Đảo Hòn Mun thuộc "vùng lõi" của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang có rất nhiều san hô chết, diện tích rạn san hô và đa dạng sinh thái biển bị suy giảm nghiêm trọng - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Đó là một trong các nội dung kết luận vào chiều 12-8 của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tại cuộc họp giữa đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác bảo tồn biển và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Khánh Hòa.
Trước đó, vào buổi sáng 12-8, đoàn công tác của bộ do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND TP Nha Trang và Ban quản lý vịnh Nha Trang về công tác quản lý và thiết lập khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Sau đó, thứ trưởng cùng đoàn công tác của bộ đi kiểm tra thực tế, xem xét tình hình san hô chết ở một số khu vực trong vịnh Nha Trang và tại đảo Hòn Mun.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang vốn hình thành từ Khu bảo tồn biển Hòn Mun (do các tổ chức quốc tế tài trợ, phối hợp thành lập từ năm 2001) là khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những nơi có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học cao thuộc hàng đầu của Việt Nam và thế giới, có giá trị cao về mặt sinh học, kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hệ sinh thái rạn san hô chính là một trong những sinh cư quan trọng nhất trong vùng nước của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang.
Thế nhưng, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa, các kết quả nghiên cứu và công bố của Viện Hải dương học cho thấy diện tích rạn san hô nói chung của vịnh Nha Trang từ năm 2002 đến 2015 bị suy giảm.
Từ năm 2019 đến 2021, rạn san hô có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên đến cuối năm 2021 khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của bão số 9 làm gãy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 80 - 90% diện tích phân bố rạn san hô gần bờ. Cụ thể các khu vực bị thiệt hại nặng nề gồm mặt tây - bắc đảo Hòn Mun, tây - nam đảo Hòn Tằm, tây - nam Bích Đầm (đảo Hòn Tre), tây - nam đảo Hòn Một...
Cả Ban quản lý vịnh Nha Trang và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa đều có báo cáo khá giống nhau về nhiều nguyên nhân khiến san hô chết, các rạn san hô trong vịnh Nha Trang bị suy giảm nghiêm trọng: "Tai biến thiên nhiên, biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng, axit hóa đại dương, lũ lụt, bão tố, gia tăng các loài địch hại... là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching) trong vài thập niên gần đây... Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%".
Còn các nguyên nhân chủ quan khiến san hô ở vịnh Nha Trang bị suy giảm được cho là do khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Vì "tình hình hoạt động du lịch làm cho sức chịu tải của môi trường vịnh Nha Trang đang ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, do mật độ khách và phương tiện. Một số du khách, do thiếu kỹ năng lặn khi tham quan vùng lõi có thể giẫm đạp lên san hô".
Đặc biệt, cả Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa và lãnh đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang còn đưa ra cả nguyên nhân san hô chết là còn do sông Cái và sông Quán Trường đổ nước vào vịnh Nha Trang. Đó là hai con sông đã hình thành, đổ nước vào vịnh Nha Trang từ hàng ngàn năm qua.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa, "hai con sông này trực tiếp đổ ra vịnh có ảnh hưởng đến chất lượng nước và sinh cảnh trong vịnh Nha Trang" và "trong quá trình thực hiện các dự án tại các đảo thuộc vịnh Nha Trang, hoạt động xây dựng cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nước trong vịnh".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng kết luận các nguyên nhân suy giảm san hô ở vịnh Nha Trang như báo cáo đã được nêu trên. Tuy nhiên, thứ trưởng còn nêu "qua kiểm tra một số tỉnh và đặc biệt là vịnh Nha Trang, chúng tôi thấy công tác bảo tồn chưa được quan tâm, chú trọng".
Diện tích bảo tồn biển Việt Nam còn thấp xa so với các nước
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết số 36/NQ-TƯ, vào ngày 22-10-2018, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong các mục tiêu cụ thể (đến năm 2030) của nghị quyết 36/NQ-TƯ là phải "quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000".
Thế nhưng, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, diện tích mặt nước biển của Việt Nam là trên 1 triệu km2 nhưng đến nay diện tích bảo tồn biển của Việt Nam chỉ mới đạt được 0,185%. Trong khi đó, các nước là 5-6%, có nước lên đến 30%.
"Nếu như đà này thì công tác bảo tồn của rất nhiều khu bảo tồn không được triển khai một cách quyết liệt, có hiệu quả; việc phát triển ngành thủy sản sẽ rất khó khăn, không thể thực hiện được nghị quyết trung ương 36", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Khánh Hòa.
TTO - Sáng 26-7, lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết vừa báo cáo kết quả, giải pháp xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun trình UBND tỉnh Khánh Hòa, trong đó sẽ đề xuất khoanh vùng, bảo vệ và lắp camera theo dõi.