Nội dung này được nêu tại Nghị định 51/2022 sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng. Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng động cơ, không pha chì sẽ giảm một nửa, từ 20% xuống còn 10%. Việc giảm này được cấp có thẩm quyền đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính vào tháng trước.
Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam.
Thực tế, giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng, bởi tỷ trọng nhập khẩu từ các nước áp thuế này hiện chiếm không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước.
Nhưng việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông. Việc này giúp tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay nếu nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nhiều nước. Chẳng hạn, thuế trong giá xăng ở nhiều nước hiện dao động 40-55%, dầu là 35-50%, trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn.
Tại Việt Nam, sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).
Giá xăng dầu sau khi tăng liên tục từ đầu năm đã có 4 đợt giảm liên tiếp, với mức hạ hơn 6.500 đồng mỗi lít, song hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa giảm theo. Đầu tháng 8, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.
Anh Minh