Trong báo cáo của ngành Du lịch Việt Nam, số lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Lượng khách này tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi xảy ra COVID-19.
Tình hình này phản ánh đầy đủ đà hồi phục, tăng trưởng mạnh mẽ sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; du khách trong nước và quốc tế được dịch chuyển trở lại.
Bên dưới, chúng tôi điểm qua doanh thu, lợi nhuận trong kỳ báo cáo gần nhất của một số doanh nghiệp ngành du lịch đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi ưu tiên các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh của quý 2 (tháng 4-5-6), tháng có cao điểm du lịch Hè.
Một số doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh chưa mấy khả quan.
Vietravel lỗ gần 7 tỷ đồng do "gánh" Vietravel Airlines
Mới đây, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel (UPCoM: VTR) công bố báo cáo tài chính tổng hợp và hợp nhất của quý 2/2022.
Theo đó, VTR ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/2022 đạt 48,9 tỷ đồng, tăng cao so với thời điểm trước dịch (quý 2/2019) trong khi cùng kỳ Vietravel lỗ 29,5 đồng. Sau khi hợp nhất với các công ty con, công ty liên kết, "công ty mẹ" Vietravel lỗ hơn 6,9 tỷ đồng.
"Công ty mẹ" Vietravel hoạt động lĩnh vực du lịch, có kết quả kinh doanh được cải thiện nhiều trong quý 2/2022. Doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 48,9 tỷ đồng, cao hơn cả thời điểm trước dịch (quý 2/2019 Vietravel đạt mức lợi nhuận sau thuế là 16,3 tỷ đồng).
Vietravel Airlines là hãng bay trẻ của thị trường hàng không dân dụng Việt Nam. Ảnh: Dy Khoa.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hãng bay này đang lỗ và có kế hoạch tăng đội tàu bay, điểm đến. Ảnh: Dy Khoa.
Khoản lỗ của Vietravel chủ yếu đến từ mảng hàng không - Vietravel Airlines. Hãng đã tận dụng mạnh mẽ, hiệu quả thời điểm thị trường hồi phục và giai đoạn cao điểm hè. Số chuyến bay của hãng trong tháng 6/2022 tăng 10% - 15% so với tháng trước đó và tăng 40% so cùng kỳ.
Hệ số tải (load factor) của hãng trong tháng 5, 6 và 7 luôn đạt mức trên 97%, cao nhất ngành hàng không nhờ vào chất lượng phục vụ và tỷ lệ khai thác chuyến bay đúng giờ luôn ở mức cao. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, Vietravel Airlines có chỉ số khai thác chuyến bay đúng giờ (OTP) trong tháng 5, 6 và 7/2022 dẫn đầu.
Theo lý giải của doanh nghiệp, thị trường quốc tế chưa phục hồi, giá nhiên liệu tăng đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ (có thời điểm chiếm 65% doanh thu chuyến bay), nên mặc dù hoạt động kinh doanh của Vietravel Airlines có sự hồi phục và phát triển vượt bậc trong quý 2/2022, nhưng doanh thu vẫn chưa thể bù đắp cho các khoản chi phí.
Công viên nước Đầm Sen lãi kỷ lục
Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN) công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm với kết quả kinh doanh cao kỷ lục. Trong quý vừa qua, Công viên nước Đầm Sen ghi nhận gần 98,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp 7 lần số thu cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đà tăng doanh thu đến ở hầu hết hoạt động kinh doanh từ mảng bán vé vui chơi vào công viên đến hoạt động cung cấp hàng hóa bên ngoài.
Đáng chú ý, mức doanh thu kể trên không chỉ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước mà còn là mức cao nhất Đầm Sen thu về được trong một quý kinh doanh, cao hơn cả giai đoạn chưa gặp khó khăn vì dịch bệnh. Bên cạnh đà tăng doanh thu, biên lãi gộp của Đầm Sen cũng tăng mạnh trong quý từ mức 40,8% lên 68,1%. Kết quả này giúp công viên nước nổi tiếng tại TP HCM thu về hơn 67 tỷ đồng lãi gộp trong riêng quý 2, cao gấp 12 lần cùng kỳ.
Số doanh thu và lãi gộp tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ, công viên nước này vẫn thu về gần 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của công viên này cũng tăng tương ứng 14,4 lần, đạt gần 48 tỷ đồng.
Du lịch Thành Thành Công báo lãi, vực dậy từ con số âm
Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2. Theo đó, Du lịch Thành Thành Công có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2 đạt hơn 163 tỷ đồng, tính lũy kế chỉ số này từ đầu năm là hơn 248 tỷ đồng. So với cùng kỳ lần lượt là 61 tỷ và 131 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNG tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, quý 2 năm nay, doanh nghiệp có lợi nhuận lên đến 46,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản mục này ghi nhận âm hơn 17,8 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, Du lịch Thành Thành Công đang có lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 79,1 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công sở hữu các chuỗi khách sạn mang thương hiệu TTC tại tỉnh/thành phố Cần Thơ, Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận và Vương quốc Campuchia. Đơn vị này còn sở hữu thương hiệu khu du lịch TTC World và các sản phẩm, dịch vụ du lịch khác.
Hội An từng có thời gian vắng bóng du khách, hàng quán then cài do ảnh hưởng của đại dịch. Nơi đây đang hồi sinh trong cao điểm du lịch Hè. Ảnh: Dy Khoa.
Du lịch Dịch vụ Hội An báo lỗ và có giải trình
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 kém khả quan. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong quý của doanh nghiệp này là âm 4,9 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước là âm hơn 6 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm nay là âm 11,5 tỷ đồng. Trong quý này, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Du lịch Dịch vụ Hội An đạt hơn 8,4 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi vay phải trả của đơn vị này là hơn 58 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2021 không có. Chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 2,1 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm liền trước đó.
Tuần cuối tháng 7, HOT đã có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Theo đó, công ty cho rằng tình hình lỗ quý 2 đã giảm đáng kể so với quý 1. Và cho rằng thị trường đang hồi phục, doanh thu tại các chi nhánh và đơn vị thành viên đã tăng. Tuy nhiên, đơn vị liệt kê một số nguyên nhân như tình hình cạnh tranh khốc liệt về giá bán, điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp sau hai năm dịch, chi phí đầu vào tăng cao...
Công ty sẽ cố gắng khắc phục bằng cách khai thác tối đa doanh thu, chú trọng doanh thu lưu trú, ẩm thực, lữ hành. Đồng thời tìm kiếm các nguồn thu khác và tiết kiệm, cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận hoạt động. Cùng đó là tái cơ cấu bộ máy.
Những nội dung này được nhắc lại trong văn bản gửi hai đơn vị trên hôm 4/8 trình bày khắc phục do cổ phiếu bị rơi vào trạng thái kiểm soát. Mã HOT có hai phiên giảm điểm từ ngày 1/8 đến nay.
http://tintuc.vdong.vn/08/1454781.htmXem thêm: mth.75963838140802202-uas-ol-oab-ion-mad-ial-oab-hcil-ud-yt-gnoc-taol-neid-ol/nv.ahos