Giá cả tăng cao dường như không tác động nhiều đến cuộc sống của những người giàu. Trong khi hàng triệu người đang băn khoăn làm thế nào để chi trả đủ những hóa đơn năng lượng tăng vọt lên khoảng 1.000 USD trong năm nay thì những người giàu vẫn vung tiền vào những thứ xa xỉ như những chiếc túi xách hàng hiệu trị giá tới 10.000 USD.
Một loạt doanh nghiệp tiêu dùng, từ tập đoàn rượu mạnh Diageo đến hãng túi xách cao cấp Hermes đều cho biết đang kiếm đậm nhờ bán những món hàng hóa đắt đỏ nhất. Họ hy vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Lạm phát "nóng" là ác mộng của nhiều người (Ảnh: AP).
Báo cáo của Hermes cho thấy, hãng túi xách cao cấp này đã chứng kiến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu hàng quý đạt mức kỷ lục tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6.
Chủ tịch Hermes, ông Axel Dumes, cho biết, dù công ty đã áp dụng chính sách tăng giá 4% đối với mọi sản phẩm, doanh thu của Hermes không hề chững lại ở bất kỳ khu vực nào.
Nhà sản xuất ô tô Renault cũng cho biết họ tập trung vào chiến lược chất lượng hơn số lượng. Cụ thể, công ty sẽ tập trung vào việc bán những mẫu xe có lợi nhuận cao hơn, với hy vọng tỷ suất lợi nhuận cả năm sẽ tăng mạnh.
Bất chấp lạm phát, người giàu vẫn vung tiền chi tiêu cho các thương hiệu xa xỉ (Ảnh: Reuters).
Đà tăng lãi suất, lạm phát cao cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài làm dấy lên lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái. Do đó, nhiều người tiêu dùng đang chuẩn bị cho kịch bản nền kinh tế suy thoái trong mùa đông năm nay.
Tại Anh, hóa đơn năng lượng của một hộ gia đình trong tháng 10 dự kiến tăng từ 1.277 bảng Anh hồi đầu năm nay lên hơn 3.500 bảng Anh. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí sinh hoạt tăng vọt có thể đẩy hàng trăm nghìn người vào tình trạng nguy hiểm về tài chính và không đủ khả năng chi tiêu cho những nhu cầu khác.
Các công ty thực phẩm và đồ tiêu dùng như Nestle, Unilever chia sẻ họ đang trong thế khó khi các siêu thị từ chối tăng giá các mặt hàng thiết yếu vì lo ngại doanh số giảm mạnh.
"Không phải tất cả công ty đều có thể tăng giá, chỉ những công ty danh tiếng có giá bán sản phẩm cao mới có thể làm được điều đó", chiến lược gia đầu tư Wei Li thuộc Viện đầu tư BlackRock chia sẻ với Reuters.
Trong khi các khoản tiết kiệm của những người tiêu dùng giàu có đang giảm đáng kể do lạm phát, họ vẫn chọn lối sống tự do ngay sau khi các biện pháp hạn chế dịch COVID-19 được nới lỏng.
Tập đoàn IAG, chủ sở hữu của hãng hàng không British Airways, báo lãi lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xảy ra nhờ nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong quý II. Theo đó, doanh số trong 6 tháng đầu năm nay của IAG đạt 9,35 tỷ euro, tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước.
"Chúng tôi chứng kiến mức tăng trưởng cao trong giai đoạn phục hồi", ông Ivan Menezes, giám đốc điều hành của hãng rượu Diageo chia sẻ và cho biết việc mở cửa trở lại du lịch đang thúc đẩy doanh số tăng mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17081155111802202-uaig-iougn-neuq-ob-tahp-mal-ix-ax-od-ueih-gnah-aum-neit-gnuv/et-hnik/nv.vtv