Sao nhập học (trái) và Sex Education là 2 ví dụ khác nhau về "edutainment" - giải trí giáo dục - Ảnh: NF - HTV
Giải trí giáo dục (edutainment, từ ghép của education và entertainment) không đơn thuần là nội dung giải trí mang tính giáo dục.
Đó là những nội dung giải trí về một khía cạnh cụ thể của giáo dục, với mục tiêu rõ ràng hướng đến sự phát triển, chẳng hạn như giáo dục giới tính, giáo dục theo chương trình phổ thông, hướng nghiệp...
Khi "bát cơm" giáo dục ăn kèm "thịt cá" giải trí
Trong Sex Education, phim trực tuyến của Anh tiêu biểu cho "edutainment", các bài học được lồng ghép qua câu chuyện về những học sinh trung học thuộc nhiều bản dạng giới khác nhau.
Những vấn đề được đưa ra rất cụ thể: quan hệ tình dục vị thành niên, quan hệ đồng giới, mang thai ngoài ý muốn, bị quấy rối, phòng chống HIV-AIDS...
Sex Education giáo dục giới tính một cách nhân văn và dễ hiểu - Ảnh: ĐPCC
Tại các quốc gia phương Tây, nơi thường được cho là tiến bộ hơn về giáo dục giới tính, Sex Education vẫn là cú sốc, một cuộc cách mạng về giáo dục giới tính. Phim giáo dục một cách thẳng thắn, khoa học thông qua câu chuyện cuộc sống hấp dẫn của các bạn trẻ trong phim. Nhờ đó, mục tiêu giáo dục dễ thấm hơn.
Trên thế giới, có thể kể đến một số phim và chương trình "edutainment" khác như We the People, Brain Games, Explained, History 101, Emily's Wonder Lab... Mỗi chương trình giáo dục về một lĩnh vực khác nhau, từ kiến thức phổ thông đến chuyên sâu, từ lịch sử đến khoa học nhận thức.
Sao nhập học của Việt Nam là chương trình thực tế về hướng nghiệp, giúp người xem trải nghiệm các ngành học mới như tiếp thị và bán hàng, thiết kế đồ họa, quản trị nhà hàng, trang điểm nghệ thuật... Chương trình phát trên HTV và gần đây phát trực tuyến, nhắm đến người trẻ sắp hoặc đã vào đại học hoặc mới đi làm.
Một cảnh trong chương trình Sao nhập học - Ảnh: BTC
Trong chương trình, anh Đinh Tiến Dũng (giáo sư Cù Trọng Xoay) đóng vai trò giảng viên chủ nhiệm một lớp đại học có các "sinh viên" MisThy, Khánh Vân, Phát La, Nicky... Họ cùng tìm hiểu các ngành học qua những tình huống, thử thách hài hước.
Tại Việt Nam, hoạt động hướng nghiệp diễn ra ở nhiều nơi với các hình thức phổ biến như đào tạo tập trung, talkshow, clip, qua tài liệu hoặc tư vấn trực tiếp.
Còn đây là chương trình thực tế đầu tiên dùng người nổi tiếng (các diễn viên, streamer, những người có ảnh hưởng với giới trẻ...) nhập vai sinh viên để có trải nghiệm trực tiếp, trực quan với các ngành học.
Anh Đinh Tiến Dũng ví von về nội dung hướng nghiệp trên truyền hình: "Nội dung về giáo dục và hướng nghiệp giống như cơm trắng. Nó có vẻ nhạt nhẽo và không hấp dẫn như thịt bò, hải sản. Nhưng cơm thì bữa nào ăn cũng được, chứ thịt bò hay hải sản thì chắc không chịu thấu 3 ngày.
Để nấu một nồi cơm trắng ngon đúng chuẩn, chưa chắc ai cũng nấu được. Cơm ngon thì ăn với gì cũng ngon. Chúng ta hãy làm những nội dung giáo dục và hướng nghiệp thật chuẩn chỉnh, sau đó thêm chút thịt cá giải trí ăn kèm thì vừa ngon lại ăn được lâu mà không chán".
Thay đổi cuộc chơi về giáo dục
"Edutainment" có thể là phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình hoặc trực tuyến, các chiến dịch truyền thông hoặc trò chơi điện tử.
Thuật ngữ này được sử dụng đầu tiên vào năm 1954 bởi "ông trùm" giải trí Walt Disney. Disney dùng từ này để chỉ True Life Adventure Series (Những cuộc phiêu lưu đời thực) - chương trình giáo dục về thiên nhiên và thế giới theo hình thức hoạt hình và tương tác.
Walt Disney, người đầu tiên nhắc đến khái niệm "edutainment" - Ảnh: DISNEY
Để hướng tới giáo dục và phát triển, người ta có rất nhiều cách nhưng không nên bỏ qua lượng công chúng khổng lồ của lĩnh vực giải trí.
Bà Nguyễn Hoàng Thảo, trưởng phòng quan hệ công chúng FPT Polytechnic kiêm người phụ trách dự án Sao nhập học, nói với Tuổi Trẻ: "Vừa mang yếu tố giải trí để giữ chân người xem vừa mang tới những thông tin, kiến thức hữu ích, những chương trình dạng edutainment có thể dễ dàng tiếp cận tới các đối tượng được định trước, đồng thời lan tỏa thông tin hiệu quả.
Tại Việt Nam, tôi không chắc có con số thống kê nào cụ thể nhưng edutainment đã xuất hiện và được áp dụng nhiều trong các sản phẩm giáo dục như các khóa học tiếng Anh, các series dạy kỹ năng sống".
Theo bà Hoàng Thảo, "giáo dục liên quan tới tất cả ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, việc được định hướng từ sớm, đảm bảo nguồn nhân lực cho thị trường lao động sẽ mang tới những kết quả tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng".
Qua khảo sát và nghiên cứu, trang web của Ngân hàng Thế giới nhận định về xu hướng này: "Giải trí có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi về hiệu quả phát triển. Giáo dục giải trí có thể thu hút sự chú ý của hàng triệu người mỗi tuần".
Nghiên cứu cho thấy phim truyền hình MTV Shuga - một Sex Education của châu Phi, chiếu ở nhiều quốc gia châu Phi - giúp tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm HIV, giảm một nửa số ca bệnh lây qua đường tình dục, giảm bạo lực giới ở người xem thành thị.
Hướng nghiệp qua màn ảnh nhỏ
Trên kênh VTV7 hiện đang phát sóng chương trình Gõ cửa nghề nghiệp (11h) và Con đường nghề nghiệp (phát sóng 11h45) từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.
Gõ cửa nghề nghiệp thuộc thể loại talkshow, với các khách mời tham gia chính là các bạn học sinh. Họ trò chuyện với chuyên gia để hiểu thêm về bản thân, từ đó có thể chọn lựa cho mình nghề nghiệp phù hợp. Còn Con đường nghề nghiệp giúp khán giả, các bạn trẻ dễ hình dung về các ngành nghề thông qua cuộc trò chuyện với khách mời và tận mắt chứng kiến công việc cụ thể.
Chương trình Gõ cửa nghề nghiệp - Ảnh: VTV
Trong khi đó, trên HTV7 lúc 15h40 ngày thứ ba đầu tiên của tháng có chương trình Lựa chọn của tôi. Chương trình mang đến câu chuyện người thật việc thật về những bạn trẻ đã có những hướng đi khác biệt, nhận ra điểm mạnh của mình và tự tin thực hiện những cú rẽ cho công việc.
"Đây không phải là chương trình hướng nghiệp đơn thuần mà khi xem các nhân vật trong chương trình, bạn trẻ phần nào nhận ra được năng lực của mình, hiểu thêm mình sẽ cần phải chuẩn bị gì cho công việc mà mình theo đuổi", đại diện nhà sản xuất cho biết.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể các chương trình hướng nghiệp trên màn ảnh nhỏ chưa thật sự nhiều và ít được đầu tư như các chương trình giải trí. Vì thế cũng chưa thật sự tạo được sự quan tâm nơi các bạn trẻ đang bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời.
H.LÊ
TTO - Cha mẹ, con cái có thể xem những bộ phim giáo dục giới tính như Sex Education để nâng cao ý thức giáo dục giới tính và được truyền cảm hứng lắng nghe nhau nhiều hơn. Nhưng phim ảnh không thể thay thế những chương trình bài bản và khoa học.
Xem thêm: mth.14061958080802202-et-couq-gnouh-ux-cud-oaig-irt-iaig/nv.ertiout