Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 8/8 giảm mạnh, với RON 92 quanh mức 105 USD một thùng, RON 95 là 109 USD, còn giá dầu xuống dưới 120 USD một thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết tuần qua, giá xăng dầu liên tục đi xuống, có thời điểm xăng nhập vào còn 100 USD một thùng, thấp nhất 7 tháng qua nên kỳ này giá sẽ giảm mạnh.
"Tại kỳ điều hành 11/8, nếu không sử dụng Quỹ, xăng có thể giảm 1.200-1.600 đồng một lít, còn giá dầu hạ 1.800-2.200 đồng một lít", ông này nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng đây là lần giảm thứ 5 liên tiếp giúp giá xăng về sát mốc 23.000 đồng một lít. Còn giá dầu về dưới 22.000 đồng một lít.
"Trong trường hợp nhà điều hành sử dụng hoặc trích Quỹ bình ổn, giá xăng và dầu sẽ giảm khoảng 600-1.200 đồng một lít", lãnh đạo đầu mối xăng dầu Hà Nội dự báo.
Tại kỳ điều hành 1/8, mỗi lít xăng RON 95 giảm về mức 25.600 đồng (giảm 470 đồng); E5 RON 92 có giá mới là 24.620 đồng (giảm 450 đồng). Đây là lần giảm giá thứ tư liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 2.
Với dầu diesel về mức giá 23.900 đồng, dầu hỏa cũng hạ về 24.530 đồng mỗi lít...So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.270 đồng; E5 RON 92 hạ 6.680 đồng; dầu diesel giảm 6.110 đồng. Mặc dù xăng dầu giảm mạnh nhưng giá hàng hóa mới chỉ một vài nhóm nhích nhẹ, đa phần vẫn đứng yên.
Mới đây, Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10% từ ngày 8/8. Theo các doanh nghiệp đầu mối, giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng, bởi tỷ trọng nhập khẩu từ các nước áp thuế này hiện chiếm không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước. Tuy nhiên, động thái này tác dụng giúp thị trường đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia.
Tại thị trường thế giới, giá dầu thô hai ngày nay tiếp tục đi xuống gần 93 USD một thùng. Tính trung bình tuần qua, giá dầu dầu WTI lỗ 9%, Brent lỗ tới 12%, lo ngại suy thoái kinh tế và sự mạnh lên của USD đang đè nặng giá dầu.
Theo Reuters, các quan chức Iran và Mỹ đã tới Vienna (Áo) để nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Nếu các cuộc đàm phán thuận lợi, kỳ vọng các lệnh trừng phạt làm cản trở dòng dầu xuất khẩu của Iran sẽ sớm được gỡ bỏ giúp thị trường hạ nhiệt cơn khát dầu.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ "rơi" xuống mức dưới 90 USD một thùng, Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda ở London dự báo.
Thi Hà