Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Media Quochoi
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa quyết định dự kiến chương trình của hai phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8-2022.
Theo đó, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra ngày 9 đến 11-8. Nội dung đầu tiên của phiên họp gồm có dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).
Nội dung thứ hai là báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7-2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 2 dự thảo nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Việc bổ sung dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 cũng sẽ được quyết định tại phiên họp.
Nội dung tiếp theo là cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Cả ngày 10-8 sẽ được dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng đã được chọn trả lời chính.
Đối với phiên họp chuyên đề về pháp luật sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 18-8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật phòng thủ dân sự.
Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 5 dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, Luật dầu khí (sửa đổi).
Dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cũng được xem xét tại phiên họp.
Một nội dung khác là dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng dự kiến sẽ được xem xét thông qua vào chiều 18-8.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết phê chuẩn danh sách ủy viên và đại biểu tham gia đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về vệc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo đó, danh sách đoàn giám sát gồm 28 thành viên, là lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách các ủy ban của Quốc hội cùng một số đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, tỉnh Bình Phước và Bình Định.
3 đại biểu được mời tham gia đoàn giám sát gồm lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và phó tổng Kiểm toán Nhà nước.
TTO - Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10-8.