vĐồng tin tức tài chính 365

Phải mở đường cho xe buýt vào sân bay Tân Sơn Nhất

2022-08-06 09:39
Phải mở đường cho xe buýt vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Một hành khách phải khệ nệ xách vali ra ngoài để lên xe buýt 152 ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vì trạm đón bị các xe khác đậu đón khách trưa 5-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo thống kê, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang phục vụ khoảng 120.000 lượt hành khách mỗi ngày, tương ứng với hơn 40 triệu lượt khách/năm. Chỉ với 2 tuyến xe ít ỏi buộc hành khách phải chọn sử dụng taxi, xe công nghệ, xe dịch vụ. 

Cũng chính vì sự bất thuận tiện này mà những loại taxi "dù", taxi "chặt chém", xe dịch vụ hét giá như "cá gặp nước" bùng lên mạnh mẽ ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều lúc như một cái chợ.

Phải có làn xe buýt riêng, xe trung chuyển

Liên quan đến tình trạng "bát nháo" kéo dài tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản khẩn kiến nghị với UBND TP.HCM về các nội dung cần thực hiện gấp trong thời gian tới. Sở kiến nghị phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế, nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức tuyến xe buýt trung chuyển khách nhằm giảm tải, giải tỏa hành khách tập trung đông tại sân bay.

Đồng thời sở đã điều chỉnh điểm đón khách tại vị trí phù hợp cho hành khách dễ dàng tiếp cận kể từ ngày 1-8 vừa qua. Đối với tuyến xe buýt số 152 đang hoạt động, sở tăng lên 120 chuyến/ngày so với trước đó là 76 chuyến/ngày từ ngày 5-8. Ngoài ra khôi phục tuyến xe buýt số 109 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành) đã dừng thời gian qua do dịch COVID-19.

Các chuyên gia lẫn hành khách đều khẳng định cần phải ưu tiên xe công cộng nhiều hơn nữa thì mới giải được bài toán "bát nháo, chặt chém". 

Ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, cho biết cần thiết nhất là các vị trí đậu, đỗ để đón khách thuận lợi. Khi được bố trí thuận tiện thì việc mở tuyến xe buýt đi sân bay hay tuyến xe buýt chạy vòng vào sân bay là vấn đề không khó. Thời gian tới xe buýt cần được ưu tiên và nhất thiết phải có một làn riêng để khách dễ tiếp cận.

Tuy nhiên trên thực tế, việc bố trí "vị trí ưu tiên" cho xe buýt rất khó khăn và phụ thuộc sự bố trí của đơn vị quản lý sân bay. 

"Hiện sở đang nghiên cứu thêm các tuyến xe buýt vòng để trung chuyển khách. Chẳng hạn tuyến xe buýt chạy vào sân bay để đưa khách ra các khu vực bên ngoài ở khu vực có bán kính 2km, như công viên Hoàng Văn Thụ... để khách chủ động đón xe, tránh áp lực cho sân bay", ông Hải nêu giải pháp.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nhận định: "Tôi đánh giá tuyến xe buýt trung chuyển là giải pháp cực kỳ hay. Các tuyến xe buýt này sẽ hoạt động quanh sân bay tại các tuyến đường trục chính để người dân tới đón và vào sân bay thay vì đi xe cá nhân. Xe buýt sử dụng có thể là xe điện, xe buýt nhỏ 10 - 15 chỗ để linh hoạt hơn. Nếu có thể thời gian đầu chính quyền nên tính cách miễn phí vé để người dân tiếp cận và hình thành thói quen đi xe công cộng".

Còn theo ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, nêu lý do sân bay tắc nghẽn do thiếu xe là không thuyết phục bởi TP không thiếu xe buýt và các loại xe công cộng khác. Ông cho rằng việc thiếu xe là do cách tổ chức của sân bay không đạt yêu cầu đã dẫn đến chuyện rắc rối như thời gian qua.

Ông Tính dẫn chứng trước đây dù khách đi lại không đông như bây giờ nhưng cơ quan hàng không đã mở xe buýt trung chuyển từ sân bay ra số 2 Phạm Ngũ Lão, chỗ công viên 23-9. Mô hình xe buýt trung chuyển này rất hay và rất thực tế, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi. Thời gian tới cần phải nghiên cứu mô hình này để mở các tuyến xe buýt trung chuyển đi vào trung tâm, bến xe...

 Thậm chí trong điều kiện áp lực khách đông như hiện nay, cần mở làn đường riêng cho xe buýt đi sân bay Tân Sơn Nhất, nếu không ưu tiên suốt tuyến thì có thể ưu tiên từng đoạn. Còn phía bên trong sân bay phải sắp xếp chỗ đậu, đỗ tiện lợi nhất cho khách. Tốt hơn hết là mở luôn bãi xe buýt để người dân xuống máy bay có thể chủ động đi xe buýt.

"Hiện sân bay Tân Sơn Nhất chỉ tổ chức một cổng vào cho hành khách đến và đi, nên tập trung lượng lớn người và xe đi lại trên đường Trường Sơn. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở thêm một cổng thứ hai để ra vào sân bay Tân Sơn Nhất", ông Tính chỉ ra điểm gây nghẽn.

Nếu có xe buýt thường xuyên mà thuận lợi, tôi nghĩ hành khách sẽ chọn ngay bởi vì giá vé rẻ, không bị "chặt chém", cự cãi. Ai có thời gian thong thả hơn thì đi xe buýt ngắm TP cũng là một điều hay.

Chị DƯƠNG VÂN ANH (ngụ TP Thủ Đức, một hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất)

Phải mở đường cho xe buýt vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.

Xe buýt đã ít còn đi chung mặt bằng giao cắt với làn ôtô các loại và làn khách đi, đến tại ga quốc nội Tân Sơn Nhất, gây kẹt xe thường xuyên tại đây - Ảnh: CÔNG TRUNG

Sở GTVT chỉ quản lý bên ngoài, còn bên trong "không thể làm gì được"!

Nếu tình hình "bát nháo" ở sân bay Tân Sơn Nhất không được cải thiện, Sở GTVT kiến nghị UBND TP báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét thống nhất phương án quản lý đối với sân bay cho phù hợp với đặc thù TP.HCM. 

Ông Lê Trung Tính giải thích rằng theo quy định, quản lý sân bay thuộc cảng hàng không. Cho nên Sở GTVT địa phương chỉ được quản lý phía ngoài, còn bên trong thì "không thể làm gì được"!

Đây là một sai lầm của ngành giao thông. Bây giờ muốn làm tốt phải có sự quản lý song trùng giữa cảng hàng không và địa phương. 

"Hai bên phải thống nhất và phân luồng phân tuyến chứ không thể "giao quyền" tự làm cho phía cảng như hiện nay. Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trên địa bàn TP.HCM, do đó TP phải được giao trách nhiệm quản lý để chủ động xử lý các công việc như điều tiết, phần luồng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân", ông Tính phân tích. 

Theo ông, muốn thiết lập được trật tự khu vực sân bay, Bộ GTVT phải chủ trì xây dựng quy chế quản lý nhà nước song trùng giữa cảng hàng không và địa phương. Quy chế này không chỉ áp dụng ở TP.HCM mà còn áp dụng ở tất cả sân bay quốc tế trên cả nước.

Còn ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường TP.HCM, nêu giải pháp quyết liệt hơn: Bộ GTVT và cơ quan có thẩm quyền cần ra "tối hậu thư" trong vòng 2 tháng tới, đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất phải giải quyết triệt để tình trạng trên. 

"Trường hợp sự "bát nháo" vẫn xảy ra, đề nghị các cơ quan quản lý phải để địa phương cùng quản lý. Phải đưa ra thời hạn để các ông xắn tay rốt ráo giải quyết, ai quản lý không tốt thì nên đứng ra một bên để người khác làm", ông Trường nói.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận cũng đồng tình với quan điểm cần phải giao chính quyền TP cùng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất. TP.HCM đã thực hiện cơ chế đặc thù thì việc tự quản lý sân bay chỉ là một vấn đề nhỏ. Bộ GTVT sẽ phân công cho các đơn vị hàng không quản lý về mặt khai thác bay, phía trong khu vực bay, còn ra khỏi ga thì phải giao cho Sở GTVT quản lý, tổ chức giao thông.

"Không thể để tình trạng như hiện tại: bước ra khỏi ga quốc nội là hành khách như bị tra tấn bởi sự chèo kéo, bắt khách của xe taxi, xe dịch vụ. Đi vào nhà giữ xe TCP cũng không thoát khỏi sự chèo kéo của một số người chạy xe ôm. 

Ra khỏi nhà giữ xe thì gặp đội xe ôm đợi sẵn mời chào đứng chật cả đường di chuyển mặc kệ sự điều tiết của lực lượng thanh niên xung phong. Khi đã giao cho TP.HCM thì TP sẽ đảm bảo khuôn khổ từ trong ra ngoài, như vậy giao thông trong ngoài sân bay Tân Sơn Nhất mới thay đổi được", ông Thuận bày tỏ.

Tổng công ty Cảng hàng không "im ru"

QD_XeBuyt_SanBay_TanSonNha 1

Xe buýt 152 tuyến sân bay Tân Sơn Nhất - khu dân cư Trung Sơn thưa thớt khách trưa 5-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thời gian qua hoạt động xe buýt ở sân bay èo uột, do vị trí đón khá bất tiện ở ga quốc tế. Sau khi dư luận lên tiếng, khoảng tháng 4 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất "vội vàng" cho phép xe buýt hoạt động ở ga quốc nội với điểm đón làn B, nhưng điểm đón cũng chưa thật sự thuận lợi. Các thông tin hướng dẫn khách sử dụng xe công cộng đếm trên đầu ngón tay. Khách hàng "mù tịt" thông tin có xe buýt hoạt động ở sân bay.

Theo lý giải của sân bay Tân Sơn Nhất, xe buýt kích thước lớn đi vào khu vực giao thông gần sảnh nhà ga, đặc biệt khung giờ cao điểm đông khách thường xảy ra kẹt xe thêm nghiêm trọng.

Mấu chốt mà sân bay Tân Sơn Nhất thường nêu là giao cắt với làn khách đi, đến, bố trí xe kích thước lớn qua lại gây nguy hiểm. Đồng thời khách vẫn chưa có thói quen đi xe buýt, cao điểm có thể nhộn nhịp nhưng vào giai đoạn thấp điểm, tình trạng ế ẩm xảy ra.

Thực tế nhiều giải pháp được đưa ra căn cơ song đến nay vẫn "nằm trên giấy" như làm cầu vượt nối nhà ga Tân Sơn Nhất đến khu vực nhà xe TCP hoặc hầm chui. Nếu làm đường hầm nối nhà ga quốc nội sang nhà giữ xe TCP sẽ giải quyết được vấn đề giao cắt người đi bộ và dòng xe di chuyển trên làn xe A, B, C, D nhằm đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc trước nhà ga. Dù vậy đến nay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý 22 sân bay trên cả nước, vẫn chưa có động thái nghiên cứu về phương án này.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lý do ACV "im ru" là chi phí tốn kém và chưa phân định đơn vị TCP hay sân bay bỏ tiền ra làm. Chưa kể có thêm lý do sắp khởi công nhà ga T3, phân chia lượng khách sau khi nhà ga đi vào hoạt động thì tình trạng kẹt trong, kẹt ngoài sẽ giảm bớt. Điều này cho thấy sân bay vẫn muốn tối ưu lợi ích, không sẵn sàng đầu tư nâng cấp để tạo sự thoải mái cho khách đi máy bay.

Đi thực tế kiểm tra tại sân bay Tân Sơn Nhất mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị bố trí lại các bảng hướng dẫn một cách thuận lợi, rõ ràng, khách hàng dễ dàng nắm bắt chọn xe đi lại. Xe buýt sẽ là phương án được ưu tiên, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh phía sân bay phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, tăng thêm tuyến xe buýt, bố trí vị trí phù hợp nhất để khách hàng biết.

Ông Trần Doãn Mậu, giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, đề nghị cần dời vị trí đón xe buýt gần sát khu vực khách đến, tăng thêm các bảng hướng dẫn để khách nắm bắt. Theo ông Mậu, xe công cộng ở sân bay phải chiếm 30 - 40% chứ không thể ít ỏi như hiện nay. Hạ tầng quá tải nhưng cần thay đổi cách thức quản lý, vận hành khai thác hiệu quả.

"Nếu tổ chức tuyên truyền, ngay từ bên trong của nhà ga đến bố trí những bảng chỉ dẫn vị trí trạm xe buýt để khách hàng nắm bắt. Một ngày chưa đông khách nhưng nhiều ngày khách biết có xe buýt, chắc chắn sử dụng sẽ nhiều hơn, đặc biệt là khách nước ngoài", ông Mậu kỳ vọng. (C. TRUNG)

Phương Trang đấu thầu xe buýt ở sân bay Tân Sơn Nhất

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-8, ông Đào Viết Ánh, tổng giám đốc Hãng xe Phương Trang, xác nhận đơn vị này đã gửi hồ sơ đến Sở GTVT TP.HCM dự thầu tuyến xe buýt hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông Ánh, các tiêu chí sẽ được cân nhắc như đảm bảo chất lượng dịch vụ, thương hiệu tốt, hoạt động ổn định, đặc biệt là không bỏ tuyến...

Với Phương Trang, ông Ánh cho biết nếu trúng thầu hãng sẽ đầu tư mới, huy động lượng xe chất lượng hoạt động phục vụ có điểm nhấn khác biệt để khách hàng yêu thích chọn lựa.

Sân bay có lượng khách tiềm năng nên khi tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp có tiềm lực sẽ đảm bảo chất lượng, hài lòng khách hàng, giảm tải các phương tiện khác như taxi, xe công nghệ... "Chúng tôi sẽ quyết tâm đưa dịch vụ tốt nhất phục vụ khách đi, đến sân bay", ông Ánh cam kết. (C. TRUNG)

Dễ như đi xe buýt Nội Bài vào trung tâm

xebuyt-taxisanbay NoiBai

Khách đi xe buýt 86 lộ trình ga Hà Nội - sân bay Nội Bài giá 40.000 đồng - Ảnh: T.T.D.

Sẽ có nhiều người nói rằng vì sân bay Nội Bài (Hà Nội) ở xa trung tâm nên xe buýt mới có cơ hội là một trong những lựa chọn tốt cho hành khách. Lý do này không sai nhưng chưa đủ. Là người đi xe buýt sân bay từ thuở chỉ có xe buýt mini của Vietnam Airlines, loại xe 16 chỗ ngồi, đậu ở góc đường Quang Trung - Tràng Thi và vé chỉ 25.000 đồng một chiều, tôi đã luôn cảm thấy biết ơn cho cả sự tiện lợi lẫn giá cả của xe này từ khoảng 20 năm trước.

Sau này lần lượt có xe buýt lớn của Vietjet Air, thường đậu ở gần cầu Long Biên, khi đưa đón khách sân bay. Rồi minibus Việt Thanh, sau khi chen chân cạnh tranh cùng minibus Vietnam Airlines, bây giờ cũng có xe buýt cỡ lớn đưa đón khách ở điểm Rạp xiếc trung ương (cổng công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông).

Chưa kể đến các xe buýt thông dụng khác như xe buýt 90 từ ga tàu điện Cát Linh đi, xe buýt 109 từ Mỹ Đình, xe 17 từ Long Biên, xe 07 từ Cầu Giấy, xe buýt 86 từ ga Hà Nội, xe buýt 68 từ Hà Đông... Xe buýt đi sân bay ở Hà Nội hiện dễ dàng hơn bao giờ hết, tất nhiên với người không ngần ngại lựa chọn phương tiện giao thông công cộng này.

Sân bay Nội Bài phân chia rõ cổng đi và cổng đến nên khi ra khỏi sân bay, không bao giờ gặp cảnh xe đến xe đi cùng chen vai thích cánh như ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã đành, sân bay còn thực sự dành ưu ái cho xe buýt.

Ra khỏi cửa sân bay, băng qua làn đường thứ nhất đã thấy rất nhiều xe buýt chờ khách. Giá vé 40.000 đồng/người, xe di chuyển liên tục, các làn đường lại ưu tiên nên đi xe buýt về trung tâm thành phố, theo tôi, thường nhanh hơn lựa chọn xe cá nhân khác. Đó là chưa kể loại shuttle bus đưa đón miễn phí giữa ga quốc nội và quốc tế, hành khách sẽ không khó khăn khi di chuyển giữa 2 sân ga để chọn phương tiện thích hợp về thành phố.

CÁT KHUÊ

Theo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trong dịp hè 2022 này, lượng hành khách nội địa qua sân bay Nội Bài tăng cao nên lượng hành khách sử dụng xe cá nhân ra vào đón khách tại sân bay cũng tăng đột biến, cao gấp 3 lần so với trước đại dịch COVID-19, gây áp lực lớn đến luồng di chuyển và sân đỗ ôtô vốn đã được bố trí tối đa trong giới hạn mặt bằng cho phép. Do vậy Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khuyến cáo hành khách nên chọn xe buýt để dễ dàng tiếp cận nhà ga.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội - đơn vị khai thác chủ yếu các tuyến xe buýt kết nối sân bay Nội Bài, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, số chuyến chỉ bằng 30% của trước dịch. Tuyến 86 chỉ đạt bình quân 14 khách/lượt, doanh thu chỉ bằng 18,5% so với trước dịch. Tuyến 68 chỉ đạt 8,8 khách/lượt. Hai tuyến buýt này phải thực hiện tăng giá vé 2 lần vào ngày 15-3 và 24-6-2022 do giá nhiên liệu tăng cao nhưng kết quả kinh doanh vẫn không bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch. (T.PHÙNG)

Bát nháo giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM): Taxi tắt đồng hồ, xe dịch vụ hét giáBát nháo giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM): Taxi tắt đồng hồ, xe dịch vụ hét giá

TTO - Vừa bước chân ra khỏi ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách sẽ bị "tra tấn" bởi vô số lời mời từ các "cò xe". Khung cảnh ồn ào, bát nháo này xảy ra hằng ngày, hằng giờ ở các làn đón xe dịch vụ, các lối ra tại sân bay.

Xem thêm: mth.18590008060802202-tahn-nos-nat-yab-nas-oav-tyub-ex-ohc-gnoud-om-iahp/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phải mở đường cho xe buýt vào sân bay Tân Sơn Nhất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools