Học viên lớp “Nghiên cứu phim” đi Đà Lạt để thưởng thức phim cùng nhau - Ảnh: H.T.
Bạn nói đó là chơi mà học, học mà chơi, nhưng là cái chơi làm đẹp tâm hồn và cuộc sống.
20h thứ bảy, phần mềm Zoom trên máy tính của hơn 100 học viên sáng lên. Ai cũng tranh thủ vào sớm để không bỏ sót nội dung lần này: khoa học về màu sắc.
"Cái đẹp cứu rỗi thế giới"
"Các bạn đã sẵn sàng khám phá tiếp chuỗi ngôn ngữ tạo hình của các nghệ sĩ, sau những ngôn ngữ đã học là hình ảnh, điểm, nét, chất liệu...?", họa sĩ Trần Thanh Cảnh, phụ trách giảng dạy khóa học "Cái đẹp cứu rỗi thế giới", bắt đầu. Màn hình hiện bức tranh thế kỷ 17 Cô gái đeo hoa tai ngọc trai của danh họa Hà Lan Johannes Vermeer.
Anh Cảnh dẫn giải: "Màu xanh trên chiếc khăn là từ một loại đá ở Afghanistan, thời điểm đó màu xanh còn đắt hơn vàng. Còn màu trắng, xanh ngả rêu thì đến từ nhiều nơi của Pháp và Anh...
Thông qua đó, ta còn thấy câu chuyện viễn chinh của người châu Âu, quá trình khai thác những thứ quý giá đem về cung cấp cho chính quốc". Vậy là chưa kể đến những yếu tố khác, chỉ riêng màu sắc người họa sĩ sử dụng đã nói lên nhiều điều về lịch sử, xã hội khi bức tranh ra đời.
Trong một tiếng rưỡi của chủ điểm khoa học về màu sắc, anh Cảnh đã đưa học viên đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác bằng cách xem tranh của một Pablo Picasso khi bắt đầu sự nghiệp được gọi là "thời kỳ xanh" vì những tác phẩm mang sắc xanh trầm buồn gợi nỗi suy tư kiếp người.
Nhưng tình yêu đến đã mang danh họa qua "thời kỳ hồng" với hòa sắc tươi vui, dù ngắn ngủi. Hoặc với Claude Monet, chỉ riêng loạt tranh "Thánh đường Rouen" của ông cuối thế kỷ 19 đã gồm khoảng 30 bức vẽ với màu sắc thánh đường thay đổi qua các mùa, các thời điểm trong ngày.
Còn với lớp "Nghiên cứu phim" do Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD tổ chức, học viên đến lớp hầu hết với tâm thái muốn biết một bộ phim "hay là hay như thế nào".
Nhưng càng học, họ lại càng thích thú với lượng kiến thức thu về, từ việc tìm hiểu cấu trúc phim, ngôn ngữ, thể loại cho đến lịch sử nền điện ảnh, và cả việc thực hành viết phê bình điện ảnh.
Chị Trần Hồng Trang, quản lý TPD tại TP.HCM, cho biết: "Trước đây lớp học trực tiếp nhưng do dịch bệnh nên đã chuyển qua online, gồm 12 buổi, mỗi buổi 3 tiếng. Học viên sẽ học lý thuyết, xem các trích đoạn phim...
Giảng viên là người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, như nhà phê bình Mai Anh Tuấn, nhà biên kịch Vũ Ánh Dương, biên kịch Đặng Thu Hà...".
Thực hành xem phim trong khóa học “Nghiên cứu phim” - Ảnh: H.T.
Chậm lại để... cuộc đời lãng mạn
Cuộc sống vội vã, việc xem một bộ phim, thưởng thức một bức tranh có lẽ cũng giúp tâm hồn được tưới tắm. Chính vì vậy, các lớp học về cảm thụ nghệ thuật được đón nhận và phản hồi tích cực từ học viên.
Tự nhận trước đây mù tịt phim ảnh, anh Trung Đạt, học viên lớp "Nghiên cứu phim", chia sẻ: "Tôi quen xem phim theo kiểu thấy "hot" thì xem, rồi đọc thêm những bài review. Bây giờ có chút kiến thức, tôi thử tự review và cảm thấy hiểu bộ phim hơn nhiều".
Chẳng hạn với phim Ký sinh trùng đoạt giải Oscar năm 2020, anh Đạt chú ý cấu trúc 3 hồi của phim, các hình ảnh lập đi lập lại như bậc cầu thang ngụ ý về số phận...
Còn với chị Bảo Châu lý do đến lớp là để "biết cách nói chuyện với đối tác sản xuất video nơi tôi làm việc". Khi học chị được hiểu về bối cảnh, cách diễn xuất, lời thoại, âm thanh...
"Từ đó tôi cảm nhận về phim sâu sắc hơn. Tôi có những khoảng thời gian thật sự rảnh để xem phim trong lớp, và hiểu nền công nghiệp điện ảnh vận hành như thế nào", chị chia sẻ.
Học đến buổi thứ 8 trong khóa 12 buổi của "Cái đẹp cứu rỗi thế giới", chị Hoàng Yến nhận ra khả năng xem tranh của mình đã lên một "level" tốt hơn.
Buổi đầu chị học tổng quan về mỹ thuật, rồi nắm bắt khái quát nghệ thuật thị giác phương Đông và phương Tây. "Tôi còn học về tư duy, ngôn ngữ tạo hình trong mỹ thuật như hình, mảng, khối. Sắp tới sẽ học về các trường phái nghệ thuật nên tôi rất háo hức", chị Yến nói.
Bồi đắp tình yêu quê nhà
Tưởng rằng các lớp học chỉ mang đến tên phim, tên tranh từ những đất nước xa xôi, nhưng nhiều học viên cho biết họ còn được mở mang với chính những tác phẩm mô tả vẻ đẹp Việt Nam.
Bằng cách lồng ghép kiến thức liên quan mỹ thuật Việt trong lớp "Cái đẹp cứu rỗi thế giới" hay những bộ phim trong lớp "Nghiên cứu phim", các lớp học lướt qua các nền văn hóa khác nhau để rồi cùng nhìn ngắm bức tường nghệ thuật quê hương.
Vậy hội họa Việt Nam thế nào? Nhiều học viên sau khi vận dụng kiến thức vào bài tập chọn tranh để cảm nhận, đã có những cảm xúc sâu lắng với những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ...
"Không những thế phong cảnh Việt Nam còn là nguồn cảm hứng của nghệ sĩ nước ngoài, như nữ họa sĩ Pháp Alix Aymé, giảng dạy Trường Mỹ thuật Đông Dương thế kỷ trước.
Bà có niềm đam mê sơn mài, thể hiện qua những bức tranh phụ nữ và cảnh đồng quê", chị Hoàng Yến nói và kể rằng mình đã cay cay sống mũi khi ngắm những nét vẽ bụi chuối, hàng cây, người mẹ ôm con...
"Tôi cũng thán phục cách bà dùng vỏ trứng nghiền cẩn lên tranh tạo hiệu ứng. Cũng là vỏ trứng nhưng mỗi họa sĩ sử dụng theo cách riêng", chị Hoàng Yến chia sẻ.
Với lĩnh vực điêu khắc trong mỹ thuật, chị Lê Nhung ấn tượng họa tiết trống đồng. Chị nói: "Bây giờ tôi mới thấy sự kỳ công của những nghệ nhân làm nên trống đồng. Những dáng người mô phỏng trên trống khác nhau, động tác, trang phục sinh động, sắp xếp khéo léo...".
Người ta thường nghĩ việc thưởng thức tinh hoa không dành cho số đông, nhưng với những lớp học dành cho người "ngoại đạo", nghệ thuật trở nên gần gũi hơn. Điều này giúp ta vun xới mảnh đất tâm hồn và hạnh phúc hơn với cuộc đời phía trước.
Với lớp "Nghiên cứu phim", anh Nguyễn Hoàng Phương, điều hành TPD, cho biết lớp học cũng thường đưa những bộ phim Việt Nam vào giảng dạy, từ phim trong nước cho đến những nhà làm phim gốc Việt như Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh... với những tên phim Mùi đu đủ xanh (1993), Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), Mùa len trâu (2004)...
"Qua khóa học, người học cũng sẽ hiểu hơn để viết những bài review phim một cách đúng đắn, không làm lộ chi tiết phim... Chúng tôi mong muốn cùng với các khóa học về phim khác của trung tâm như quay phim, biên kịch... sẽ góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam", anh Phương nói.
Tạo cộng đồng yêu nghệ thuật
Thông qua những lớp cảm thụ, học viên đã kết nối tạo nên một cộng đồng yêu nghệ thuật. Với lớp "Nghiên cứu phim", qua 18 khóa học ở Hà Nội và 8 khóa tại TP.HCM được tổ chức từ năm 2018 đến nay, hàng trăm học viên vẫn giữ liên lạc qua các kênh.
Với một số khóa học, cuối khóa ban tổ chức và học viên còn cùng đến TP Đà Lạt để vừa rong chơi vừa xem phim trong không khí lãng mạn phố núi.
Chị Lê Thanh Trúc, đại diện doanh nghiệp xã hội Biz Educo (đơn vị bảo trợ cho khóa học không thu phí "Cái đẹp cứu rỗi thế giới"), hy vọng qua khóa học được tổ chức lần đầu này, học viên có nền tảng về mỹ thuật, về cái đẹp, từ đó góp phần hình thành nhân sinh quan.
"Chúng tôi cũng sẵn sàng có những talk show nhỏ về nghệ thuật trong tương lai, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người tham dự", chị nói.
TTO - 'Bầm' - triển lãm tranh ảnh, trải nghiệm và nghệ thuật sắp đặt - được các bạn học sinh TP.HCM thực hiện như cách lên tiếng trước nhiều câu chuyện đau lòng về bạo hành trẻ em gần đây.
Xem thêm: mth.79154352250802202-tauht-ehgn-uht-mac-coh-id/nv.ertiout