Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol mới đây đang được điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu tăng cường quản lý đối với các sản phẩm chứa methanol, dù vậy chỉ với vài chục ngàn đồng người ta có thể dễ dàng mua được chúng.
Còn hoảng hồn khi được cứu sống
Ngày 8-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, 2 sinh viên bị ngộ độc rượu trong vụ 8 người ngộ độc methanol, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết vẫn còn khủng hoảng tinh thần sau vụ ngộ độc.
Bệnh nhân nam N.V.T. (19 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) kể rằng mình đang là sinh viên năm 2 của một trường cao đẳng tại TP.HCM. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, T. đã xin làm phụ bếp quán nhậu tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Đến ngày 3-8, sau khi lãnh lương, T. và một nhóm 7 người chủ yếu là nhân viên phục vụ, sinh viên của quán mở tiệc nhậu.
Đến 22h, sau khi T. về tắm, đến quán thì đã thấy can rượu đựng trong bình nước suối 5 lít. Để dễ uống hơn, nhóm đã mua thêm 2-3 chai nước ngọt màu đỏ đổ vào rượu.
Sau khi uống, T. gục luôn trên bàn và không biết những gì đã xảy ra, lúc tỉnh dậy là 14h chiều 4-8 và trở về phòng trọ. Đến phòng trọ, T. tiếp tục ngủ đến ngày 5-8. Sau khi nghe tin có người tử vong do nhậu, bạn bè liền đưa T. đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ nhập viện sớm nên T. thoát khỏi "tử thần".
"Em chỉ biết rượu được lấy từ kho của bếp, chứ em không được vô khu đó", T. kể lại.
Cùng nhóm còn có nữ bệnh nhân L.T.N.H. (20 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định). H. cho biết sau khi ngồi với các bạn được một lúc, do cảm thấy buồn ngủ nên cùng một bạn nữ về phòng trọ nghỉ ngơi đến chiều 4-8 thì tỉnh lại, chưa có triệu chứng gì. Sáng 5-8, H. bắt đầu buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mắt lờ đờ nên nhờ bạn chở đi bệnh viện.
Methanol bán tràn lan
Hiện không khó để có thể mua được methanol. Nhiều trang thương mại điện tử liên tục rao bán, chỉ cần có nhu cầu là người mua muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Giá dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/10 lít, mặc dù cồn methanol là chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Theo quy định, khi sản xuất, kinh doanh hóa chất có chứa methanol (không kể nồng độ% trong hóa chất) thì vẫn phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế. Tuy nhiên, việc kinh doanh methanol vẫn diễn ra khá phổ biến, người dân vẫn dễ dàng mua được loại này để sử dụng.
Mới đây, tháng 5-2022, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý đối với sản phẩm chứa methanol (cồn công nghiệp) được mua bán tại các cơ sở kinh doanh dược, các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.
Cụ thể, theo Bộ Y tế, một số cơ sở bán lẻ thuốc có bày bán các sản phẩm chứa hóa chất methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng hoặc hướng dẫn sử dụng như sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh, bày bán các sản phẩm có chứa methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với sở công thương, quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh có mua bán methanol mà giấy đăng ký kinh doanh không có phạm vi kinh doanh hóa chất và không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất hoặc có các giấy phép nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về quản lý hóa chất và các quy định khác có liên quan.
Ghi nhận tại một số hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều hiệu thuốc cho hay không kinh doanh cồn công nghiệp methanol. Tại một cửa hàng thuốc, người bán hàng hướng dẫn: "Nếu dùng để sát khuẩn hay nướng mực, nướng cá thì dùng loại này (cồn ethanol 90 độ và cồn ethanol 70 độ - PV) chứ không nên dùng methanol".
Ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết nhiều năm gần đây, qua việc xét nghiệm các chai cồn sát trùng do bệnh nhân mang tới, trung tâm chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng "dỏm", chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp methanol và nước.
Người dân khi mua cồn về sát trùng thôi cũng cần xem kỹ các thông tin trên nhãn mác, đặc biệt về công dụng, thành phần cụ thể rõ ràng để tránh sử dụng nhầm mục đích, gây hại cho sức khỏe.
Ông Nguyễn Trung Nguyên
Tuyệt đối không sử dụng methanol làm sạch thực phẩm
PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết methanol là cồn được sản xuất để phục vụ cho công nghiệp nên tuyệt đối không sử dụng để làm sạch thực phẩm.
Ông Thịnh cho biết trước đây cồn công nghiệp chủ yếu nhập khẩu và được phân biệt bằng màu xanh để tránh sử dụng nhầm lẫn.
Tuy nhiên, sau đó trong nước tự sản xuất và việc phân biệt bằng màu xanh đã không được thực hiện khiến nhiều người lợi dụng để pha chế, trà trộn với cồn ethanol, pha rượu bán cho người tiêu dùng.
"Một số người dân sử dụng 'mẹo dân gian' khi rửa thực phẩm, đặc biệt là cá và hải sản, bằng rượu để khử mùi.
Tuy nhiên, nếu sử dụng cồn công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Độc tính của methanol rất mạnh, vì vậy nếu sơ suất rửa không sạch hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ rất dễ ngộ độc, thậm chí tử vong", ông Thịnh cho hay.
Ông Thịnh cho rằng hiện việc kinh doanh cồn công nghiệp bị buông lỏng dẫn đến việc cồn công nghiệp dễ dàng mua được và sử dụng với mục đích xấu.
"Các đơn vị cần vào cuộc để kiểm soát chặt loại hóa chất này, đồng thời có chế tài xử lý mạnh đối với những người sử dụng cồn công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người khác", ông Thịnh nói.
Bán rượu nhỏ, lẻ cũng phải có giấy phép
Chiều 8-8, trước sự việc xảy ra một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đây là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn, hoặc ngộ độc rượu mãn tính khi uống nhiều rượu trong thời gian dài.
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh rượu thuộc nhóm hàng hóa mà Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.
Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.
TTO - Sau nhiều ngày được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức chữa trị, đến nay tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhân trong vụ "8 người ngộ độc rượu, 2 người tử vong" đã ổn định, có thể xuất viện.
Xem thêm: mth.10941932280802202-gnam-nert-nal-nart-nab-aum-iah-cod-lonahtem/nv.ertiout