Hơn 30 năm qua, trong mọi cuộc nói chuyện về thời trang, người ta không thể không nhắc đến Anna Wintour, và mọi câu chuyện về Anna cũng không thể rời xa thời trang. "Đế chế" của bà tại Vogue đã kéo dài 7 đời Tổng thống Mỹ. Trước khi Tom Ford gia nhập Gucci, Stella McCartney hay Alexander McQueen còn đang chập chững lấy bằng thiết kế thời trang, David Carr đã nói trên tờ The Times: "Bà ấy còn chẳng động một ngón tay vào gió để xét đoán xu hướng, bà ấy chính là cơn gió".
Thật vậy, thời trang ngày nay dường như không thể hình dung một thế giới thiếu vắng "bà đầm thép" của làng mốt Anna Wintour. Với cặp kính đen Chanel và kiểu tóc bob huyền thoại, Anna đã trở thành một trong những người đầu tiên người ta tìm kiếm trong các show diễn danh tiếng suốt hàng thập kỷ qua.
Chưa hết, bà cũng là một bà mẹ đầy tự hào của 2 người con thành công, xinh đẹp.
Con đường thành "bà hoàng" quyền lực của làng mốt
Có 2 từ gắn liền với tổng biên tập lâu đời của Vogue và giám đốc nghệ thuật của Condé Nast - thời trang và báo chí.
Anna Wintour sinh năm 1949 và là con gái của Charles Wintour - biên tập viên tờ London Evening Standard trong gần 2 thập kỷ. Ông được mệnh danh là một trong những nhà báo vĩ đại và có sức ảnh hưởng nhất trong nửa sau thế kỷ 20.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vogue, Anna thừa nhận cha là người đã dạy bà đức tính kiên trì. Quan trọng không kém, có lẽ chính sự nghiệp báo chí của Charles và gia đình đã phần nào "truyền lửa" cho con gái ông sau này. Ngoài người cha là ký giả nổi tiếng, em trai Patrick của Anna cũng là một nhà báo kỳ cựu với vai trò biên tập viên ngoại giao cho tờ The Guardian - người đã dạy bà "kỹ năng đưa tin tuyệt vời" mà chính Anna phải công nhận.
Trong "The September Issue" - một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Anna, bà kể rằng việc sinh trưởng tại London vào thập niên 60 đã định hình góc nhìn và tình yêu của bà đối với thời trang ở tuổi đời rất trẻ.
Năm 15 tuổi, nhờ sự sắp xếp của cha mình, Anna đã có công việc đầu tiên liên quan đến ngành thời trang tại cửa hàng Biba, thủ đô London.
Thời gian sau bà gia nhập một chương trình huấn luyện tại Harrods - một trong những cửa hàng đồ hạng sang nổi danh nhất thế giới, rồi rèn giũa kỹ năng báo chí tại tạp chí Oz trước khi có được vị trí trợ lý biên tập ở Harper's & Queen.
Anna trong một show diễn thời trang thời đầu những năm 70.
Những năm 70 và 80, bà đầu quân vào vị trí biên tập viên thời trang cho hàng loạt tạp chí lớn ở New York như Harper's Bazaar, Viva, Savvy. Tới 1985-1986, bà trở lại Anh đảm nhận vị trí tương tự tại Vogue Anh quốc.
Năm 1988, Anna chính thức thay thế Grace Mirabella trong vai trò tổng biên tập tờ Vogue Mỹ. Đó là thời điểm 3 năm sau khi Elle lấn sân sang Hợp chúng quốc và đang đe dọa nghiêm trọng vị thế số 1 của tạp chí thời trang tên tuổi này.
Anna năm 1988.
Ngay sau khi "lên ngôi", "bà hoàng" của Vogue đã nhận được biệt danh vô cùng "cháy" đã gắn với tên tuổi bà đến ngày nay - Wintour "nguyên tử", hàm ý bà có thể nổi trận lôi đình và bùng nổ nếu mọi thứ không như ý. Vogue, dưới sự lèo lái của Anna, đã chứng kiến hàng loạt cuộc cách mạng thay da đổi thịt.
Và đây chính là ngọn gió mà David Carr nhắc đến: Khi ấn bản đầu tiên của Vogue dưới thời Anna được gửi đến nhà in, họ đã phải gọi lại cho tạp chí để xác nhận ảnh bìa đã đến đúng địa chỉ.
Không giống như những ấn bản trước đây, vốn được "chiếm sóng" bởi những bức chân dung cận cảnh của các người mẫu có tiếng, ảnh bìa đó là hình người mẫu 19 tuổi Michaela Bercu trong một chiếc áo khoác 10.000 USD và chiếc quần jean "washed-out" bạc phếch giá chỉ 50 USD.
Đây là lần đầu tiên người mẫu trang bìa trên Vogue diện quần jean - một quyết định được đưa ra khi Bercu đang mang thai và không thể vừa chiếc váy ban đầu mà cô ấy định mặc trên trang bìa.
"Nó không giống như những bức ảnh cận cảnh chỉn chu và trang nhã vốn là điển hình trên các trang bìa của Vogue hồi đó, với hàng đống đồ trang điểm và trang sức lớn. Cái này đã phá vỡ mọi quy tắc. Michaela không nhìn bạn, và tệ hơn, cô ấy đã có đôi mắt gần như nhắm nghiền. Tóc xõa ngang mặt. Bức ảnh trông thật dễ chịu, bình dị, một khoảnh khắc đã được chụp lại trên đường phố và đó chính là điểm nhấn quan trọng nhất", Anna nhớ lại vào năm 2012 trong một bài báo trên tạp chí Vogue .
Trang bìa vẫn nằm trong top ưa thích của Anna cho đến ngày nay.
Thay đổi táo bạo này đã khởi động cho một loạt sự xuất hiện của người nổi tiếng thay thế cho các siêu mẫu trên trang bìa Vogue, với "phát súng tiên phong" thuộc về Madonna - một hình tượng gây vô cùng nhiều tranh cãi thời gian đó. Dù vậy, ngọn gió mới mà Anna mang đến Vogue đã hồi sinh sức sống cho tạp chí này, giúp nó giành lại vị thế thống trị trong ngành thời trang Mỹ. Phần còn lại là lịch sử.
Dưới sự chỉ đạo của Anna, Condé Nast Publications - công ty mẹ của Vogue - đã tung ra hàng loạt ấn bản phụ, đáng chú ý nhất là Teen Vogue (1993). Trong suốt sự nghiệp đầy hào quang, Anna cũng được vây quanh bởi toàn những cái tên tầm cỡ như Grace Coddington - người từng làm việc với bà tại Vogue Anh.
Đến 2020, Anna đã thay mặt Vogue tham dự hơn 3.000 buổi trình diễn thời trang. Và tới năm 2014, bà được đồn là đã chi tiêu đến 200.000 USD/năm cho trang phục cá nhân.
"Yêu nữ" thời trang và cá tính không cần giống ai
"Lắm tài nhiều tật" có lẽ là một cụm từ miêu tả gần đúng con người Anna Wintour. Không phải bỗng dưng bà trở thành nhân vật quyền lực nhất Vogue và có những lựa chọn táo bạo, phá vỡ khuôn khổ. Từ khi còn rất trẻ, Anna đã bộc lộ một cái tôi rất riêng và không chịu gò ép vào khuôn khổ.
Trước khi vươn đến thành công, "bà hoàng" thời trang từng bị sa thải nhiều lần bởi những tạp chí có tiếng như Harper's & Queen và Harper's Bazaar. Tại Harper's & Queen, "yêu nữ" bị thẳng tay trục xuất vì bộ ảnh không phù hợp, còn tại Harper's Bazaar thì lý do là vì phong cách của bà "quá châu Âu" - trớ trêu là, chính yếu tố này sau đó đã giúp Vogue Mỹ vươn lên rực rỡ.
Điều đáng nói là, sau này Anna chẳng có vẻ gì hối tiếc việc bị sa thải ấy hết. Thậm chí, bà còn tự hào về nó và cho rằng mất việc tại Bazaar là một trong những điều tuyệt nhất xảy đến với bà.
Phát biểu tại một hội thảo ngành thời trang ở New York, Anna nói với khán giả: "Tôi từng làm việc cho Harper's Bazaar Mỹ... Họ sa thải tôi. Tôi khuyên là tất cả các bạn nên thử bị đuổi việc. Đó là một trải nghiệm học hỏi vô cùng tuyệt".
Trong các cuộc phỏng vấn suốt nhiều năm qua, Anna cũng đã có nhiều tiết lộ bất ngờ về thói quen hàng ngày của bà.
Tổng biên tập Vogue tuân thủ quy tắc "dậy sớm để thành công" và thức giấc vào khoảng 5 giờ sáng trước khi chơi tennis hoặc tập thể dục. Vào các ngày làm việc, bà thường đến văn phòng của Vogue ở Manhattan, New York vào khoảng 8 giờ sáng.
Khi ở London cho Tuần lễ thời trang, người đàn bà 70 tuổi duy trì mái tóc bob bồng bềnh của mình bằng 2 buổi sấy tóc chuyên nghiệp mỗi ngày - một vào buổi sáng và một vào đầu buổi tối.
Theo phim tài liệu Boss Woman, bà được cho là hiếm khi ở lại các bữa tiệc lâu hơn 20 phút.
Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Vogue, Anna thường được mô tả là người rất khó gần về mặt cảm xúc, bên cạnh cá tính bùng nổ của một quả "bom nguyên tử".
The Guardian tiết lộ trong một bài báo vào năm 2006 rằng vị tổng biên tập đôi khi trở nên xa cách với công chúng, và "đóng kín" nhân cách của mình với người ngoài. Một người bạn của bà cũng chia sẻ với tờ Observer rằng Anna đôi khi khiến rất nhiều người khó chịu bởi cá tính "thô lỗ" và "căng thẳng". Còn có tin đồn rằng một luật bất thành văn được chia sẻ giữa các biên tập viên của Vogue: Anna không cho phép nhân viên cấp thấp được phép bắt chuyện với mình!
Nhưng không thể phủ nhận cá tính có phần lập dị, khó gần của Anna có sức hấp dẫn lạ kỳ. Bà là người truyền cảm hứng cho cựu trợ lý Lauren Weisberger viết tác phẩm "The Devil Wears Prada" (Yêu nữ thích hàng hiệu) với nhân vật trung tâm Miranda Priestly - tổng biên tập độc tài và khó tính. Tác phẩm này sau đó được chuyển thể ấn tượng qua vai diễn của nữ diễn viên gạo gội Meryl Streep và đã nhận được nhiều lời khen từ nguyên mẫu.
Meyrl Streep trong vai Miranda Priestly - lấy cảm hứng từ Anna Wintour.
Nhà hoạt động nữ quyền và người mẹ tận tụy
Ngoài vai trò thời trang, ít ai biết Anna cũng năng nổ với những hoạt động nữ quyền và ủng hộ người da màu, trái ngược với nhiều chỉ trích về phân biệt chủng tộc hay giai cấp chống lại bà. Năm 2008, bà đưa hình ảnh Hillary Clinton - cựu Ngoại trưởng Mỹ lên bìa Vogue như một thông điệp ngầm ủng hộ vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Tiếp đó, vào năm 2012, bà cùng ngôi sao Scarlett Johansson gây quỹ từ thiện ủng hộ chính quyền Obama vì các chính sách hỗ trợ phụ nữ, người da màu. Cũng không thể không nhắc đến một hành động tiên phong cho quyền lợi của người da màu là trang bìa ấn bản Vogue năm 1989, khi có sự xuất hiện lần đầu của một người mẫu da đen là Naomi Campbell. Cần biết, vào thời điểm đó nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn còn rất sâu rộng và các hoạt động đấu tranh chưa mạnh mẽ như bây giờ.
Với nhiều hoạt động chính trị năng nổ, Anna được The Guardian mệnh danh là "nữ thị trưởng không chính thức của New York".
Người mẹ hết lòng được các con tôn kính
Anna có thể là một tổng biên tập độc tài, khó tính khó nết và đáng sợ với nhân viên, lúc nào cũng thét ra lửa, nhưng đối với con cái bà vẫn là một người mẹ hiền đáng kính.
Cống hiến cả đời cho sự nghiệp và ít khi để lộ chi tiết đời tư, bà có 2 cuộc hôn nhân với David Shaffer (1984-1999) và Shelby Bryan (2004-2020). Điều tuyệt vời nhất trong hôn nhân của bà với David là 2 người con tài giỏi, xinh đẹp.
Tờ Hollywood Life ca ngợi nỗ lực cân bằng giữa vai trò bà hoàng thời trang và người mẹ của Anna, cho rằng trong cả 2 vai trò, bà đã gặt hái được nhiều trái ngọt. Xác nhận điều này với tờ Stella trong cuộc phỏng vấn năm 2015, bà nói:
"Tôi nghĩ một điều rất quan trọng là phải để các con hiểu rằng phụ nữ cũng cần sự nghiệp để viên mãn và điều đó không có nghĩa là họ yêu các con ít hơn, hay quan tâm đến các con ít hơn".
Không giống với mẹ, cả 2 con của Anna đều không mấy đam mê với thời trang. Người con cả Charles sinh năm 1985, nối nghiệp cha thành một bác sĩ tâm lý. Anh từng theo học các đại học danh tiếng như Oxford, Columbia và có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
Em gái Charles là Bee sinh năm 1987, có vẻ đặc biệt thân thiết với mẹ và đã góp mặt cùng bà trong nhiều sự kiện thời trang từ khi còn nhỏ. Cô cũng có gia đình riêng khá hạnh phúc giống anh trai mình và thường chia sẻ những mẩu chuyện vui về mẹ trên mạng xã hội.
"Mẹ tôi từng quăng cả cái cây của chúng tôi ra khỏi nhà ngay trước lễ Giáng Sinh vì 'trông nó bừa quá'" - cô chia sẻ trong một bài đăng trên Instagram.
Sự ấm áp của Anna với các con thể hiện nhiều hơn qua hành động. Trong cùng cuộc phỏng vấn nói trên với Stella, bà tiết lộ việc khó khăn nhất khi có con là phải bỏ họ lại khi rời nhà đi công tác.
"Tất nhiên, có những khi - đặc biệt là nếu bạn phải đi công tác - thật khó khăn để rời xa lũ trẻ - nhất là lúc chúng còn rất nhỏ", bà giải thích. "Và tôi không hề cố gắng bất cẩn với điều này; tất nhiên, đã có lúc khó khăn. Nhưng đó là cách tất cả chúng ta sống ngày nay và nó sẽ không thay đổi".
Thay vì bảo bọc cho các con khỏi sự nghiệp của mình, Anna quyết định cho họ thấy cảm giác làm việc trong ngành thời trang là như thế nào. Mục đích của bà là làm cho họ hiểu rằng phụ nữ cũng làm việc chăm chỉ như nam giới.
Theo bộ phim tiểu sử, bà cũng cố gắng mang các con đi trải nghiệm một ngày làm việc thực tế, nói về công việc cũng như đối tác, đồng nghiệp của mình. Kết quả có vẻ đã vượt quá trông đợi của Anna, khi cả 2 con đều thành đạt và có sự nghiệp riêng, chăm chỉ với đam mê riêng của mình.
Nguồn: Tổng hợp
https://afamily.vn/anna-wintour-thet-ra-lua-o-noi-lam-viec-cam-trich-lang-thoi-trang-nhung-cung-la-me-hien-duoc-cac-con-het-muc-thuong-yeu-20220807151604376.chnTheo Thạch Anh
Phụ nữ Việt Nam