Hôm 5-8 tại TP.HCM, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và Cục Điện ảnh tổ chức lấy ý kiến của giới làm phim, phát hành phim về thông tư "Quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim" (sau đây gọi tắt là thông tư phân loại phim).
Thông tư căn cứ vào Luật điện ảnh 2022 và các nghị định của luật. Sau khi lấy ý kiến góp ý, thông tư phân loại phim sẽ được bộ ký ban hành tháng 11-2022.
"Con xem phim, bố mẹ ngồi cạnh bịt mắt"
Một số người trong ngành ví von như vậy khi nói về mức K - mức xếp hạng mới xuất hiện trong thông tư phân loại phim. Phim loại K được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi nhưng cần xem cùng cha mẹ hoặc người giám hộ.
Các mức xếp loại bao gồm: P - phổ biến với mọi độ tuổi, K, T13 - phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên, T16 - phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên, T18 - phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt, nếu phim vi phạm các mục cấm ở điều 9 Luật điện ảnh sẽ bị xếp mức C - không được phép phổ biến.
Với mức K, đây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đề cập đến trách nhiệm của cha mẹ trong việc xem phim cùng con và hướng dẫn con. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho đây là "một bước tiến rất lớn trong việc phân loại".
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, giám đốc Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy), nhận xét: "Thông tư này cởi mở, rõ ràng hơn, bổ sung mức K - tương đương mức PG13 trên thế giới, tạo điều kiện cho khán giả nhỏ tuổi tiếp cận phim ảnh Việt Nam và quốc tế.
Trước đây có những phim hướng đến trẻ em nhưng được phân loại C13 (trên 13 tuổi) nên các em chưa xem được, chẳng hạn Spider-Man: No Way Home vừa qua. Nếu phân loại mức K thì các em sẽ xem được".
Nhưng thay vì bịt mắt con trước những cảnh nhạy cảm, mức phân loại mới nhấn mạnh vào sự hướng dẫn, đồng hành của cha mẹ (parents guide), tức trách nhiệm lớn lao hơn. Để hướng dẫn được cho con, cha mẹ cũng phải là khán giả thông minh, tìm hiểu kỹ thông tin về phim và hiểu được thông điệp của phim để truyền tải cho con.
Phân loại độ tuổi để làm gì, nếu không vì bảo vệ trẻ em?
Tham khảo những mô hình phân loại của các nền điện ảnh tiên tiến, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh góp ý: "Tôi muốn đặt câu hỏi vì sao chúng ta làm việc dán nhãn độ tuổi. Ở các nước khác thì mục đích lớn nhất là bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên khi tiếp cận các tác phẩm điện ảnh. Nếu xác định mục đích là như vậy thì chúng ta sẽ đưa ra các quy định hợp lý hơn.
Ở các nước như Singapore, Mỹ, New Zealand, những người trong hội đồng quyết định việc phân loại đều là phụ huynh có con từ 5 đến 20 tuổi. Các thành viên hội đồng sẽ xem phim và quyết định phim này có phù hợp với con cái họ hay không.
Đến khi những người này có con trên 21 tuổi thì họ phải rời khỏi hội đồng, vì người trên 21 tuổi đã có thể tự quyết định xem hay không xem".
Ở nền điện ảnh Mỹ, khi nhận nhiệm vụ phân loại phim để bảo vệ chính con cái mình, các thành viên hội đồng đã làm rất tốt và trách nhiệm. Với mỗi bộ phim, luôn có văn bản lý giải vì sao bộ phim lại được phân loại mức đó, mô tả khách quan và sơ lược những cảnh phim có tính chất bạo lực, tình dục, khỏa thân để các bậc phụ huynh khác dễ hình dung.
Văn bản này thể hiện rõ số lượng và thời lượng cảnh phim có tính chất này, tránh sự mơ hồ và khó hiểu khi phim bị xếp mức cao, hạn chế khán giả.
Do đó nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cũng góp ý với thông tư phân loại phim rằng văn bản này vẫn còn quá "định tính", "thiếu sự định lượng", đặc biệt với 2 mức phân loại cao là T16 và T18.
Chị Ngọc chỉ ra 2 cụm từ "không thường xuyên diễn ra" hay "có thời lượng kéo dài" khi thông tư nói về các cảnh bạo lực, tình dục, khỏa thân, ma túy, kinh dị... Những cụm từ này không rõ ràng, nên được cụ thể hóa thành bao nhiêu phần trăm thời lượng phim hoặc số phút.
Sẽ lập trung tâm phát hành phim trực tuyến, số hóa phim Việt
Chiều 5-8, tại hội thảo "Xây dựng trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến", ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc thành lập trung tâm này.
Trung tâm này sẽ lưu trữ khoảng 3.000 - 4.000 đầu phim, trong đó có hơn 2.500 phim truyện, hoạt hình, tài liệu của Việt Nam và khoảng 100 phim Việt Nam và nước ngoài mới hằng năm. Nhà nước cấp 100% kinh phí trong 5 năm đầu tiên. Việc vận hành giao cho Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
TTO - Cơ sở phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện tự phân loại phim trước khi phổ biến, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phân loại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tự phân loại phim - ông Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến.
Xem thêm: mth.56991848060802202-ihn-aig-nahk-ohc-hnad-k-mihp-mihp-iaol-nahp-cum-meht/nv.ertiout