Theo Cục Phòng Vệ, ngày 29/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong vụ việc này, nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) từ Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ. Mục đích nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Mỹ. Trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Không chỉ Mỹ, mới đây, Bộ Kinh tế Mexico đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế, trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019.
Chủ yếu là các sản phẩm có mã HS 7209 (thuộc phạm vi cáo buộc của vụ việc này) và 7210 (thuộc phạm vi cáo buộc của vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ trước đó).
Đối với các nhóm sản phẩm thép cán nguội đang bị điều tra, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng gần 50 triệu USD.
Sau khi chính thức khởi xướng vụ việc, Cơ quan điều tra đã gửi Bản câu hỏi điều tra tới các doanh nghiệp bị nêu tên trong đơn kiện. Thời hạn trả lời là 6/9/2022 (có thể được gia hạn).
Việc trả lời bản câu hỏi là bắt buộc, nếu các doanh nghiệp không muốn bị áp dụng mức thuế bất hợp tác ở mức cao.
Dự kiến, cơ quan điều tra Mexico sẽ ra kết luận sơ bộ trong vòng 130 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Trước làn sóng điều tra chống bán phá giá, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ống thép liên quan tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Với những doanh nghiệp liên quan đến vụ kiện tại Mexico, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị cần chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm thép cán nguội liên quan sang Mexico; nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra CBPG của nước này.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các sản phẩm thép thành phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường ASEAN (40%), EU (19%), Mỹ (8%) và Hồng Kông (5%).
VSA nhận định việc phát triển đa dạng xuất khẩu sản phẩm là một mặt nhưng đồng thời cơ cấu thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam cũng có thay đổi.
Đối với sản phẩm ống thép, lượng xuất khẩu chỉ chiếm 10% trong cơ cấu bán hàng, phần còn lại chủ yếu là tiêu thụ nội địa.
Theo đó, theo số liệu của VSA, bán hàng ống thép trong 6 tháng đầu năm đạt 1.308.721 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ 2021, trong đó lượng xuất khẩu đạt 123.682 tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ 2021. Hoà Phát vẫn dẫn đầu thị phần với 28,8%, theo sau là Hoa Sen (12,8%) và TVP (6,8%),..
Còn với sản phẩm thép cuộn cán nguội, lượng bán hàng trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1.256.032 tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt chiếm khoảng 25%, tương đương 320.098 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
http://tintuc.vdong.vn/08/1455995.htmMinh Khôi
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.60931551150802202-art-ueid-ocixem-ym-ib-man-teiv-auc-iougn-nac-nouc-peht-av-peht-gno/nv.zibefac