Những năm 2000, trái cam Vinh bị thương lái ép giá, rớt giá đỉnh điểm, có nhiều năm cam chín rụng mà không người mua. Người dân Nghệ An phải đổ bỏ hàng chục tấn cam vì phụ thuộc vào thương lái và thị trường truyền thống. Trong số đó có bố mẹ của chị Nguyễn Thị Lê Na. Gia đình chị phải đổ bỏ nguyên 10 tấn trái cây này. Năm 2013, Lê Na quyết định quay về giúp bố mẹ, bằng việc ra mắt thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu chẳng mấy thuận lợi khi cô gái cũng không có kiến thức chuyên môn, chỉ đơn thuần mang cam đi bán giống như rất nhiều người khác. Con đường và tương lai của Cam Vinh Kỳ Yến chỉ thực sự có bước ngoặt khi Lê Na được gợi ý tham gia cuộc thi khởi nghiệp sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức.
"Trước kia tôi chưa có một suy nghĩ gì về khởi nghiệp, cứ làm rồi bán hàng thôi. Một trong những dấu mốc quan trọng của chúng tôi là khi được sở KHCN Nghệ An giới thiệu về cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ban đầu tôi còn không định đi thi, gần như được ép đi thi. Nhưng thực sự đi thi rồi mới thấy có nhiều sự thay đổi", chị Lê Na chia sẻ trong Hội thảo “Khởi động chương trình bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội” do Đại học Ngoại thương tổ chức.
Chị Nguyễn Thị Lê Na (váy đỏ) - nhà sáng lập Cam Vinh Kỳ Yến chia sẻ câu chuyện của mình
Tuy nhiên, dù là startup được đặc cách vào vòng trong nhưng Lê Na không ngại đứng trước nhà đầu tư - bà Thạch Lê Anh, sáng lập Quỹ Vietnam Silicon Valley, hỏi thẳng: "Cô giúp gì được cho cháu? Nếu cô bảo gọi vốn thì tự cháu gọi được rồi. Kinh nghiệm trồng cam thì cô không bằng cháu, bán cam thì càng không bằng. Mà cô lại đòi tận 10% cổ phần công ty cháu".
"Cháu cứ giữ nguyên cổ phần đó. Cháu cứ thử 1 tháng, nếu Vietnam Silicon Valley không hỗ trợ được cho cháu khác với bây giờ thì cô không lấy cổ phần làm gì", bà Lê Anh nói.
Bà Lê Anh có lẽ đã đúng. Ban đầu, Lê Na chỉ ước mơ trồng cam sinh thái rồi phát triển vùng trồng cam, để cho bà con nông dân của mình xây dựng thành một làng cam sinh thái. Nhưng với sự tư vấn của các chuyên gia, chị đã tiếp cận với một tư duy khác hơn, không phải để cho mọi thứ hữu xạ tự nhiên hương nữa mà phải chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đó. Cô gái từng chỉ đơn thuần như bà mẹ bỉm sữa bán hàng, buôn thúng bán mẹt sau đó đã được tiếp cận những tư duy về startup, không chỉ ở Việt Nam mà còn từ nước Mỹ, Silicon Valley.
"Sau đó tôi mới tiếp cận đến khái niệm doanh nghiệp xã hội, rồi hiện là doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Ban đầu, tôi chỉ làm cho gia đình của mình. Bây giờ, tôi làm với cộng đồng nông dân, thấy sức mạnh và sức bật mạnh mẽ hơn, làm cho mô hình của mình phát triển nhanh chóng, lan toả hơn", nhà sáng lập Lê Na chia sẻ.
Công ty CP Trang trại Phú Quý do Lê Na thành lập đã được Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam Silicon Valley rót vốn lên tới 20.000 USD để xây dựng làng du lịch cam sinh thái tại Nghệ An. Doanh nghiệp cũng nhận những sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn canh tác và sản xuất đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ.
Hiện Cam Vinh Kỳ Yến không chỉ bán cam theo tiêu chuẩn Viet Gap mà còn bán những loại trái cây khác như Thanh Long, Ổi, Bưởi,... Ngoài ra, còn có những sản phẩm đồ khô đa dạng được bán trên TMĐT như mứt vỏ cam, cà dầm tương xứ Nghệ,... Các sản phẩm của Cam Vinh Kỳ Yến đã có mặt ở nhiều chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng hay đi vào các nhà máy của tập đoàn lớn.
Bà Thạch Lê Anh (váy vàng) - nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley chia sẻ câu chuyện hợp tác với Lê Na
"Bạn ấy là người tham vọng. Tôi rất trân trọng những con người như thế, dám nghĩ ra những viễn cảnh tốt đẹp. Trong suốt quá trình đó, tôi nghĩ điều thành công nhất của tôi là mình có một đứa con mà không mất công đẻ. Lê Na bảo con thừa nhận con gần giống mẹ, nên cho phép con được gọi mẹ là mẹ", bà Lê Anh vui vẻ chia sẻ trong hội thảo.
Hội thảo khởi động “Chương trình bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội” nhằm nâng cao nhận thức về Kinh doanh tạo tác động xã hội và cung cấp thông tin chi tiết về chương trình Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội - SIB Innovation Champion Launchpad.
"SIB Innovation Champion Launchpad" là chương trình nâng cao năng lực thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội dành cho các chuyên gia và cố vấn, thuộc dự án ISEE-COVID được triển khai bởi Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU - Trường Đại học Ngoại thương (FIIS). Chương trình bao gồm 3 hợp phần: (1) Đào tạo tập trung - Bootcamp; (2) Thực hành và đào tạo chuyên sâu - Coaching Living lab; (3) Tổng kết - Harvest day.
Hoàng Thuỳ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế