Tiếp sau báo cáo của ngành thuế , Tổng cục Hải quan cũng vừa có báo cáo về hoạt động của ngành trong giai đoạn 7 tháng đầu năm.
Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 34.474 tỷ đồng. Tổng thu 7 tháng đầu năm 2022 đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán được giao, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2021.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/7, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) lý giải nguyên nhân khiến số thu của toàn ngành tăng so với cùng kỳ là do kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số nhóm hàng chính tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, đối với mặt hàng than các loại tăng 121,6%; dầu thô tăng 29,2%; xăng dầu các loại tăng 111,4%; sắt thép các loại tăng 16,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30,6%, so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại kim ngạch xuất khẩu có thuế của một số mặt hàng chính cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phải kể đến như mặt hàng hoá chất tăng 99,2%; than các loại tăng 101,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố lớn của cả nước đã chiếm tới 86,26% tổng dự toán toàn ngành. Tổng cục nhận định, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân kéo số thu tăng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/7, số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hà Tĩnh đạt 221.448 tỷ đồng, bằng 72,93% dự toán được giao, bằng 69,66% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,87% với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố này tăng chủ yếu là do xăng dầu, than, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phục vụ dự án công trình tại địa bàn các đơn vị này quản lý.
HƠN 1.400 CUỘC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN, THU TỪ XỬ PHẠT GẦN 168 TỶ ĐỒNG
Cũng theo báo cáo, lũy kế từ đầu năm đến 15/7, toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.420 cuộc. Trong đó có 952 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan và 468 cuộc tại trụ sở người khai hải quan.
Theo đó, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 277,3 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là gần 167,5 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện 131 cuộc kiểm tra (đều tại trụ sở người khai hải quan), tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là hơn 87 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 84 tỷ đồng.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, lũy kế tới ngày 15/7, ngành hải quan đã trực tiếp và phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 9.376 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm được xử lý ước tính hơn 3.996 tỷ đồng.
Trong giai đoạn, cơ quan hải quan đã khởi tố 26 vụ án hình sự. Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 69 vụ. Số tiền thu nộp NSNN là 299,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN toàn ngành ước đạt khoảng 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến hết tháng 7/2022, đã có 10/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 58%). Trong đó: các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 70,3% dự toán, tăng 8% so cùng kỳ.
Có 03 khoản thu đạt trên 90% dự toán là thuế thu nhập cá nhân (đạt 90,1%), các khoản thu về nhà, đất (đạt 95,1%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 93,4%).
Còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 54%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 54,4%).
Về chi ngân sách, trong 7 tháng, chi NSNN ước đạt 842,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tuấn Việt
BizLive
Xem thêm: nhc.82793906180802202-hcas-nagn-uht-gnot-68-noh-iot-meihc-gnouhp-aid-01-cihpargofni/nv.zibefac