Nhiều TikToker cho rằng chỉ chia sẻ trải nghiệm, cảm nhận của mình về thức ăn, dịch vụ của hàng quán nào đó nhằm góp ý cho nhà hàng, quán ăn đó. Tuy nhiên, chủ nhà hàng, quán ăn đã "phản pháo" cho rằng hành động này gây thiệt hại cho nhà hàng, quán ăn của họ.
Vậy dưới góc độ pháp lý, vấn đề này được nhìn nhận ra sao?
Nhiều chủ nhà hàng "khóc ròng" với TikToker
Ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập chuỗi Lẩu gà 109 (TP.HCM) - cho rằng hiện nay các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, quán ăn... thật sự rất áp lực với những người dùng mạng xã hội với mục đích chỉ để "nâng tầm hay trù dập một đơn vị nào đó".
Theo ông Thịnh, đã làm nghề dịch vụ thì không thể nào tránh khỏi các sai sót, chưa kể khách hàng "chín người mười ý" nên hầu hết các nhà hàng đều có xu hướng thỏa hiệp hoặc cam chịu chứ không thể ngăn cản nổi TikToker.
Do đó, nếu những TikToker không có tâm chỉ cần một chi tiết nhỏ... cũng dễ dàng "bốc phốt", "câu view", tạo vấn đề gây tranh luận để được nổi tiếng.
"Chúng tôi không dễ dàng để xây dựng được một thương hiệu tốt, nhưng bằng cách nào đó nhiều TikToker lại cho mình cái quyền như định đoạt số phận nhà hàng là điều không công bằng, thậm chí góc độ nào đó không phù hợp với quy định pháp luật.
Nhà hàng luôn cầu thị nhưng chỉ một thông tin tiêu cực được phát đi thì có thể dìm chết một đơn vị kinh doanh, dù đúng sai chưa cần bàn tới hoặc người đăng tải có đính chính", ông Thịnh nói.
Ông Hà Bình Kha - chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp) - cho biết các trường hợp TikToker đăng bài là do họ chủ động tự làm, chứ đơn vị không mặn mà với cách làm này trong việc đánh bóng thương hiệu.
Theo ông Kha, việc khách hàng đưa ra lời chê khen là chuyện bình thường và người bán cũng sẵn sàng cầu thị nếu góp ý đó mang tính xây dựng, đúng thực tế.
Còn những TikToker hay các cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, lợi dụng để phản ánh không trung thực, thiếu khách quan, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của quán thì pháp luật cần có những chế tài thích đáng.
Hành động này không khác nhiều so với việc bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác mà pháp luật đã quy định.
Tuy nhiên, ông Kha cho rằng sở dĩ TikToker có được quyền "định đoạt" số phận nhà hàng, quán ăn... hiện nay chủ yếu do người dùng mạng xã hội thiếu chính kiến, mang tâm lý đám đông quá nhiều nên dễ dàng bị dẫn dắt để phục vụ cho mục đích riêng của họ.
"Đằng sau một câu chuyện được TikToker phản ánh thường có rất nhiều yếu tố chi phối. Đó có thể là người đăng muốn câu view hoặc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, hoặc giao dịch mua bán. Do đó, câu chuyện được phản ánh chỉ là bề nổi", ông Kha nhận định.
Luật có nhưng khó áp dụng
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay pháp luật chưa có quy định nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Bởi đây là quyền tự do ngôn luận của công dân được Hiến pháp ghi nhận.
Ở khía cạnh khác, các TikToker cũng là khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ đó.
Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo luật sư Mạch, nếu cố tình review sai sự thật, gây thiệt hại cho các chủ nhà hàng, quán ăn thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.
Cụ thể, Luật an ninh mạng 2018 đã quy định rõ về việc cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 15/2020 hoặc xử lý hình sự về các tội như vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Đồng quan điểm, luật sư Võ Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết thêm chủ nhà hàng, quán ăn có thể khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại nếu cho rằng các TikToker đã đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ, gây thiệt hại cho mình.
Tuy nhiên, luật sư Hoan cũng cho rằng trong một số trường hợp, các TikToker chỉ nói lên cảm nhận chủ quan của bản thân họ về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Ví dụ, có những món ăn họ thấy ngon nhưng người khác lại thấy dở và ngược lại, cho nên việc xác định như thế nào là review (đánh giá, nhận xét) sai sự thật rất khó xác định.
Để tự bảo vệ mình, gần đây một số quán ăn, nhà hàng đã có phản ứng bằng cách dán hình, từ chối phục vụ đối với một số TikToker. Về khía cạnh này, luật sư Hoan lưu ý rằng chủ nhà hàng, quán ăn có hành vi "phân biệt đối xử với khách du lịch" thì có thể bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng theo nghị định 45/2019.
Còn luật sư Mạch thì cho rằng chủ quán có thể từ chối TikToker đến quán vì pháp luật không có quy định nhưng việc dán ảnh người khác tại quán của mình là hành vi vi phạm đến quyền hình ảnh.
Vì theo quy định tại điều 32 Bộ luật dân sự 2015, cá nhân có quyền nhân thân với hình ảnh của mình, và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Ngon, dở là cảm nhận của mỗi người
Nhiều người kinh doanh cũng cho rằng việc ăn uống, cảm nhận là cái "gu" riêng của mỗi người, cùng một món ăn nhưng người thấy ngon người thấy dở là chuyện bình thường, không thể chỉ dựa vào một quan điểm cá nhân mà quy kết công hay tội của một đơn vị nào đó.
Do đó, câu chuyện được đăng trên mạng khó phản ánh đúng bản chất vấn đề, trường hợp cá nhân nào muốn biết thì chỉ có cách tự trải nghiệm.
Review khen, chưa chắc đã an toàn!
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Luật quảng cáo năm 2012 và Luật cạnh tranh 2018 đều có quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm.
Cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định số 158/2013 với mức phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng, bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo; buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân; buộc cải chính thông tin.
TTO - Quyền tự do cá nhân được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ không chỉ bằng Hiến pháp mà còn bằng nhiều bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.