Lạm phát tại Mỹ có thể đang hạ nhiệt nhờ vào đà giảm của giá xăng trong hơn một tháng vừa qua và các vấn đề chuỗi cung ứng dần cải thiện.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Mỹ tăng 0,2% so với kỳ trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,3% trong tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI được kỳ vọng tăng 8,7%, thấp hơn so với mức tăng kỷ lục hơn 40 năm 9,1% ghi nhận trong tháng 6.
Nếu loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm, CPI được dự báo tăng 0,5% trong tháng 7 so với tháng trước đó khi chi phí thuê nhà và giá dịch vụ đi lên. Tuy nhiên, con số dự báo này vẫn thấp hơn so với mức tăng 0,7% trong tháng 6. CPI cơ bản được dự báo cao hơn so với tháng trước đó, ở ngưỡng 6,1%.
Báo cáo CPI tháng 7 sẽ được công bố vào lúc 8h30 ngày 10/8 giờ ET (21h30 giờ Việt Nam). Nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn tới báo cáo lạm phát hàng tháng nhằm có cái nhìn rõ hơn về mức độ quyết liệt của Fed trong lộ trình tăng lãi suất thời gian tới.
Giới chuyên gia dự báo lạm phát tháng 7 tại Mỹ suy giảm do giá xăng đi xuống trong hơn một tháng qua. Ảnh: Reuters. |
Kỳ vọng về số liệu lạm phát đang giảm
Báo cáo lạm phát được công bố trong thời điểm kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đang trong xu hướng giảm. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ New York (Fed New York), người dân Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ rơi về ngưỡng 6,2% vào năm 2023 và 3,2% trong vòng ba năm tới. Kỳ vọng lạm phát tháng 7 ghi nhận giảm đáng kể so với lần lượt 6,8% và 3,6% trong tháng 6.
Trên thị trường trái phiếu, kỳ vọng lạm phát của nhà đầu tư hiện tại cũng thấp hơn so với một vài tháng trước. Theo Ian Lyngen, Trưởng bộ phận lãi suất thị trường Mỹ tại BMO Capital Markets, mức lợi suất hòa vốn đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3,07% vào đầu năm 2022 xuống 2,5% ở thời điểm hiện tại. Điều đó có nghĩa nhà đầu tư dự báo lạm phát trong 10 năm tới ở ngưỡng 2,5%. Ông nhận định chỉ số CPI trong tháng 7 thậm chí có thể thấp hơn so với nhiều người dự báo.
“Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều yếu tố khó lường để chúng ta có thể khẳng định chắc chắn lạm phát đã đạt đỉnh”, ông nói.
Những yếu tố khó lường
Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, dự báo CPI toàn phần Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước và 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. “Đây vẫn là mức lạm phát cao một cách khó chịu, nhưng ít nhất, mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng. Tôi cho rằng mức tăng 9,1% trong tháng 6 là đỉnh của lạm phát… nhưng điều đó vẫn phụ thuộc lớn vào diễn biến giá dầu trong thời gian tới”, ông chia sẻ.
Dầu mỏ là một trong những yếu tố khó lường ảnh hưởng tới lạm phát dù giá mặt hàng này liên tục giảm thời gian gần đây. Giới chuyên gia vẫn đưa ra những đánh giá trái chiều đối với triển vọng giá dầu nửa cuối năm nay. Giá dầu sẽ phụ thuộc lớn vào các sự kiện địa chính trị và mức độ chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Trong tháng 8, giá dầu rơi xuống ngưỡng thấp nhất kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra với giá dầu WTI hiện được giao dịch quanh ngưỡng 90 USD/thùng, giảm gần 40 USD so với đỉnh ghi nhận hồi tháng 3.
Giá xăng tại Mỹ giảm trong suốt tháng 7 và đầu tháng 8, hiện thấp hơn 1 USD so với đỉnh 5,01 USD/gallon xác lập vào ngày 14/6. Trong ngày 10/8, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ ở ngưỡng 4,01 USD/gallon, theo dữ liệu từ Hiệp hội ôtô quốc gia (AAA).
|
Giá xăng trung bình tại Mỹ hiện ở ngưỡng 4,01 USD/gallon. Ảnh: AAA. |
Ở chiều ngược lại, chi phí nhà ở được dự báo tiếp tục tăng lên trong tháng 7. Tháng trước đó, giá thuê nhà tăng 0,8% so với tháng 5, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1986. “Giá thuê nhà sẽ tiếp tục neo cao, ít nhất cho tới năm sau”, Zandi nhận định. Tuy nhiên, các nút thắt chuỗi cung ứng dần được nới lỏng và nhu cầu đang đi xuống đồng nghĩa với việc đà tăng chi phí thuê nhà sẽ chững lại trong thời gian tới.
“Có bốn yếu tố tác động kéo lạm phát lên cao ở thời điểm hiện tại. Đầu tiên, giá hàng hóa tăng cao từ đầu năm nhưng đang có dấu hiệu đi xuống. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng cũng đang dần cải thiện. Nhưng chúng ta vẫn còn đó một thị trường lao động và nhà ở tương đối nóng, và các yếu tói có đóng góp lớn làm gia tăng lạm phát dịch vụ tại Mỹ”, theo Aneta Markowska, Kinh tế trưởng tại Jefferies. “Tình trạng này sẽ không sớm được thay đổi cho tới khi Fed có thể kéo giảm nhu cầu thị trường”.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cần phải thấy lạm phát đang giảm một cách bền vững. Báo cáo lạm phát lần này chỉ là một dữ kiện đơn lẻ và ngân hàng trung ương Mỹ cần phải tiếp tục đánh giá báo cáo việc làm và lạm phát tháng 8 trước khi đưa ra quyết định lãi suất cuối cùng trong kỳ họp tháng 9. Tháng trước, kinh tế Mỹ có thêm 528.000 việc làm mới, cao gấp đôi so với dự báo của giới chuyên gia.
“Báo cáo lạm phát tháng 7, báo cáo lạm phát và việc làm tháng 8 góp phần không nhỏ giúp Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%, giống như trước khi báo cáo việc làm được công bố, hoặc 0,75%, tương tự hai lần tăng lãi suất trước, trong kỳ họp tới”, Lyngen (BMO Capital Markets) nói.
Trọng Đại
NDH
Xem thêm: nhc.70344709101802202-teihn-ah-oc-ueil-ym-iat-tahp-mal/nv.zibefac