Máy bay quân sự Trung Quốc bay ở đảo Pingtan, một trong những điểm của Trung Quốc đại lục gần đảo Đài Loan nhất, vào ngày 5-8 - Ảnh: AFP
Việc trừng phạt này nằm trong những biện pháp phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trên nhiều phương diện, từ dư luận, ngoại giao, quốc phòng, cho tới khả năng áp dụng các đòn kinh tế.
"Phản ứng quá mức"
Trong khi đó, Washington nói Bắc Kinh đã "phản ứng quá mức" trước chuyến đi của bà Pelosi. Tại một cuộc họp của ASEAN vừa qua, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ đã nhiều lần nhắc lại với Trung Quốc rằng Washington không muốn thấy khủng hoảng và chuyến thăm của bà Pelosi là sự kiện ôn hòa nhưng lại bị Trung Quốc phản ứng thái quá.
Về quân sự, đúng như giới quan sát đã dự đoán, Trung Quốc phản ứng bằng cách tiến hành tập trận bắn đạn thật từ ngày 4 tới 7-8 ở vùng biển và vùng trời tại 6 khu vực quanh Đài Loan. Trong ngày 5-8, Đài Loan nói có 68 chiếc máy bay và 13 tàu chiến của Trung Quốc đã vượt qua khu vực phân cách trên biển giữa hòn đảo này và Trung Quốc đại lục. Quân đội Trung Quốc được cho là đã phóng 11 tên lửa Đông Phong hôm 4-8.
Theo GS Meng Xiangqing tại ĐH Quốc phòng quốc gia Trung Quốc, các cuộc tập trận lần này bao gồm những màn diễn tập bắn đạn thật và lần đầu tiên các tên lửa thông thường bay xuyên qua không phận do Đài Loan tuyên bố.
Phía Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục những động thái tương tự. Người phát ngôn John Kirby của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ trước đó khẳng định một tàu sân bay Mỹ sẽ giữ sự hiện diện quanh Đài Loan thêm vài ngày để "quan sát tình hình".
Rất có thể tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian nhiều ngày tới nhưng khả năng leo thang tới mức đụng độ quân sự là rất thấp.
Diễn tập kịch bản dùng vũ lực thu hồi Đài Loan?
Có luồng ý kiến cho rằng sự kiện bà Pelosi thăm Đài Loan lần này được Trung Quốc tận dụng để diễn tập kịch bản dùng vũ lực thu hồi Đài Loan. Tất cả những gì diễn ra, bao gồm phản ứng của Trung Quốc, Mỹ và phần còn lại, cũng cho thấy khả năng này không phải là không có.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài cũng xem phát trực tiếp (livestream) chuyến đi của bà Pelosi, và một số hưởng ứng lời kêu gọi cực đoan về việc dùng vũ lực với Đài Loan.
Chi tiết này phản ánh việc chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy tại Trung Quốc những ngày qua, tương tự mô tả từ truyền thông nước ngoài. Nói cách khác, đây là bài kiểm tra giúp Chính phủ Trung Quốc đo đếm tâm lý của dư luận nước này. Tương tự, căng thẳng ở Đài Loan cũng hé lộ một phần phản ứng có thể có của cộng đồng quốc tế đối với khả năng xảy ra khủng hoảng thực sự.
Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng gia tăng, điểm tích cực là các bên vẫn cần cân nhắc hậu quả kinh tế trước khi đưa ra bất kỳ quyết định liều lĩnh nào. Đây giống như chiếc "mỏ neo" giúp các nước không để tình hình đi quá xa và mất kiểm soát.
Trước hết, thế giới hiện đại với sự phát triển của thương mại quốc tế là một hệ thống lợi ích chồng chéo. Và nếu có người so sánh Trung Quốc - Đài Loan với Nga - Ukraine, họ cũng hiểu rằng Trung Quốc là nền kinh tế liên kết với thế giới nhiều hơn so với Nga. Điều này khiến cả Trung Quốc lẫn phần còn lại đều phải kiềm chế.
Các doanh nghiệp Đài Loan không muốn rơi vào thế kẹt trong quan hệ Mỹ - Trung. Kênh CNBC dẫn số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm tới 42% xuất khẩu của Đài Loan năm ngoái, trong khi Mỹ chiếm 15%. Khoảng 22% nhập khẩu của Đài Loan tới từ Trung Quốc và Hong Kong, còn Mỹ chiếm 10%.
Trong khi đó Trung Quốc cũng không muốn lao vào một cuộc đối đầu toàn diện. Ông Ja Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị ở Đại học quốc gia Singapore, nói với chương trình Squawk Box Asia: "Trung Quốc muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ, nhưng tôi không nghĩ họ muốn làm bất cứ điều gì đặc biệt liều lĩnh… Rất nhiều thông điệp nhằm tạo ra sự báo động và gợi ý rằng bất kỳ nỗ lực nào trong việc làm điều Bắc Kinh không thích về vấn đề Đài Loan đều tạo ra rủi ro và chi phí đáng kể".
Trung Quốc dừng hợp tác nhiều lĩnh vực với Mỹ
Ngày 5-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố Bắc Kinh quyết định chấm dứt hợp tác với Mỹ về nhiều lĩnh vực quân sự và dân sự để trả đũa chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Theo Đài Russia Today của Nga, sẽ không còn liên lạc giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực gồm các cuộc làm việc giữa bộ quốc phòng hai nước, tham vấn an ninh hàng hải, hợp tác chống di cư bất hợp pháp, hỗ trợ tư pháp, tội phạm xuyên quốc gia, kiểm soát ma túy và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, một cuộc điện đàm đã được lên kế hoạch giữa các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ và Trung Quốc cũng đã bị hủy bỏ.
TTO - Nhà Trắng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương để lên án các hành động leo thang của Bắc Kinh quanh đảo Đài Loan, đồng thời khẳng định Mỹ không thay đổi chính sách 'Một Trung Quốc' cũng như không mong xung đột nổ ra.
Xem thêm: mth.74113232250802202-oan-cum-ned-ios-cus-es-naol-iad-neib-oe/nv.ertiout