Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất của một công ty ở Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp về phục hồi sau đại dịch
Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" được tổ chức hôm nay 11-8 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 địa phương.
Đây là hội nghị đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp có quy mô lớn, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Hội nghị với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ hiến kế, đưa ra những giải pháp phù hợp, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp để sớm phục hồi, vượt qua những khó khăn của đại dịch, góp phần cho phát triển kinh tế.
Đánh giá từ các bộ ngành cho hay dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động từ đại dịch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129.000 tỉ đồng. Năm 2021, tổng quy mô hỗ trợ khoảng 145.000 tỉ đồng. Năm 2022, dự kiến thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỉ đồng.
Xem xét đề xuất tiếp tục hỗ trợ lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Theo chương trình, sáng 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú (Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Sau đó sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Vào buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Tiếp đó sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết 03 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cuối buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc phiên họp này.
Chiều nay giá xăng có khả năng giảm thêm khoảng 1.000 đồng/lít
Giá xăng có khả năng giảm thêm 1.000 đồng/lít sau kỳ điều hành chiều nay 11-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết thị trường dầu thô và xăng dầu thành phẩm đều giảm. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu vào kỳ điều hành chiều nay (11-8) dự kiến sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/lít.
Mức giảm có thể sâu hơn nếu giá xăng dầu thành phẩm tiếp tục giảm hoặc cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn ở mức thấp thay vì 800 - 950 đồng/lít như các kỳ trước.
Sau 4 lần giảm giá, xăng RON95-III đã giảm 22% so với đỉnh điểm vào ngày 21-6 (32.870 đồng/lít), hiện xuống còn 25.600 đồng/lít.
Khoảng 3,35 triệu người được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tính đến ngày 9-8, có trên 3,16 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại 61 tỉnh thành được xác nhận đủ điều kiện nhận hỗ trợ tiền thuê nhà với mức 500.000 đồng/tháng (tối đa 3 tháng) từ quyết định 08 (gói 6.600 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, hơn 196.000 lao động đi làm trở lại đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà tại 51 tỉnh thành với mức 1 triệu đồng/tháng (tối đa 3 tháng) cũng được cơ quan này xác nhận để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tập trung cống hiến cho doanh nghiệp. Như vậy, khoảng 3,35 triệu người sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà.
Con số này gần "chạm" mốc 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách từ gói 6.600 tỉ đồng như dự kiến của Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Tuy nhiên, hiện tiến độ giải ngân gói 6.600 tỉ còn chậm, tính đến ngày 6-8 mới đạt 8,36%.
Được biết, hôm nay 11-8, Hội nghị giao ban đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 61 tỉnh thành, trừ Lai Châu và Điện Biên (không có đối tượng thụ hưởng).
Bình Dương thiếu hơn 3.100 giáo viên, nhiều người nghỉ vì thu nhập thấp
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong thông tin tại buổi họp báo - Ảnh: TTXVN
Ngày 10-8, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng của năm 2022, một vấn đề đáng chú ý được phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong thông tin đó là tình trạng giáo viên nghỉ việc gia tăng do thu nhập thấp.
Cụ thể, theo ông Phong, từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022 đã có 527 giáo viên nghỉ việc, chủ yếu là giáo viên khối tiểu học và mầm non dù đã công tác nhiều năm. Nguyên nhân là do giáo viên mới được tuyển dụng hệ số lương 2,34 có tổng tiền lương hằng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều và thấp hơn cả lương của nhân viên, người lao động mới ký hợp đồng (vì họ được hợp đồng theo mức lương tối thiểu vùng).
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương đang thiếu hơn 3.100 giáo viên, trong đó khối tiểu học thiếu nhiều nhất với hơn 1.000 giáo viên, tiếp đến là giáo dục mầm non.
Trong khi đó, năm học 2022-2023 dự kiến có khoảng 527.102 học sinh, tăng thêm 29.922 học sinh so với năm học 2021-2022. Việc dân số tăng nhanh dẫn đến gia tăng áp lực về mọi mặt đối với địa phương, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu học tập...
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã
Công an TP Hà Nội vừa có văn bản khuyến cáo người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, chủ hộ gia đình và người dân thực hiện một số quy định bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những dịp lễ.
Theo Công an TP Hà Nội, từ trước tới nay đã ghi nhận không ít những vụ cháy xảy ra mà nguyên nhân chính là do việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã gây ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần phải được tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy hơn bao giờ hết.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những dịp lễ, Tết, mùng một, ngày rằm, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện; bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy…; khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ...
Việt Nam nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống đậu mùa khỉ
Ngày 10-8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.
Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới. Đồng thời, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc.
Cục Quản lý dược sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc này theo đúng quy định.
TTO - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng sớm nay (11-8), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2 (bão Mulan) đã đi vào khu vực các tỉnh thành Quảng Ninh - Hải Phòng.