Lập lại trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất
Đáp chuyến bay từ Tp.Hà Nội đến Tp.HCM vào cuối tuần, chị Trương Thị Minh Dung, 31 tuổi, nhân viên kinh doanh bày tỏ: “Mỗi lần hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, vấn đề khiến tôi lo lắng nhất là đặt xe để về nhà. Cả xe công nghệ lẫn taxi truyền thống đều có thể xảy ra tình trạng tài xế làm giá, từ chối cuốc đi gần”.
Đây cũng là thực tế trong báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gửi Bộ Giao thông Vận tải hồi cuối tháng 7/2022. Vào thời gian cao điểm, hiện tượng ùn ứ phương tiện, hành khách chen lấn giành lượt đón xe, chấp nhận giá vận chuyển tăng cao hơn bình thường diễn ra nhiều hơn. Lợi dụng tình trạng thiếu xe, một số lái xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ đã chèo kéo, mồi chài, ép giá hành khách, gây mất trật tự khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đầu tháng 8/2022, tại cuộc họp kinh tế - xã hội thường kỳ, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi giao nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải cần “thể hiện vai trò chủ động” giải quyết tình trạng ùn ứ đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi lẽ, “đây là cửa ngõ, là bộ mặt của thành phố chúng ta”, “không thể cứ để ách tắc công việc”.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM cho biết: “Hiện nay, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất trung bình 120.000 người/ngày, tương đương với 40 triệu lượt hành khách mỗi năm đang lưu thông qua sân bay. Như vậy đã vượt quá thiết kế cũ khoảng 1,3 lần (30 triệu lượt hành khách mỗi năm)”.
Do đó, khi phương tiện giao thông di chuyển quanh sân bay Tân Sơn Nhất đông, nếu có tai nạn giao thông xảy ra sẽ gây ách tắc. Nguy cơ này luôn hiện hữu khi ước lượng đã có hơn 3.000 xe đưa đón khách từ sân bay, các loại xe kinh doanh đón khách đang được bố trí ở làn D1 và D2 trong sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chưa có bãi đỗ xe dành cho taxi, xe công nghệ và phương tiện công cộng đưa đón khách.
Thống kê của Thanh tra Sở GTVT Tp.HCM cho thấy, từ ngày 1/1 đến 4/8, qua công tác phối hợp liên ngành cũng như thanh tra độc lập theo thẩm quyền, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 498 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt là 1 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm nhiều nhất là dừng, đỗ xe sai quy định với 295 vụ; xe hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển; kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, không gắn đồng hồ cước...
Ông Đàm Phan Phát, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Tp.HCM, cho biết từ ngày 5/8 đến 2/9, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Sở GTVT Tp.HCM sẽ tăng cường 4 tổ làm việc giám sát, xử lý tình trạng xe đậu đỗ, đón trả khách sai quy định cả ngày và đêm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng từ ngày 5/8, Thanh tra Sở GTVT Tp.HCM cùng lực lượng chức năng có mặt bên trong nhà xe TCP để kiểm soát các phương tiện đón khách bên trong nhà xe này.
"Khi có mặt lực lượng chức năng, tình hình đón trả khách những ngày này trật tự hơn. Tuy nhiên về lâu dài, để bảo đảm an ninh trật tự bên trong sân bay cần phải có những giải pháp căn cơ như xây dựng thêm bãi chờ trong sân bay, hạn chế tình trạng thiếu xe khi nhiều chuyến bay hạ cánh cùng lúc", ông Phát nói.
Kêu gọi đầu tư bãi đậu xe
Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Kiểm soát khai thác, Tổng công ty Cảng Hàng không miền Nam chỉ ra: “Trong giai đoạn vừa qua, sản lượng khai thác hành khách đi đến sân bay Tân Sơn Nhất rất cao, trong khi diện tích giao thông hạn chế. Vì thế, Công ty Cảng Hàng không miền Nam đã phối hợp với đơn vị quản lý nhà xe, tuy nhiên, do mặt bằng hạn hẹp nên số lượng xe ra vào đón khách thực sự không đủ”.
Hiện, nhà giữ xe TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất với một tầng trệt, một tầng lửng, 5 tầng cao đã quá tải. Nhà xe này mỗi ngày phục vụ 6.600 lượt, cao điểm 9.000 lượt. Vì thế, Công ty Cảng Hàng không miền Nam và Cụm cảng Hàng không miền Nam đã thống nhất về việc rất cần có thêm một bãi đệm, để những giai đoạn cao điểm thì các xe có chỗ đỗ bên ngoài.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam nhận định: “Sân bay Tân Sơn Nhất cần một túi đệm chứa xe, cung ứng cho hành khách tại hai nhà ga trong thời gian tới. Việc tận dụng khu đất trống hơn 3.500 m2 ở góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà, giáp ga quốc tế là phù hợp. Trong khi nếu chờ giải cứu từ nhà ga T3 và sân bay Long Thành là rất lâu”.
Thế nhưng, TS.Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế tài nguyên và môi trường Tp.HCM cho rằng, đề xuất này không hợp lý do mật độ phương tiện trong sân bay Tân Sơn Nhất quá lớn nếu xây thêm nhà xe sẽ càng ngột ngạt.
“Đây là một trong những sân bay hàng đầu của Việt Nam nhưng vẫn thiếu mảng xanh, chưa cân đối cảnh quan, cần hạn chế nhà khối, nhất là nhà xe dạng lắp ráp. Chưa kể, thành phố tiến tới hạn chế xe cá nhân mà xây thêm nhà xe không khác gì khuyến khích người dân đi xe cá nhân”, ông Thuận đánh giá.
Trong khi đó, nguyên nhân ùn tắc bên trong sân bay là do điều phối giao thông chưa tốt. Cần mạnh dạn giao quyền điều tiết, phân luồng giao thông mặt đất cho Sở GTVT Tp.HCM. Song song đó, phải tăng cường phương tiện công cộng bằng cách tổ chức các tuyến xe buýt trung chuyển nằm 4 hướng vòng quanh bên ngoài sân bay.
Tiếp thu ý kiến này, Sở GTVT TP.HCM đã làm việc với UBND TP.HCM và các ngành để điều chỉnh phân luồng cho xe taxi, xe công nghệ và các loại xe khác sẽ được sắp xếp linh hoạt vào làn B, C đưa đón khách cho phù hợp hơn.
Ngoài ra, cơ quan này cũng điều chỉnh điểm đón khách đi xe bus từ sân bay vào thành phố và điều chỉnh giờ đón cho phù hợp hơn với các chuyến bay đi và đến sân bay của khách quốc tế, bắt đầu thực hiện từ ngày 5/8. Riêng tuyến xe bus Tân Sơn Nhất – Bến Thành dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ ngày 19/8.