Sách giáo khoa đang là chủ đề nóng hiện nay với nhiều bất cập như cách kinh doanh của NXB giáo dục, việc chọn sách trong trường, chuyện sách dùng xong một năm học rồi vứt bỏ… Theo ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập - tất cả những vấn đề này về sách giáo khoa thực ra là vấn đề cũ, đã trở đi trở lại nhiều năm nay, và không được giải quyết.
Thay đổi tư duy với sách giáo khoa là cần thiết. Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên đã chỉ ra một số điều về sách giáo khoa mà giáo dục Việt Nam có thể học hỏi từ giáo dục thế giới để học sinh được hưởng lợi nhiều hơn.
1. Có nhiều bộ sách giáo khoa
Việt Nam đang bắt đầu đi theo xu hướng chung, là Bộ giáo dục quốc gia đưa ra chương trình khung, và các nhà xuất bản sẽ thuê chuyên gia viết sách, sau đó sách được hội đồng giáo dục quốc gia thẩm định. Nếu đạt yêu cầu thì có thể lưu hành cùng lúc 5-10 thậm chí nhiều hơn các bộ sách giáo khoa để phù hợp với nhu cầu, phong cách của từng địa phương, trường học, nhóm học sinh…
Hiện Việt Nam đã có 3 - 4 bộ sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới 2018, và đang theo lộ trình để soạn đủ sách giáo khoa cho 12 lớp phổ thông.
2. Sách giáo khoa không phải là kinh kệ
Sách giáo khoa quan trọng, nhưng chỉ là một loại trong số rất nhiều tài liệu giảng dạy ngày nay. Giáo viên hiện nay phải khai thác các tài nguyên số trong giảng dạy, rất phong phú nên đừng chỉ đóng khung nền giáo dục trong sách giáo khoa.
Sách có phạm vi giới hạn về số trang, về năng lực của người viết sách, có thể không kịp cập nhật… do vậy cả xã hội đều cần từ bỏ tư duy coi sách giáo khoa là chỉ thị, là cuốn kinh kệ duy nhất cho việc học. Thực tế nền giáo dục tốt phải cho phép học sinh được tìm hiểu thêm bên ngoài sách giáo khoa.
3. Sách giáo khoa Việt Nam quá mỏng và sơ sài
Dù các chủ đề học tập (topic) của Việt Nam khá tương đồng với các nền giáo dục Anh, Mỹ nhưng mức độ chi tiết của sách giáo khoa thấp hơn hẳn. Sách giáo khoa của VN chỉ vài trăm trang giấy khổ nhỏ, còn sách của phương Tây có thể lên tới vài ngàn trang giấy khổ lớn.
Lý do là sách của phương Tây viết cho học sinh có thể tự học không cần thầy, với những dẫn giải chi tiết và minh họa chu đáo, còn sách giáo khoa của Việt Nam chỉ như một bản tóm tắt các nội dung khoa học mà nếu không có thầy cô giảng giải, một học sinh trung bình khó lòng mà tự học được.
4. Học sinh tiểu học không có sách giáo khoa
Nhiều chương trình phương Tây không có sách giáo khoa cho học sinh tiểu học, chính xác là có sách nhưng giáo viên có thể không dùng đến vì họ có khả năng khai thác các tài liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau thay vì bắt học sinh phải học theo từng bài một trong sách giáo khoa.
Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy một năm học ở Việt Nam có 35 tuần, tương ứng với 175 ngày học, và sách giáo khoa Toán, Tiếng Việt, Văn… được soạn với 175 bài học theo cách phân phối cứng nhắc đó. Tuy trường tiểu học phương Tây có thể không dùng sách giáo khoa, nhưng bậc trung học thì sách giáo khoa rất dày với mức độ chi tiết rất cao, lượng kiến thức có thể nhiều và phong phú hơn sách giáo trình đại học của Việt Nam.
5. Sách cũ nên được dùng lại
Thực ra nội dung giáo dục phổ thông rất ổn định, chỉ có một phần nhỏ hoặc một số môn học đặc thù là cần cập nhật trong vòng 3-5 năm. Do vậy, người viết sách và nhà xuất bản sách, nếu vì lợi ích của học sinh và xã hội, thì phải tính toán để sách giáo khoa có thể dùng lại.
Thật nghịch lý là Việt Nam còn là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD/năm mà học sinh vứt bỏ đi hàng triệu cuốn sách giáo khoa mỗi năm, trong khi các nước có thu nhập bình quân đầu người 50.000 - 60.000 USD/năm vẫn đang nỗ lực để học sinh dùng lại sách giáo khoa hàng năm.
Việc vứt bỏ sách giáo khoa hàng năm là một sự lãng phí rất lớn và cần được thay đổi. Không thể biện hộ là một số nội dung phải cập nhật hàng năm nên cần vứt bỏ sách cũ. Tôi xin lấy ví dụ cách chương trình Cambridge xử lý vấn đề: Với môn tin học liên tục có nội dung cập nhật thì họ dùng sách giáo khoa điện tử (online) nên có thể chỉnh sửa hàng năm mà không hao tốn tài nguyên của xã hội.
6. Các nhà xuất bản sách nên là các tổ chức phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận
Với cơ chế hiện nay, Nhà xuất bản giáo dục là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, NXB giáo dục càng kinh doanh có lãi thì càng thiệt hại cho xã hội, và cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho nhà nước. NXB giáo dục nên là đơn vị mang sứ mệnh không vì lợi nhuận để phụng sự giáo dục quốc gia. Với những gì không hoàn hảo của cơ chế thị trường gây thiệt hại cho xã hội thì cần có bàn tay can thiệp, điều tiết của nhà nước vì lợi ích chung.
7. Sách giáo khoa nên được nhà nước mua và cấp miễn phí cho các học sinh thông qua thư viện trường
Quyền học tập của học sinh bao gồm cả quyền tiếp cận sách giáo khoa, do vậy nếu sách không được trợ giá phần lớn hoặc miễn phí hoàn toàn, sẽ vẫn gây khó khăn cho các học sinh yếu thế. Nếu không thể cung cấp miễn phí sách giáo khoa cho 100% học sinh ngay, thì nên có cơ chế để học sinh nghèo có thể mượn sách học từ thư viện không tốn phí.
8. Trường học và giáo viên không được tiếp thị sách nhận hoa hồng
Khi trường học và giáo viên được khuyến khích làm đại lý bán sách cho nhà xuất bản, sẽ phát sinh mâu thuẫn lợi ích, và không còn ở vị trí trung lập, công tâm trong lựa chọn hay giới thiệu sách. Trường học có thể là địa điểm tốt để phân phối trong chuỗi cung ứng sách, nhưng chỉ nên được thu một khoản phí hành chính nhỏ cho công tác phối hợp.
9. Nên có thư viện điện tử cho học sinh phổ thông
Bộ giáo dục có thể mở thư viện điện tử quốc gia và cung cấp sách giáo khoa điện tử miễn phí cho các trường học, giáo viên và học sinh toàn quốc. Bản chất của sách điện tử là 1 bản có thể có triệu người dùng cùng lúc và cũng không hao mòn, khác sách giáo khoa giấy 1 bản chỉ 1 người dùng và có hao mòn.
10. Cuối cùng, đừng ngại nhập khẩu và dịch sách giáo khoa nước ngoài
Hãy nhìn nhận thẳng thắn, sách giáo khoa của chúng ta thua kém về chất lượng khoa học, mỹ thuật, trình bày, hiểu tâm lý học sinh. Chẳng có gì xấu hổ hay mất thể diện khi chúng ta học hỏi những thứ tốt đẹp của thế giới cả.
Các cuốn sách giáo khoa của thế giới dựa trên thành quả nghiên cứu giáo dục của nhiều trường đại học lớn, nhiều nền giáo dục khác nhau với công sức của rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, các nhà khoa học… trên toàn thế giới hội tụ lại.
Nên nhớ Phần Lan tham khảo rất nhiều giáo dục Anh - Mỹ, giáo dục Singapore dựa trên bộ khung giáo dục Anh, Hàn Quốc học tập Nhật Bản, còn bang California thì nhập khẩu chương trình toán của Singapore… Thế cho nên, chúng ta hoàn toàn có thể mua bản quyền và dịch các sách giáo khoa của Anh, Mỹ, Singapore, Nhật, Phần Lan… về cho học sinh của chúng ta học. Đặc biệt là nội dung các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, rất đáng học hỏi sách giáo khoa phương Tây, vì các quốc gia đó đã phát triển, còn chúng ta vừa mới bắt đầu phát triển, nền khoa học còn ở sau họ rất lâu.
Với tôi, cho học sinh học sách giáo khoa dịch có bổ sung những nội dung địa phương của Việt Nam mới là một cuộc cải cách sách giáo khoa dũng cảm vì quyền lợi của người học và vì tương lai không tụt hậu của giáo dục Việt Nam.
https://afamily.vn/chuyen-gia-bui-khanh-nguyen-noi-ve-bat-cap-sach-giao-khoa-10-dieu-viet-nam-co-the-hoc-hoi-tu-giao-duc-the-gioi-de-hoc-sinh-duoc-huong-loi-nhieu-hon-20220808210343741.chnTheo Hiểu Đan
Phụ nữ Việt Nam