Tại tọa đàm về giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt "bão giá" sáng 12/8, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho biết, vướng mắc hiện nay chưa giải quyết ngay là việc các địa phương công bố giá và chỉ số điều chỉnh chậm, gây khó khăn cho nhà thầu, trong bối cảnh giá vật liệu tăng mạnh. Hiện nay công tác này được giao cho các địa phương, nên ông Chủng đề nghị Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải hỗ trợ để địa phương công bố sớm nhất.
Ngoài ra, các địa phương mới xây dựng đơn giá của các công trình cấp 1 hoặc quốc lộ, huyện lộ, tỉnh lộ, chưa có đơn giá cho cao tốc, trong khi xây dựng cao tốc đòi hỏi chất lượng vật liệu cao hơn nên cần có chỉ số giá riêng.
"Các bộ cần sớm thống nhất xây dựng bộ giá riêng cho đường cao tốc, có cơ chế đặc thù để bù giá, đây là thuốc tăng lực cho nhà thầu trong lúc khó khăn", ông Chủng nói.
Là đơn vị trực tiếp thi công một số dự án cao tốc Bắc Nam, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4, bày tỏ dịch bệnh và "bão giá" khiến các doanh nghiệp đang "chết dần chết mòn", trong khi các dự án bị thúc tiến độ.
Trước đây, một số địa phương chậm công bố giá, như Thừa Thiên Huế, năm 2021 mới có chỉ số giá của năm 2020, đến nay đã cải thiện hơn nhưng cũng mới công bố đến quý I năm 2022. Các địa phương khác như Bình Thuận, Nghệ An đã công bố đến tháng 7/2022.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là chỉ số giá được công bố chưa bù đắp được chi phí nhà thầu phải gánh thực tế. Ví dụ, dự án Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai), nhà thầu tính toán trượt giá khoảng 23%, địa phương bù giá 11%; dự án Cam Lộ - La Sơn (Thừa Thiên Huế) được bù giá tăng 0,3% nhưng nhà thầu tính toán trượt giá gần 10%.
"Các địa phương đang tổng hợp và đưa ra chỉ số giá một số công trình chung trên địa bàn, nhưng dự án cao tốc có tiêu chuẩn vật liệu cao, chi phí lớn hơn", ông Thọ nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết Chính phủ và bộ ngành, địa phương đã có giải pháp quyết liệt, bắt đầu từ cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 đã đẩy giá vật liệu tăng cao, như giá thép, có thời điểm lên tới 40%.
Các địa phương đã rà soát, công bố giá nguyên vật liệu kịp thời theo diễn biến thị trường. Hiện tại có 44 địa phương công bố theo tháng; 19 địa phương theo quý. Tới đây, các địa phương còn lại cũng điều chỉnh công bố theo tháng hoặc theo diễn biến thị trường.
Với các dự án đường cao tốc, hầu hết hợp đồng được điều chỉnh khi giá biến động. Một số hợp đồng được xác định giá trước năm 2020 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), hoặc hợp đồng nhỏ theo giá trọn gói sẽ không được điều chỉnh giá.
Để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, Bộ Xây dựng đã rà soát hướng dẫn chủ đầu tư, các ban quản lý dự án để được hỗ trợ hoặc điều chỉnh. Chẳng hạn, nhà thầu được bổ sung chi phí chống dịch nhưng nhiều ban quản lý dự án, nhà thầu chưa nắm rõ.
Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ để đưa vào kiến nghị lên Quốc hội xem xét trường hợp bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản đối với tình hình tăng giá đột biến như hiện nay.
Ông Tuấn nêu giải pháp nữa là Bộ Xây dựng đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, công bố trên hệ thống chung cho cả 63 tỉnh thành. Khi dữ liệu này được đưa vào sẽ đạt được sự minh bạch, liên tục cập nhật giá, các chủ đầu tư, nhà thầu đều được đăng nhập, tránh trường hợp công bố chậm. Dự kiến quý IV, năm nay Bộ Xây dựng sẽ công bố cơ sở dữ liệu này.
Ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức và Đơn giá, Cục Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng nói thêm, về xây dựng chỉ số giá đường cao tốc, chủ đầu tư cũng như nhà thầu khi ký hợp đồng đều có thể xác định chỉ số giá riêng cho các hợp đồng, phù hợp với đặc thù cũng như tiêu chí yêu cầu kỹ thuật, tỷ trọng của các loại vật liệu, nhân công tham gia.
Với đề xuất Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông về xây dựng chỉ số giá cho các dự án đường cao tốc, các đơn vị có thể thực hiện được bằng chỉ số giá mà Bộ Xây dựng đã ban hành, cũng như các yếu tố đặc thù từ thiết kế, phân các gói thầu thi công của từng công trình.
Hai năm qua, giá nguyên vật liệu xây dựng cao tốc như sắt thép, nhựa đường, đất đắp đều tăng khiến giá thực hiện các gói thầu dự án cao tốc Bắc Nam đội 20-30% so với giá trúng thầu, khiến nhiều nhà thầu lâm cảnh thua lỗ.
Đoàn Loan