Ở từng cấp, từng địa phương, từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học… đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác tuyên truyền luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức các buổi tuyên truyền, mít tinh cổ động, các chương trình sân khấu hóa; in ấn, cấp phát hàng triệu tờ rơi, kẻ vẽ hàng nghìn khẩu hiệu, panô, áp phích; tổ chức hàng nghìn cuộc họp dân; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”.
Nhiều quy chế, chương trình phối hợp liên ngành giữa lực lượng Công an với Ban Dân vận, với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh… đã được ký kết và triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn toàn tỉnh đã ngày càng phát triển sâu rộng; ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân ngày càng được nâng cao; tạo sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng và hành động của Toàn dân trong phong trào bảo vệ ANTQ.
Nổi bật, từ năm 2008 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10, Đề án 375 về củng cố Ban Chỉ đạo; các lực lượng làm công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở và triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT”. Đây là một cách làm mới, một chủ trương lớn, có tầm chiến lược nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phong trào bảo vệ ANTQ, xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới.
Sau 14 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có bước chuyển biến mới, tạo sức lan toả và hưởng ứng mạnh mẽ trong Nhân dân. Các lực lượng làm công tác ANTT ở cơ sở ngày càng được xây dựng, củng cố vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở.
Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình điển hình tiến tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lỗi lầm đã được xây dựng, phát huy hiệu quả và nhân rộng trong toàn tỉnh. Từ cách làm hay của Công an tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc. Đây cũng là tiền đề, là cơ sở quan trọng để Bộ Công an ban hành Thông tư số 23 (nay là Thông tư 124) quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “an toàn về ANTT”.
Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. |
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang duy trì, phát huy hiệu quả gần 500 mô hình tự quản về ANTT. Trong đó, có nhiều mô hình điển hình tiên tiến đã thực sự lan toả trong đời sống, trở thành điển hình tiên tiến, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo tốt ANTT ở địa bàn dân cư, tạo động lực thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng, bền vững, như: mô hình “Camera với ANTT” được xây dựng ở 19/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; mô hình “Doanh nhân với ANTT”, “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” ở huyện Nga Sơn; mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” ở các huyện Hậu Lộc, Nông Cống, Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, thành phố Thanh Hóa; mô hình “3 trên 1” của Hội Cựu chiến binh huyện Thọ Xuân về quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; mô hình “Tổ An ninh công nhân” ở các khu công nghiệp, các công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh; đề án nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý và tạo việc làm cho người được phục hồi công dân; mô hình “Công nhân môi trường - chiến sỹ tuần tra” ở thành phố Thanh Hóa; “Nhà trường văn hóa, an toàn về ANTT”…
Bên cạnh việc phát huy hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương cán bộ và quần chúng Nhân dân tiêu biểu, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng phục vụ Nhân dân. Điển hình như: tấm gương ông Hồ Đắc Hải, ở xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân mặc dù bị đối tượng chém trọng thương nhưng vẫn dũng cảm truy bắt tội phạm đến cùng. Anh Nguyễn Toàn Thắng, ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa mưu trí, dũng cảm bắt giữ 02 đối tượng cướp tài sản. Ông Phạm Ngọc Chiêng, ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn suốt hơn 15 năm tự trang bị, sử dụng xe loa lưu động để tuyên truyền pháp luật cho bà con. Linh mục Trần Xuân Mạnh triển khai mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa” qua đó vận động quần chúng giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, đoàn kết lương - giáo tại địa phương. Nhân dân và lực lượng Công an xã Yên Dương, huyện Hà Trung đã có thành tích xuất sắc trong vụ bắt giữ đối tượng Triệu Quân Sự….
Qua 17 năm thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (2005 - 2022), quần chúng Nhân dân trong tỉnh đã cung cấp cho chính quyền và lực lượng Công an các cấp hơn 100 nghìn nguồn tin liên quan đến ANTT, tố giác gần 20 nghìn đối tượng vi phạm pháp luật, bắt trên 05 nghìn đối tượng phạm pháp hình sự, vận động khoảng 02 nghìn đối tượng truy nã ra đầu thú; hoà giải 31 nghìn vụ việc nhỏ ở cơ sở, cảm hoá giáo dục trên 05 nghìn đối tượng vi phạm pháp luật, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn đối tượng, trong đó đã có hàng nghìn đối tượng tiến bộ đưa ra khỏi diện quản lý ở địa phương. Triệt xoá hàng nghìn ổ nhóm tội phạm hình sự, ma tuý, hàng trăm tụ điểm phức tạp về ANTT. Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT, đồng thời cũng khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Lãnh đạo Công an tỉnh tham gia Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy. |
Trong công tác, chiến đấu, có nhiều tấm gương Công an xã chính quy và Công an xã bán chuyên trách đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Tiêu biểu như: Liệt sĩ Ngô Sỹ Đăng, nguyên Trưởng Công an xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; Liệt sĩ Trần Mạnh Tùng, Phó trưởng Công an xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân hy sinh trong khi truy bắt tội phạm. Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn huyện Mường Lát hy sinh khi giúp dân chống bão. Đồng chí Vi Văn Luân, Công an viên xã Pù Nhi, huyện Mường Lát hy sinh khi truy bắt tội phạm ma tuý….
Có thể khẳng định, sau 17 năm thực hiện “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, với những cách làm cụ thể, thiết thực và sáng tạo của các lực lượng Công an trong tỉnh Thanh Hóa cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành, đoàn thể và tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, ngày 19/8 hằng năm thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, góp phần tạo sức lan tỏa, huy động sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác bảo đảm ANTT, xây dựng khu dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương./.