Lễ cài hoa hồng mùa Vu lan - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Xoay quanh câu chuyện "tháng cô hồn" theo quan niệm dân gian và mùa Vu lan - báo hiếu trong tín niệm của người con Phật, TS Dương Hoàng Lộc cho rằng, khi con người biết kiêng kỵ họ sẽ biết giữ mình trong khuôn phép, sống có trách nhiệm hơn...
TS Dương Hoàng Lộc - Ảnh: Nhân vật cung cấp
* Dân gian quan niệm tháng bảy âm lịch là "tháng cô hồn", nhiều xui rủi, điều này có đúng không?
- Kiêng kỵ là văn hóa dân gian, truyền miệng từ đời này qua đời khác và được người ta tin theo. Theo đó, tháng bảy âm lịch là thời điểm kiêng kỵ, tháng không cưới gả, khai trương, làm nhà… để đề phòng bất trắc xảy ra - được đông đảo người dân thực hành.
Tháng bảy gắn liền với Phật giáo, lễ Vu lan, là thời gian thiêng với những người phật tử cũng như người có tình cảm với Phật giáo, lan rộng thành nét văn hóa cộng đồng. Trong dòng chảy văn hóa đó, bên cạnh kiêng kỵ, tháng bảy cũng là tháng người Việt tích cực làm các việc thiện.
Dân gian mình quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", từ đó nhắc nhở con người biết dừng trước các việc không tốt, tích cực hướng thiện, hướng thượng. Do vậy, kiêng kỵ trong đời sống con người cũng tốt, bởi qua đó con người còn biết sợ một cái gì đó để không vượt qua ranh giới của cái xấu cái ác. Đây là hành vi văn hóa trong tháng bảy của cộng đồng.
* Như ông vừa chia sẻ, tháng bảy còn là mùa Vu lan - báo hiếu. Ông có thể chia sẻ thêm nét đẹp của tháng bảy âm lịch trong ý nghĩa này?
- Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, văn hóa người Việt. Trong Phật giáo, lễ Vu lan đúng nghĩa là mùa Tự tứ - chư tăng ni kết thúc khóa An cư kiết hạ - là cái Tết của nhà chùa, mừng tuổi đạo.
Ngoài ra, với tích Mục Kiền Liên báo hiếu, trong tinh thần hiếu đạo, nhờ lực tu của chư tăng trong mùa An cư kiết hạ để cứu mẹ mình là bà Thanh Đề. Qua văn hóa dân gian thì tháng Vu lan là tháng Hiếu đạo, đây là chất dẫn cho tháng bảy thành mùa hiếu đạo ăn sâu trong nếp nghĩ, trong cách ứng xử của cộng đồng.
Hiếu đạo không phải nói suông, mỗi người phải bày tỏ qua những việc làm cụ thể như quan tâm chăm sóc ông bà cha mẹ còn sống; đối với ông bà đã mất thì thăm viếng, thắp hương, ghi danh cầu siêu, làm thiện để hồi hướng.
Tinh thần hiếu đạo này là kết quả của sự kết hợp tinh thần hiếu đạo của nhà Phật và hiếu của truyền thống văn hóa Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - lan tỏa đến cộng đồng.
Tháng bảy trong quan niệm "xá tội vong nhân", người Việt còn bày tỏ lòng từ bi thông qua lễ cúng cô hồn - chăm lo không chỉ việc thiện cho người sống mà còn cả người mất, hướng đến các hương linh liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn…
Có thể nói, từ bi đối với người sống, người chết là giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc chúng ta.
* Thời hiện đại, theo ông cần thể hiện lòng hiếu như thế nào?
- Bổn phận của con cái là hiếu. Như lúc nãy đã nói, thể hiện bằng chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho cha mẹ, ông bà. Tuy nhiên, hiếu không phải một chiều. Cha mẹ cũng cần có trách nhiệm với con cái thông qua giáo dưỡng.
Khi nhận được tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ một cách đủ đầy, đúng đắn thì người con ấy mới có thể phát huy lòng hiếu của mình được. Cha mẹ quan tâm con, con hiếu cha mẹ, đó là đạo lý mang tính hai chiều. Do đó, có thể thấy, đạo hiếu giúp vun đắp hạnh phúc gia đình.
Còn cách báo hiếu, tùy vào hoàn cảnh gia đình, tùy văn hóa, nhận thức mà thể hiện khác nhau. Đó có thể là con cái ở gần, làm hài lòng các đấng sinh thành, làm tròn ước nguyện lớn của cha mẹ, thành đạt trong cuộc sống… hoặc làm lợi ích cho cộng đồng, trở thành niềm tự hào của dòng tộc.
Dù làm gì, theo tôi, quan trọng là con cái biết quan tâm cha mẹ, chia sẻ… làm cha mẹ cảm thấy bình an, hạnh phúc. Còn Phật giáo thì cho rằng hướng cha mẹ đến con đường sống thiện, biết tu hành để bình an.
Đại đức THÍCH TUỆ MINH - trưởng Ban hướng dẫn phật tử Phật giáo tỉnh Nghệ An:
Hiếu không có mùaĐại đức Thích Tuệ Minh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mùa Vu lan - báo hiếu là dịp để nhắc nhở tất cả mọi người sống trên cõi đời này cần phải thực hành vẹn tròn hiếu hạnh đối với đấng sinh thành. Hiếu hạnh cũng chính là thước đo cho phẩm hạnh đạo đức của mỗi người dù thời đại nào, ở phương Tây hay phương Đông.
Theo quan niệm nhà Phật, cách tốt nhất để tri ân, báo ân tổ tiên, cha mẹ hiện tại của mình là mỗi người ngoài những sự thể hiện yêu thương, chăm sóc chu đáo cha mẹ còn cần phải biết tiếp nối những hoài bão cao đẹp của tổ tiên, của cha mẹ để làm rạng rỡ tông phong.
Hiện nay, do hoàn cảnh xã hội, do nhiều yếu tố về thời đại nên cách báo hiếu cũng sẽ được thể hiện khác nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ta khỏe mạnh, vui vẻ, có cuộc sống an yên, học hành, công việc không lo lắng quá nhiều, biết hành thiện tích đức, tránh xa các tệ nạn xã hội… Đó là cách thực hành lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Trong tinh thần đó, mỗi người sẽ ý thức sống tích cực, để ngày nào cũng là ngày Vu lan - báo hiếu, chứ không phải đợi tới tháng bảy mới bày tỏ hiếu ân. Đây chính là thông điệp sâu sắc nhất mà Phật giáo muốn gửi gắm thông qua đại lễ ý nghĩa này.
HỮU TÌNH ghi
TTO - Nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Sơn cùng diva Thanh Lam, các ca sĩ Thái Thùy Linh, Quách Beem, Thành Long, Mai Trần Lâm… sẽ hát về công ơn sinh thành của cha mẹ trong chương trình nghệ thuật 'Ơn nghĩa sinh thành' nhân mùa Vu lan báo hiếu.
Xem thêm: mth.63542322121802202-gnouht-gnouh-av-neiht-ceiv-mal-na-ueih-ohn-cahn-yab-gnaht/nv.ertiout