Sinh viên trong giờ thực hành tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thời gian qua, ông Lý Đình Trung - giám đốc Công ty Proshop Daikin Thái Trung (TP.HCM) - đã dành nhiều thời gian đích thân đến các ngày hội việc làm của các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM để tuyển dụng nhân viên.
Công ty ông nói riêng và thị trường nói chung đang rất "khát" những nhân sự có trình độ cao trong ngành điện lạnh. Dẫu vậy, sau nhiều chuyến trực tiếp "săn người", ông vẫn chưa thể thỏa mãn.
Chấp nhận đào tạo lại
Ông Trung chia sẻ một trong những nỗi "đau đầu" là chênh lệch giữa chất lượng sinh viên ra trường và đòi hỏi thực tế của công việc. Thường xuyên có những chương trình cập nhật kiến thức cho nhân sự, tuy nhiên ông nhận thấy không phải sinh viên nào cũng có thể hòa hợp nhanh.
Nhiều bạn dù tham gia không ít khóa tập huấn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. "Trước nay tôi chỉ thấy một trường duy nhất có chất lượng sinh viên làm chúng tôi vừa ý" - ông Trung nói.
Ông N.Hiển - nhân viên phòng nhân sự của một cơ sở giáo dục chuyên các chương trình sau đại học tại TP.HCM - lưu ý thực tế: một vị trí công việc lại có ứng viên từ quá nhiều các xuất thân khác nhau.
Chẳng hạn trong gần 3 tháng qua, cơ sở này đăng tuyển một nhân viên chuyên mảng sản xuất nội dung (content) - công việc chủ yếu liên quan tới viết lách. Dù vậy, ứng viên lại tốt nghiệp từ rất nhiều chuyên ngành khác nhau từ kinh tế, ngôn ngữ, văn hóa học, lịch sử học, quan hệ quốc tế...
"Vì sao một vị trí cần viết lách lại ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khác ứng tuyển. Vì sao họ không theo được đúng chuyên ngành đại học của mình? Vì sao con số hồ sơ trái ngành tôi nhận được đã tăng khá nhiều so với trước đây?" - ông Hiển băn khoăn.
Trong khi đó, ông Dave Quách - giám đốc điều hành Công ty vải sợi Bảo Lân - cho rằng hiện tại trong quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp của ông chấp nhận trong thời gian đầu sẽ đào tạo lại. Ứng viên chỉ cần có những kiến thức cơ bản nhất về một lĩnh vực nào đó và sẽ được tham gia các khóa tập huấn.
"Cái chúng tôi cần khi tuyển dụng là tính cam kết của ứng viên. Để nhận ra được những bạn này, chúng tôi thường đánh giá cao những người có tham gia các hoạt động ngoại khóa thời sinh viên vì điều đó chứng tỏ các bạn năng động, chịu khó học hỏi, vì vậy sẽ có sự cam kết cao hơn" - ông Dave nói.
Nhà trường, doanh nghiệp đều phải thay đổi
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - kỹ thuật TP.HCM, cho rằng dù đào tạo lại ở một mức độ nào đó là một phần của công ty nhưng cũng phải thừa nhận rằng vẫn luôn tồn tại một khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bên cạnh một số trường đại học liên tục đổi mới và hoàn thiện chương trình, hiện không ít trường còn "sức ì" lớn trong việc thay đổi các cách tiếp cận để giảm thiểu khoảng cách này. Một số trường chỉ chú trọng tuyển được thật nhiều sinh viên nhưng vẫn duy trì những tiết học "rất cũ" theo kiểu giảng viên vừa trình chiếu PowerPoint vừa luyên thuyên nói.
Theo ông Dũng, muốn cải thiện "sức ì", các trường nên thay đổi cách xây dựng chương trình. Chẳng hạn, một số khoa trong các trường đại học chủ động "mời" đại diện các doanh nghiệp, cựu sinh viên, ghi nhận những yêu cầu của họ về một người lao động trẻ sau tốt nghiệp, từ đó thiết kế ma trận đối sánh các môn học và chuẩn đầu ra.
Từ các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng và thái độ, giảng viên cần thiết kế chương trình giảng dạy sao cho người học có thể có được các tố chất ấy.
Ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT - cho rằng vấn đề còn nằm ở việc xây dựng hệ sinh thái giữa nhà trường và doanh nghiệp. Không phải là việc bên nào "đổ lỗi" cho bên nào mà là các bên liệu thật sự có nhu cầu đủ lớn để ngồi lại kết hợp với nhau hay không?
Chẳng hạn, theo ông Tùng, một số trường hiện thoáng trong việc xây dựng hệ thống các môn tự chọn. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu, họ có thể đến trường ngồi lại và thêm các môn học theo yêu cầu của mình vào trong các chương trình tự chọn. Để thu hút thêm sinh viên chọn các môn này, công ty có thể hỗ trợ về học phí hoặc những cơ hội khác về việc làm.
Ở các nước ra sao?
Anh Bùi Hồng Hiếu - sinh viên năm cuối khoa xây dựng tại Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon, Pháp (INSA Lyon) - chia sẻ thông thường các khoa trong nhiều trường đại học ở đây sẽ đào tạo theo chiều rộng, người học sẽ biết được nhiều thứ trong cùng một lĩnh vực.
Chẳng hạn trong khoa xây dựng tại INSA Lyon, Hiếu được học nhiều mảng kiến thức về nguồn đất, nguồn nước, kết cấu, quy hoạch... để khi ra trường có thể linh hoạt xin vào bất cứ công ty nào mong muốn.
"Mình thấy thông thường đa số các công ty sẽ đào tạo lại cho những người mới vào vì họ biết các sinh viên có khả năng nhưng phải trải qua một khóa để đi sâu hơn vào một mảng nhất định. Nhiều công ty dành hẳn một tháng để các bạn học thêm, sau đó mới chính thức bước vào bắt tay vào làm việc" - Hiếu nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Phúc Bình - chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc - cho biết xu hướng chung ở Úc là các công ty lớn sẽ tổ chức những chương trình thực tập hằng năm, kéo dài từ 3-6 tháng, cho những sinh viên sắp hoặc mới tốt nghiệp.
Ở mỗi đợt, các doanh nghiệp có thể nhận từ vài chục cho đến khoảng 100 bạn trẻ để tham gia những khóa cập nhật kiến thức và được tham gia vào làm trực tiếp cho một số phòng ban, quy trình trong công ty.
Tân sinh viên lưu ý gì?
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm truyền thông và quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính - marketing), cho rằng sinh viên cần chủ động để có thể tạo sức cạnh tranh trên thị trường lao động.
Nếu hằng ngày chỉ biết "lên giảng đường rồi về", không tham gia bất kỳ hoạt động nào và cũng không làm thêm, các bạn trẻ sẽ không thể gia tăng giá trị hay sức hấp dẫn cho chính mình trong mắt đội ngũ tuyển chọn nhân sự của các công ty.
Đó là lời nhận định của GS.TSKH.NGND Bành Tiến Long, Nguyên thứ trưởng thường trực-Bộ GD&ĐT tại buổi lễ trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Xem thêm: mth.92270518080802202-tom-coud-gnu-ihc-gnuhn-ueihn-gnud-neyut/nv.ertiout