Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị ngành y tế tỉnh Bạc Liêu không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh cho người dân - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiều 11-8 đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tỉnh này. Tại buổi gặp gỡ, thu nhập của lực lượng ngành y tế là vấn đề được phản ảnh khá nhiều.
Ông Bùi Quốc Nam - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu - cho biết các chế độ đãi ngộ, chính sách về lương, phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; biên chế được giao ít, trong khi áp lực công việc quá lớn, đặc biệt là khi dịch COVID-19 xảy ra thời gian qua.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc, bỏ việc có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây ở Bạc Liêu (năm 2020 có 26 cán bộ y tế bỏ việc, năm 2021 là 33 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 28 trường hợp).
Ông Lê Lý Nhân, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, cho hay mức lương điều dưỡng mới ra trường khoảng 3 triệu đồng/tháng, nếu trực 24/24 giờ ở bệnh viện hạng 2 là 90.000 đồng/kíp trực, ưu đãi nghề 60% đối với khoa cấp cứu (khoa khác là 40%), tổng thu nhập khoảng 4,7 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm ra trường, thu nhập của điều dưỡng khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
"Với mức lương như vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, chưa kể đến việc phải nuôi con ăn học, chi phí nhà ở. Vì vậy, tôi kiến nghị có chính sách hỗ trợ tăng thêm thu nhập để chúng tôi an tâm công tác", ông Nhân nói.
Bác sĩ Phan Phong Phú (Bệnh viện Quân dân y tỉnh Bạc Liêu) cũng cho biết sau cao điểm dịch COVID-19, tại một số cơ sở y tế công lập, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công ồ ạt nghỉ việc.
"Điều này nếu không có những biện pháp căn cơ sẽ dẫn đến sự xáo trộn nhanh về nhân sự trong hệ thống y tế công, muốn cán bộ ngành y bám trụ với nghề, lương cần phải đủ sống và lo được cho gia đình thì họ mới yên tâm công tác, nhất là tiền lương, chế độ đãi ngộ với tuyến y tế cơ sở, cán bộ y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa", bác sĩ Phú nói.
Bác sĩ Phú đề xuất đầu tư và nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, cần biên chế đối với tất cả các bác sĩ tuyến huyện, nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế.
Bác sĩ Phan Phong Phú cho rằng muốn cán bộ ngành y bám trụ với nghề, lương cần phải đủ sống và lo được cho gia đình - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sau khi nghe các ý kiến, ông Lữ Văn Hùng, bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đề nghị các sở ngành liên quan tham mưu cho tỉnh giải quyết những khó khăn của ngành y sớm nhất có thể, ngay trong năm 2022.
Ông Hùng cũng yêu cầu ngành y tế tỉnh Bạc Liêu không được để thiếu thuốc điều trị bệnh cho người dân. Về đấu thầu, trước khi có sửa đổi các quy định, hiện tại phải làm đúng quy định, tránh để ra sai sót.
"Đừng có sợ. Chỉ có khi 'đạp chân' gì đó mới sợ, chứ làm đúng quy định mà sợ gì. Một số nơi có sai phạm, sai phạm thì phải xử. Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, có công thì thưởng, có tội thì phạt, phải lo cho sức khỏe của người dân là trên hết", ông Hùng nhấn mạnh.
Đề xuất giao đấu thầu cho đơn vị chuyên trách
Ông Trần Thanh Tùng - phó giám đốc CDC Bạc Liêu - đề nghị giao lĩnh vực đấu thầu cho đơn vị chuyên trách, các nhân viên y tế chỉ làm công tác chuyên môn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Trần Thanh Tùng - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu - cho biết "cán bộ CDC Bạc Liêu, nhất là trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế, có tâm lý lo lắng, không dám làm vì ngại sai, làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó, sợ bị giải trình. Bên cạnh đó, một số gói thầu hiện nay một số nhà thầu không mặn mà cung cấp, có gói thầu 34 món, sau 2-3 lần đăng đấu thầu, nhà thầu cung cấp 2 món.
Cán bộ y tế chỉ làm công tác chuyên môn. Đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế đề nghị giao cho đơn vị chuyên trách lo đấu thầu cho ngành y tế", ông Tùng kiến nghị
TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng "dịch bệnh đã lắng xuống rồi thì phải tập trung cải cách tiền lương" để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.