Cụ thể gần đây xuất hiện thủ đoạn mới để chiếm đoạt tiền của người dân, đó là hình thức “Tham gia đặt đơn hàng để hưởng hoa hồng".
Nhóm này hứa hẹn chỉ cần làm theo những gì hướng dẫn, mỗi ngày sẽ kiếm được cả chục triệu đồng. Theo đó, người bị hại sẽ truy cập vào đường link để tạo lập tài khoản, nạp tiền và lựa chọn thực hiện nhiệm vụ đặt đủ số đơn hàng theo mức nhất định 10/10, 30/30, 50/50, 80/80 trong ngày thì mới được nhận lại tiền đã đặt đơn hàng và tiền hoa hồng.
Nếu không hoàn thành, hệ thống sẽ tự động làm mới nhiệm vụ vào 09h30’ ngày hôm sau, chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian một ngày thì toàn bộ số tiền đã đặt đơn hàng trước đó mới được hoàn trả về tài khoản.
Rất nhiều phụ nữ mất tiền tỷ chỉ sau một cuộc gọi. Ảnh PN. |
Tuy nhiên, số tiền để đặt đơn hàng trên hệ thống trên website luôn tăng dần để người bị hại không thể hoàn thành được nhiệm vụ đặt đơn hàng của mình, đồng nghĩa là số tiền mà người bị hại bỏ ra lúc đầu cũng bị mất trắng.
Trong thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng có xu hướng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát bởi loại tội phạm này thường sử dụng các loại phương tiện công nghệ cao, có tổ chức.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như những hạn chế trong việc tiếp xúc với thông tin thời sự và công nghệ mới để lừa đảo. Đáng quan ngại, xu thế dịch chuyển của loại tội phạm này từ khu vực thành thị về các vùng nông thôn ngày càng rõ rệt.
Thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh và điều tra các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder... để kết bạn rồi làm quen với người bị hại. Sau một thời gian quen biết, giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo người bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử. Theo giới thiệu các sàn đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với các nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian.
Thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là phần mềm do nhóm này lập ra. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản, đồng thời các nhóm này cũng khóa các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, Tinder....
Ngoài ra các nhóm lừa đảo còn sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho người bị hại.
Sau khi nối máy, chúng tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án, vụ việc vi phạm luật giao thông đường bộ...
Sau đó nối máy cho người bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án). Các đối tượng thông báo người bị hại có liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang điều tra, nếu không thực hiện theo nội dung các đối tượng đưa ra sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam khiến người bị hại hoang mang, lo sợ và cung cấp thông tin cá nhân, tài sản và làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Cách lừa đảo tiếp theo là đối tượng lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản để giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định hoặc gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu người bị hại truy cập, điền các thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản Internet banking, mã OTP để kiểm tra, xác minh, qua đó các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản Internet banking và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.
Một cách khác là đối tượng sử dụng nền tảng nhắn tin qua mạng để gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản hoặc tiền mặt có giá trị lớn. Sau đó yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Việc chuyển khoản, nạp thẻ phải được thực hiện ngay (trong vòng 60 đến 90 phút) nếu không sẽ không được nhận và giải thưởng sẽ được chuyển cho người khác. Vì tâm lý muốn được nhận giải thưởng có giá trị lớn, nên người người bị hại có tâm lý nôn nóng, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.
Để không bị các loại tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng lưới viễn thông lừa đảo, dụ dỗ; Cơ quan Công an khuyến cáo: Người dân không tin tưởng vào những lời hứa hẹn, gửi tiền quà của những đối tượng "lạ" trên mạng xã hội. Không tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo sinh lời khi không có hiểu biết về công nghệ thông tin và mạng internet.
Người dân cần tỉnh táo trước nhưng thủ đoạn dùng thông tin cá nhân để giả danh các cơ quan nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng… đưa ra nhiều thông tin về đời sống nhằm lừa đảo, xác minh tài khoản để từ đó chuyển tiền cho bọn tội phạm; không đặt mua hàng hóa, giao dịch tài sản khi chưa biết thông tin qua mạng xã hội Zalo, Facebook…; không tham gia vào các trò chơi trực tuyến, dự đoán kết quả có thưởng dẫn đến bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản.
“Hạn chế đăng tải, chia sẻ những thông tin cá nhân, các vấn đề có liên quan đến đời sống cá nhân lên mạng xã hội vì đây có thể là đầu mối để tội phạm liên quan đến công nghệ cao lợi dụng việc tống tiền, phạm tội”, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo.