Ngày 12-8, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, xác nhận Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS- THPT huyện Đắk R’lấp đánh giá năn học 2019 -2020, cô giáo KTG không hoàn thành nhiệm vụ.
Lý do cô G liên quan đến nhiều nội dung, trong đó có sử dụng mạng xã hội Facebook đăng các hình ảnh, clip chưa được kiểm chứng.
Chia sẻ thông tin của trường lên Facebook
Năm học 2021-2022, cô G bị đánh giá ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ và vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS- THPT huyện Đắk R’lấp yêu cầu cô G. viết cam kết dừng đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng của trường lên mạng xã hội Facebook. Nếu cô G. không thực hiện và tiếp tục tái phạm, trường sẽ thực hiện tinh giảm biên chế theo quy định. Tuy nhiên, cô giáo này không đồng ý ký cam kết.
Sau đó, trường tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về thực hiện tinh giảm biên chế. Theo cô G., tại cuộc họp này có 4/25 người biểu quyết (bằng giơ tay) thống nhất thực hiện tinh giảm biên chế đối với cô.
Nơi công tác của cô KTG. Ảnh: VLX |
Cô G. cho rằng việc làm này của lãnh đạo Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Đắk R’lấp là không đúng quy định, có dấu hiệu trù dập cá nhân.
“Thời gian qua, tôi yêu cầu trường giải trình một số vấn đề về chi tiêu tài chính. Như khoản chi công tác phí cho giáo viên năm nay thấp hơn năm trước; học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số của trường chỉ được nhận hơn 1,1 triệu đồng, trong khi một số trường khác học sinh được nhận cao hơn. Bức xúc những chuyện này, tôi đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội” - cô G kể.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS- THPT huyện Đắk R’lấp đánh giá cô G. từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành nhiệm vụ trong năm học 2021-2022.
Lý do là cô G. đã ghi âm, ghi hình hội nghị của trường dù chủ trì hội nghị nhắc nhở nhiều lần không được làm. Còn năm học trước đó, cô giáo này bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ do "có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị"…
Nhiều lần tái phạm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Đắk R'lấp, nói cô G. đã chia sẻ nhiều bài viết có nội dung không tốt, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội. Năm trước, cô giáo này chia sẻ, phát tán hình ảnh, thông tin hội nghị công nhân viên chức của trường khi chưa được cho phép. "Trường nhiều lần vận động nhưng cô G. không dừng lại” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, nếu lãnh đạo trường ra các quyết định hành chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên, học sinh thì giáo viên có thể khiếu nại theo quy định. “Nếu lãnh đạo trường làm sai, cô G. có quyền tố cáo tôi hoặc lãnh đạo trường đến cơ quan chức năng chứ không thể đưa thông tin lên mạng xã hội như vậy được” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, nếu cô G. tiếp tục phát tán các nội dung lên mạng xã hội ảnh hưởng đến trường thì sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ
Trả lời căn cứ nào trường đánh giá cô G. suy thoái đạo đức, ông Nam nói trường thực hiện theo một công văn của Sở GD-ĐT ban hành và không thể cung cấp văn bản này.
Theo ông Nam, nếu cô G. tiếp tục phát tán các nội dung lên mạng xã hội ảnh hưởng đến trường thì sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị đưa vào diện thực hiện tinh giảm biên chế.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông nói thêm: “Cán bộ, công chức có hành vi phát tán thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định”.
Theo luật sư Phan Ngọc Nhàn, Đoàn luật sư Đắk Lắk, việc chia sẻ hoạt động chuyên môn lên mạng xã hội gây tác hại đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức… là vi phạm pháp luật.
Nhưng tác hại phải có thật và đã gây hậu quả với cơ quan, tổ chức.
Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Huy, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông, trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, người lao động, thành viên của các tổ chức xã hội… còn có thể bị áp dụng các chế tài bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc một thời gian nhất định và họ còn có thể phải chịu các chế tài kỷ luật tương ứng với các quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, người lao động theo các luật chuyên ngành điều chỉnh.