Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 7 giảm 65%
Trái phiếu doanh nghiệp là 1 trong 3 kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. Với thế mạnh là kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro và có lãi suất hấp dẫn nên trái phiếu doanh nghiệp rất được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chiếm đến 15% GDP trong năm ngoái.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, theo thống kê của FiinGroup, quy mô giá trị phát hành trái phiếu sụt giảm mạnh, với giá trị phát hành chỉ ở mức gần 22.000 tỷ đồng, giảm lần lượt 65% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 48% so với tháng 6.
Trái phiếu doanh nghiệp là 1 trong 3 kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Có 21/24 lô phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, nên có khoảng gần 19,5 nghìn tỷ phát hành thuộc về nhóm này. Đứng vị trí thứ hai với ngành thương mại và dịch vụ với 2 đợt phát hành, đạt giá trị hơn 1.000 ttỷ đồng và chiếm 8% thị trường sơ cấp. Nhóm bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng vỏn vẹn 2% trong số các đợt phát hành trong tháng 7.
Doanh nghiệp mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn
Dù các tổ chức phát hành có xu hướng phát hành dài hạn hơn, nhưng thực tế người mua hoàn toàn có thể tất toán trước hạn hoặc doanh nghiệp mua lại trước hạn.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn trong quý 2 vừa qua đã tăng đột biến. Nếu trong quý 1/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, nhưng sang quý 2 khối lượng mua lại trước hạn lên tới hơn 49.000 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng gần 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Phát hành thêm để huy động là lựa chọn xưa nay của các doanh nghiệp. Trước những vụ huy động trái phiếu doanh nghiệp có những dấu hiệu vi phạm, Bộ Tài chính đã khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân lưu ý trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Nhà đầu tư cũng cần chú ý đến tài sản đảm bảo, nhất là khi tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên thực tế, tháng 7, tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng là 0%, theo Fiin Group. Còn trước đó, trong cả quý 2, tổng tỷ lệ chỉ là 0,3%.
Dự thảo Nghị định 153 có những thay đổi tác động đến cá nhân chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty đại chúng phát hành; yêu cầu tổ chức phát hành sử dụng vốn đúng mục đích như phải công bố thông tin cụ thể, rõ ràng, sau này kiểm tra nếu không đúng sẽ được coi là vi phạm, đồng thời cũng yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp, từ đó, bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp.
"Cần khuyến khích các tổ chức phát hành trái phiếu đứng ra xếp hạng tín nhiệm để làm điển hình về việc định giá trái phiếu và lợi ích mang lại so với những trái phiếu thiếu xếp hạng, từ đó khuấy động được sự quan tâm của thị trường. Bản thân nhà đầu tư cũng sẽ dần hình thành thói quen yêu cầu tổ chức phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu của họ thì mới tham gia đầu tư", ông Sing Chan Ng, Trưởng phòng Quản lý Quan hệ Kinh doanh Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings, cho hay.
"Thị trường trái phiếu cần phải có phân loại, qua đó giúp đánh giá được trái phiếu hạng A, B, C, D, trái phiếu rác và sẽ có công cụ tham chiếu các loại lãi suất. Khi có bộ tham chiếu chuẩn sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện được rủi ro của từng loại trái phiếu", ông Vũ Duy Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SMART INVEST, nhận định.
Hiện Nghị định 153 đã trình nhiều lần. Thậm chí, trước những sự chưa thống nhất giữa một số bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nếu không giải quyết được thì trình Chính phủ xem xét, giải quyết.
Việt Nam vốn là một thị trường còn non trẻ, chính vì vậy dư địa cho thị trường trái phiếu còn tương đối lớn. Mục tiêu đặt ra là tăng từ 15% lên thành 20% GDP trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đồng lòng chung sức của Chính phủ, các bộ, ban, ngành cũng như các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Quan trọng nhất bây giờ là từ các kinh nghiệm trong quá trình phát triển, chúng ta đưa ra được cách thức phù hợp, thay vì phản ứng thái quá trước những sự thay đổi. Việc phản ứng thái quá chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chứ không làm thay đổi cục diện vấn đề.
Nếu có thể phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn mạnh thì đây chính là nguồn tài chính dài hạn quan trọng cho đầu tư và hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của đất nước.
Nếu doanh nghiệp bất động sản liên tục đứng thứ hai về cơ cấu phát hành ở các tháng trước, thì thị trường tháng 7 chỉ ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu. Tại sao lại như vậy? Lãi suất chào bán từ 4,3 - 7,6%, tăng so với trung bình 6 tháng, điều này nói lên điều gì?
Trái phiếu do ngân hàng phát hành ghi nhận kỳ hạn bình quân khoảng 5 năm, dài hơn đáng kể so với mức bình quân 3, 4 năm trước đó của nửa đầu năm nay, xu hướng này là như thế nào? Tại sao các doanh nghiệp chỉ chọn phát hành riêng lẻ?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (9/8) với sự tham gia của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
VTV.vn - Bộ Tài chính nhấn mạnh lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó nhà đầu tư phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44663552280802202-peihgn-hnaod-ueihp-iart-ohc-ohk-og/et-hnik/nv.vtv