Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) và người đồng cấp Thụy Sĩ trong một cuộc gặp hồi tháng 5 - Ảnh: AFP
Thụy Sĩ có truyền thống ngoại giao lâu đời trong việc đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia có quan hệ đối đầu nhau.
Kiev đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Matxcơva sau khi Nga đưa quân vào nước này ngày 24-2 dưới danh nghĩa "chiến dịch quân sự đặc biệt" và công nhận 2 vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông.
Hôm 10-8, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết Bern đã nhận được yêu cầu từ Kiev là để Thụy Sĩ làm đại diện cho các lợi ích của Ukraine tại Nga.
Trong cuộc họp báo ngày 11-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechayev xác nhận chính quyền Bern đã ngỏ ý với Matxcơva về vấn đề trên.
Tuy nhiên ông Nechayev tiết lộ Nga đã từ chối Thụy Sĩ, xét tới những động thái của nước này trong mấy tháng qua.
"Chúng tôi đã trả lời rất rõ ràng rằng Thụy Sĩ đã đánh mất vị thế của một quốc gia trung lập và không thể đóng vai trò trung gian hay đại diện gì nữa. Chính quyền Bern đã tham gia các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây nhằm chống lại Nga", ông Nechayev giải thích thêm.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng tỏ vẻ khó hiểu khi Bern một mặt ủng hộ Kiev và lên án Matxcơva, mặt khác lại muốn hành xử như một quốc gia trung lập và có thiện chí.
Các phương tiện truyền thông Thụy Sĩ trước đó đưa tin mục tiêu chính của Thụy Sĩ khi đề xuất với Nga là nhằm giúp những người Ukraine sống ở Nga có thể nhận các dịch vụ lãnh sự từ Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Matxcơva.
Lần đầu tiên Thụy Sĩ đóng vai trò trung gian, đại diện cho lợi ích các quốc gia khác đang đối đầu nhau là trong chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870 - 1871.
Kể từ thời điểm đó, quốc gia giàu có nằm trên dãy Alps này đã hàng trăm lần làm nhiệm vụ trung gian. Hiện Thụy Sĩ đang đại diện cho lợi ích ngoại giao của một loạt quốc gia bao gồm lợi ích của Nga ở Georgia và ngược lại.
TTO - Ngày 8-8, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga, Ukraine trao quyền tiếp cận Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho thanh tra quốc tế về hạt nhân.