Ngày 9 và 10-7, các nền tảng của FPT Play và Netflix lần lượt gỡ bỏ bộ phim Hướng gió mà đi sau khi có công văn yêu cầu của Cục Điện ảnh Việt Nam. Mặc dù vậy sự việc vẫn gây phản ứng trong dư luận.
Nhiều khán giả cho rằng đây là hành vi "xâm phạm chủ quyền quốc gia" của Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện ảnh, tại sao một số công ty phát hành phim vẫn vi phạm hoặc tái phạm?
FPT Play thiếu tôn trọng khán giả, Netflix không phải lần đầu
Với FPT Play - trang web và ứng dụng chiếu phim thuộc Công ty cổ phần Viễn thông FPT của Việt Nam, một số khán giả bày tỏ sự thất vọng khi nhà phát hành này đã biết bộ phim Hướng gió mà đi có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp trong chín tập phim nhưng vẫn chiếu, chỉ xử lý làm mờ hoặc cắt bỏ hình ảnh.
Đặc biệt phim không chỉ có hình ảnh "đường lưỡi bò" mà còn có câu thoại "Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới" theo như phiên bản được chiếu trên Netflix khi được Cục Điện ảnh kiểm tra, rà soát.
"Phải loại bỏ luôn chứ làm mờ hình ảnh gì?" - một bạn đọc Tuổi Trẻ đặt câu hỏi.
Trên mạng xã hội, một khán giả khác cho biết đã xem bộ phim trên FPT Play vào năm ngoái, khi thấy các cảnh phim bị làm mờ, người này cũng suy đoán tấm bản đồ trong phim "có vấn đề".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định với Tuổi Trẻ:
"Tôi nghĩ đây là một hành động thiếu nhạy cảm từ phía FPT Play. Đối với người dân Việt Nam, chủ đề bản đồ "đường lưỡi bò" hết sức được quan tâm, chính vì thế bất cứ hình ảnh nào liên quan đến chủ đề này cũng nhận phản ứng từ khán giả.
Việc FPT Play chỉ làm mờ mà vẫn chiếu phim vì lý do nào đó không biết, nhưng đây là chi tiết thể hiện sự không tôn trọng tình cảm của khán giả Việt Nam. Việc làm này cần có sự chấn chỉnh để là tiền lệ đối với các phim khác, không chỉ trên FPT Play mà còn của các kênh phân phối thông tin khác".
Việc Trung Quốc đưa "đường lưỡi bò" vào các sản phẩm văn hóa, giáo dục, phim ảnh... đã có từ lâu. Trong những năm qua, báo chí và dư luận Việt Nam nhiều lần phản ứng. Theo ông Bùi Hoài Sơn, tình trạng này diễn ra không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Dư luận không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước có liên quan đều phản đối vấn đề này.
Còn với Netflix, chiều 10-7 người phát ngôn của công ty này phản hồi Tuổi Trẻ về vụ việc: "Vì một số chi tiết trong các tập phim bị cấm theo quy định của Chính phủ Việt Nam, Netflix đã gỡ bỏ loạt phim Hướng gió mà đi trên nền tảng tại Việt Nam. Phim vẫn có mặt trên nền tảng ở các nước khác".
Đây không phải lần đầu tiên Netflix gặp vấn đề liên quan đến "đường lưỡi bò" trong các phim Trung Quốc chiếu trên nền tảng này tại Việt Nam.
Năm 2020, Netflix từng bị khán giả Việt Nam phát hiện và phải xóa bỏ hình ảnh "đường lưỡi bò" trong phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder).
Còn nay, việc công ty này gỡ bỏ phim không kèm lời xin lỗi hay hứa hẹn rút kinh nghiệm, khắc phục trong tương lai cũng là điều đáng băn khoăn.
Cần phạt nặng hơn
Trên Tuổi Trẻ Online, bạn đọc cũng bày tỏ thắc mắc phải chăng chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn các nền tảng OTT vi phạm và tái phạm.
Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - nêu ý kiến: "Hiện tại cả Netflix và FPT Play đều đã gỡ phim. Theo Luật Điện ảnh, chúng ta hậu kiểm chứ không tiền kiểm với phim phổ biến trên không gian mạng, do đó không ngăn chặn được từ sớm, chỉ khi khán giả phát hiện thì Cục Điện ảnh mới kiểm tra được và thấy có sai phạm sẽ yêu cầu gỡ bỏ phim".
Còn ông Bùi Hoài Sơn nhận định: "Điều tích cực là chúng ta đã ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) có các điều khoản liên quan đến các hành vi bị cấm và cách thức xử phạt, cũng như có sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, nhất là khán giả, công chúng Việt Nam".
Theo đó, điểm d, khoản 1, điều 9 Luật Điện ảnh của Việt Nam đã quy định nghiêm cấm hành vi "thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia".
Luật áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và nước ngoài lẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam. Điểm e, khoản 2, điều 21 về "Phổ biến phim trên không gian mạng" trong Luật Điện ảnh cũng quy định chế tài gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại điều 9.
Với tình hình hiện nay, theo ông Sơn, chúng ta "cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, xử phạt làm gương để tạo tác dụng răn đe đối với các hành vi tương tự".
Khi Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: "Thay vì làm mờ, cắt bỏ thì các nhà phát hành tại Việt Nam có nên cân nhắc không chiếu ngay từ đầu đối với các phim có hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò?", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành trả lời: "Đúng vậy, cục đang tiến hành mời FPT Play đến trao đổi và nhắc nhở về việc này".
Đẩy mạnh hậu kiểm
Một tín hiệu lạc quan trong vụ việc là khán giả Việt Nam đã tham gia tích cực vào vai trò hậu kiểm của xã hội đối với các phim nước ngoài phổ biến trên không gian mạng Việt Nam.
"Trong tương lai, tôi tin rằng hậu kiểm sẽ ngày càng tiến triển và trở nên quan trọng hơn trong quá trình sản xuất và trình chiếu phim chiếu mạng.
Với sự phát triển của công nghệ và Internet, việc quản lý chất lượng, kiểm tra nội dung và đảm bảo an toàn cho khán giả sẽ trở thành vấn đề quan trọng. Hậu kiểm không chỉ đảm bảo các nội dung phù hợp được trình chiếu, mà còn xem xét xem liệu có nội dung vi phạm hay gây hại nào không" - ông Sơn nhận định.
Ông Sơn cho rằng với sự tham gia tích cực và quan tâm của khán giả vào hậu kiểm, các nhà sản xuất và nhà điều hành sẽ có thể nhận được phản hồi và đánh giá chính xác hơn về các bộ phim và chương trình, từ đó cải thiện chất lượng, xử lý các vấn đề và nâng cao trải nghiệm cho khán giả Việt Nam.
Thăm dò ý kiến
Doanh nghiệp Việt Nam như FPT Play dù biết phim Flight to you (Hướng gió mà đi) là sản phẩm tuyên truyền đường lưỡi bò phi pháp nhưng chỉ xóa mờ bản đồ có hiển thị đường lưỡi bò mà vẫn cho phát phim suốt thời gian dài đến khi bị phát hiện, nên xử lý như nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ngày 10-7, Netflix đã gỡ phim 'Flight to you' (Hướng gió mà đi) sau khi khán giả phát hiện có 'đường lưỡi bò' và Cục Điện ảnh có công văn yêu cầu gỡ bỏ.