Sáng 8-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (QGVCĐS).
Một số dịch vụ trực tuyến chưa thực chất
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban QGVCĐS, ghi nhận công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Trong 27 nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ hai của Ủy ban QGVCĐS, có 15 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 12 nhiệm vụ cần tiếp tục hoàn thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NHẬT BẮC |
Đặc biệt, công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm. Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ.
Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt.
Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất.
9,51% là tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2021. Năm 2020 tỉ lệ này chỉ là 1,78%.
An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp.
Khắc phục hạn chế bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thủ tướng cũng yêu cầu tránh tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân...
Đồng thời, huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số. Trong đó có hợp tác công tư; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, không đánh trống bỏ dùi. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp...
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ, lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chuyển đổi số với từng việc thiết thực
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành. Đáng chú ý, ông yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn thí điểm mô hình tại năm trường đại học trước ngày 30-8. Nghiên cứu thúc đẩy thành lập khoa mới, chuyên ngành đào tạo mới hoặc cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng theo hàm lượng phù hợp tại các trường đại học, cơ sở giáo dục.
Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm người có công, người nghèo, người khuyết tật, đối tượng yếu thế, người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp...