường hợp nhặt được vàng đưa về nhà cất giấu nhưng khi được Công an vận động, tuyên truyền, họ có đưa đến trả lại. Tuy nhiên, số lượng vàng mà một số người trả lại có thể ít hơn so với số vàng họ nhặt được trước đó.

Trong khi đó, qua tìm hiểu từ chủ tiệm vàng Hoàng Đức cũng như lời khai của chủ tiệm này tại cơ quan điều tra, số vàng của tiệm này bị Ngô Văn Quốc cướp đã được nhân viên của tiệm và người dân nhặt, trả lại ngay sau khi vụ án xảy ra.

Chủ tiệm vàng này khẳng định, qua kiểm đếm, số vàng của tiệm đã được trả lại nguyên vẹn như trước thời điểm xảy ra vụ cướp. Được biết, hiện tiệm vàng Hoàng Đức đã hoàn tất việc sửa chữa một số chỗ hư hỏng do đối tượng cướp nổ súng. Dự kiến, trong ngày 5/8, tiệm vàng này sẽ mở cửa giao dịch.

Theo quy trình tố tụng, sau khi vụ án được khởi tố, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định tâm thần đối với Ngô Văn Quốc. Thời gian giám định việc này sẽ kéo dài khoảng gần 2 tháng và sau khi có kết quả, cơ quan Công an sẽ tiếp tục có hướng điều tra.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thông qua mạng xã hội, hiện, cơ quan Công an tiếp tục vận động, đề nghị người dân nộp lại số vàng nhặt được - tang vật của vụ cướp. Cơ quan Công an khẳng định, đối với những người dân nào nhặt vàng của vụ cướp nhưng không trả lại sẽ bị xử lý về hành vi “Chiếm giữ tài sản trái phép”.

Đứng trên góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật, thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích. Hành vi "nhặt" vàng của một số người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu không giao nộp cho cơ quan Công an thì có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Theo quy định của pháp luật việc tặng cho, định đoạt tài sản chỉ được phép khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người tặng cho. Việc công khai chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm vì đã xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Số vàng mà đối tượng Quốc ném ra chính là tang vật của vụ án, là cơ sở để định khung hình phạt cho nghi phạm. Do đó, người dân phải có nghĩa vụ nộp lại cho cơ quan chức năng.

Nếu người dân nào có hành vi nhặt vàng nhưng không nộp lại cho cơ quan Công an sẽ bị xử lý về hành vi "Chiếm giữ tài sản trái phép". Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác đối với hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tài sản bất hợp pháp có được.

Đặc biệt những người cố ý không giao nộp vàng cho cơ quan Công an có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017). Theo đó, đối tượng chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; giá trị tài sản bị chiếm giữ trị giá từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

"Những người dân tham gia "hôi vàng" cần phải nộp lại cho cơ quan chức năng để xác định giá trị thiệt hại và trả lại cho người bị hại. Việc không trả lại vàng không chỉ vi phạm đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành động xấu xí khi công khai chiếm giữ công sức mồ hôi của người khác, thiếu sự chia sẻ với người gặp nạn..." - Luật sư Bình nhấn mạnh.

Yên Chi

Xem thêm: mth.90733300150802202-us-hnih-yl-ux-ib-eht-oc-gnav-meit-pouc-uv-gnort-auc-ioh-iougn/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người "hôi của" trong vụ cướp tiệm vàng có thể bị xử lý hình sự”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools