Một ngôi nhà bị ngập nặng ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh PHƯỚC TUẦN
Sài Gòn những ngày này cũng mưa, những trận mưa lớn nhỏ làm ngập đường sá. Nhưng cảnh khổ này chẳng là gì so với khúc ruột miền Trung quê tôi, nơi đang phải chịu đựng bao khốn cùng vì bão lũ hoành hành.
Bão lũ miền Trung bây giờ không bị thì thôi, nhưng nếu bị thì thường rất nặng nề. Bởi rừng bị giảm nhiều, không còn thảm thực vật tự nhiên giữ nước, hút nước, chống sạt lở.
Kỹ sư nông lâm Nguyễn Văn Bình
Ngồi co ro nhìn ra màn trời Sài Gòn giăng mưa mùa mịt, anh Trần Văn Lợi lại xót xa nhớ về quê nhà ở huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị, nơi đang phải chịu bão lũ chồng bão lũ.
1. "Tôi đã định đón xe về nhà rồi, nhưng mạ (mẹ) bảo thôi cứ ở lại Sài Gòn để cố làm kiếm tí tiền hãy về. Chẳng lẽ mới vào có ít ngày đã lại quay ra, tốn tiền tàu xe. Ngoài quê, mạ và mấy em sẽ đùm bọc nhau qua cơn tai ương" - Lợi ngân ngấn nước mắt tâm sự.
Người thanh niên mới 25 tuổi mà trông già dặn như ngoài 30 kể, mấy ngày nay cứ lúc nào rảnh rỗi là mở ngay điện thoại xem tin tức ngoài quê nhà.
Mái nhà mẹ Lợi bị gió cuốn bay mấy tấm tôn đã kịp vá lại rồi, nhưng mưa vẫn dầm dề, ngập lụt làm cuộc sống rất khó khăn. Đàn gà và vườn rau nhà Lợi bị bão lũ đánh tan tác, chưa biết gầy dựng lại thế nào...
"Tôi là anh cả của ba đứa em nhỏ còn tuổi ăn tuổi học. Thương mạ và đàn em khi gặp hoạn nạn lại không có anh lớn ở nhà lo toan!" - Lợi nói, và kể thêm mùa dịch, việc thu hoạch cây keo cho doanh nghiệp làm gỗ băm xuất khẩu gặp khó khăn nên anh xin vào Nam làm phụ hồ cùng các bạn.
"Tiền công phụ hồ được 300.000 đồng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với làm nghề rừng ở quê. Nhưng ở thành phố đắt đỏ này, tôi phải thật tiết kiệm mới dành dụm được chút đỉnh gửi ra quê phụ mạ nuôi các em".
Lợi kể vừa xin chủ thầu cho ứng trước một tháng lương để gửi tiền ra quê. Chủ thầu cũng là người đồng hương hiểu cảnh khổ bão lũ, cho Lợi ứng 10 triệu đồng. Số tiền rất lớn và ý nghĩa với mạ cùng các em Lợi lúc này!
"Tôi gọi cho mạ, nói mạ cứ dùng tiền sửa sang nhà cửa, lo miếng ăn không phải thiếu thốn. Tôi hứa với mạ là sẽ không để mạ và các em khổ đâu" - Lợi rắn rỏi kể chuyện.
Nhưng tôi biết chàng thanh niên trẻ này cũng đang gặp khó. Bão lũ hoành hành miền Trung. Sài Gòn cũng mưa dầm dề ngày qua ngày. Các công trình xây dựng ngoài trời bị ảnh hưởng. Người lao động có thể không được nhận đủ lương...
Hội An chìm trong biển nước lũ - Ảnh B.D.
2. Đã 7h sáng, đường phố Sài Gòn như vẫn còn tối vì mây đen mù mịt giội xuống màn mưa nặng hạt. Chị Phùng Thị Mến bán xôi bên hè đường Trần Văn Giàu (Q.Bình Tân) phải lùi vào bên trong, co ro đứng tránh mưa dưới một mái hiên nhà chưa mở cửa.
Chẳng mấy khách đi đường dừng lại với người phụ nữ bán xôi giữa cơn mưa nặng hạt dầm dề. Tôi ghé xe vào, mua gói xôi chỉ 10.000 đồng nhưng cũng giúp người phụ nữ gầy gò nở nụ cười vui.
"Quê nhà chị thế nào? Có bị bão lũ không?". "Có chứ, Quảng Ngãi cũng bị mà. Không nặng như ngoài Huế, ngoài Quảng Trị, nhưng cũng gió mưa suốt" - người phụ nữ bán xôi như được trút bầu tâm sự khi có người hỏi han, an ủi chuyện quê nhà.
Chị Mến, 44 tuổi, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, vào bán xôi ở Sài Gòn để nuôi một người con trai cùng theo mẹ vào học đại học. Chồng chị ở lại quê nhà, nuôi một con nhỏ và cày cấy ruộng vườn.
"Mưa lũ ngập lụt không hại chết cây trồng thì cũng ảnh hưởng rất nặng nề. Tình hình này thì chắc năm nay thất mùa rồi!" - chị Mến tâm sự thêm đang rất nhớ chồng con ở quê nhà. Trời nổi cơn mưa gió, gia đình rất cần bàn tay người mẹ, người vợ lo miếng cơm, tấm áo ấm áp cho chồng con!
Nhìn ra màn mưa vẫn không ngớt hạt, người phụ nữ bán xôi trĩu nặng nỗi lo. Chị tâm sự ước gì được về ngay bên chồng con, nhưng phải tiết kiệm tiền tàu xe để nuôi đứa con trai đang học đại học và gửi thêm tiền về quê phụ chồng lo con nhỏ. Lặng nhìn thúng xôi vẫn còn đầy và người phụ nữ đen nhẻm, gầy gò ngồi đợi khách dừng chân, tôi như thấu cảm được nỗi lo toan của chị.
Quê nhà miền Trung đang chịu khổ. Những người con miền Trung xa quê cũng đang gặp khó khăn giữa những ngày mưa gió dầm dề. Chị Mến tâm sự mỗi ngày phải bán hết một thau rưỡi xôi mới đủ trang trải chi phí, mà mấy hôm nay chỉ bán không được một nửa. Tiền đâu gửi về quê nhà? Ánh mắt người phụ nữ bán xôi như mờ đục sau màn mưa...
Những ngày bão lũ này, chị Mến thắt ruột gan lo cho chồng con ở quê nhà - Ảnh MẠNH DŨNG
3. Buổi tối, tôi ghé phòng trọ cũng là lúc ông Hà Văn Hoàng đang gọi điện thoại liên tục về cho vợ con và gia đình ở quê nhà Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Gật đầu chào khách, nhưng ông vẫn không rời điện thoại cho đến khi nói xong câu: "Vậy hả, thôi cũng yên tâm. Của đi thay người. Còn người là còn làm lại được".
Quay sang tôi, người đàn ông 50 tuổi với hơn 10 năm bán vé số ở Sài Gòn này tâm sự: "Mấy bữa nay người tôi như có lửa đốt. Quê nhà ngập nặng lắm. Rồi còn có mấy con cháu dòng họ đi làm công nhân, đi làm rừng trên núi ngay sát bên công trình thủy điện đang có nhiều người bị mất tích. Hồi thanh niên sống bằng nghề rừng, tôi đã mấy lần suýt chết khi bão lũ đổ xuống nên rất hiểu sự nguy hiểm chực chờ".
Ông Hoàng kể đã bị lũ thình lình ập đến nhanh đến mức chỉ kịp trèo lên ngọn cây nếu biết trèo, và những ngày mưa bão làm mềm chảy đất, núi sạt lở với những tiếng nổ ầm ầm kinh khủng như tiếng bom chiến tranh.
Ba, bốn ngày vừa qua, ông Hoàng mua hết mấy thẻ điện thoại để gọi về quê Phong Điền. Vừa tạm bớt lo lắng nhà mình dù ngập sâu nhưng không ai bị gì, thì lại lo mấy đứa cháu đi làm trên núi bị mất liên lạc.
"Lúc anh vừa đến đây, thân già này mà muốn khóc đó, bây giờ thì đỡ rồi. Tụi nhỏ mới gọi điện về báo đã xuống núi an toàn. Mấy hôm rồi điện thoại hết pin, không có nguồn điện sạc..." - ông Hoàng nở nụ cười hiếm hoi trải lòng với tôi.
50 năm cuộc đời thì 40 năm bươn chải sống từ biển lên rừng núi miền Trung, ông Hoàng tâm sự mình đủ thấu hiểu trăm nỗi đau khổ do thiên tai gây ra. Bây giờ dù đi xa, ông vẫn thắt gan thắt ruột lo cho quê nhà mỗi khi trời đất nổi cơn bão tố...
Nhiều gia đình thiếu trụ cột đàn ông đối phó thiên tai
"Ở quê tôi, thanh niên lớn lên đa số đều đi làm ăn xa. Một số ít thì đi lao động nước ngoài. Nhiều người thì vào Nam tìm việc ở các nhà máy. Nên mỗi khi quê nhà xảy ra chuyện gì đột ngột như thiên tai bão lũ, thường thiếu sức vóc trụ cột của trai tráng. Ở Sài Gòn, nghĩ những cảnh cha mẹ già, em thơ đang phải trải qua mà rớt nước mắt!" - anh Lý Văn Bường, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, tâm sự.
TTO - Người chết, nhà trôi, cầu đường gãy đổ, nứt toác, núi lở… Ấy là cảnh mà người dân các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu.
Xem thêm: mth.57525829051010202-gnurt-neim-ev-gnouht/nv.ertiout