Anh Trần Văn Năm ở xã Hòa Thành, huyện Tam Bình cho biết, anh có 1,5 ha đất sản xuất lúa, hàng năm đủ trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên lúa Hè Thu vừa qua, anh sản xuất không có lãi nên vụ lúa Thu Đông này, anh quyết định chỉ sản xuất 5 công, phần còn lại anh bỏ đất trống để chờ xuống giống vụ Đông Xuân. “Giá lúa hơi thấp trong khi giá phân bón quá cao, người trồng lúa tính toán lại thu nhập không có nên bỏ vụ Thu Đông này để đất lấy lại màu mỡ tạo năng suất vụ sau”, anh Băm cho biết lý do.
Theo kế hoạch vụ Thu Đông năm 2022 Vĩnh Long xuống giống khoảng 36.000 ha, tuy nhiên đến nay đã kết thúc lịch thời vụ, nông dân Vĩnh Long mới xuống giống được 19.100 ha, chiếm 53% kế hoạch. Diễn tích đất còn lại dân bỏ trống hoặc sản xuất hoa màu. Nhiều hộ chuyển sang trồng cam, quýt có giá trị kinh tế cao hơn.
Không chỉ vụ lúa Thu Đông mà vụ lúa Hè Thu vừa qua Vĩnh Long cũng xuống giống không đạt kế hoạch. Theo sở NN&PTNT vụ Hè Thu vừa qua nông dân xuống giống chỉ đạt khoảng 78% kế hoạch, nguyên nhân cũng là do giá phân bón tăng cao trong khi giá lúa tăng không tương xứng.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, nếu sản xuất lúa không có lời, nông dân nên lơi đi 1 vụ lúa sang trồng màu sẽ mang lại kinh tế cao hơn. “Trong trường hợp giá lúa vẫn ở mức thấp, nhưng giá vật tư nông nghiệp còn tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tạm ngưng một vụ lúa để dồn cho vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa ăn chắc. Đồng thời cần chuyển cơ cấu lao động sang lĩnh vực khác để mang hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Liêm khuyến cáo.
Việc nhiều nông dân Vĩnh Long không sản xuất lúa vụ Hè Thu và Thu Đông chỉ là biện pháp tình thế để đối phó với giá phân bón tăng cao hiện nay. Về lâu dài cần có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm giảm chi phí đầu vào để nông dân gắn bó với cây lúa được bền vững hơn./.
Xem thêm: vov.934169tsop-paht-tad-gnol-hniv-o-aul-gnoig-gnoux-gnoul-nas-ial-oc-gnohk-taux-nas/et-hnik/nv.vov