Các mô mềm trên cơ thể đóng vai trò hỗ trợ, kết nối, bao quanh xương và các cơ quan nội tạng, bao gồm cơ, gân, dây chằng, mỡ, da và mạch máu.
Chấn thương mô mềm phổ biến nhất xảy ra ở cơ, gân và dây chằng, đơn cử như căng cơ, bong gân khuỷu tay hoặc mắt cá chân khi chơi đá banh, cầu lông… Những tổn thương này thường sẽ lặp đi lặp lại và rất dễ tái phát, chúng có thể xảy ra đột ngột bất kì lúc nào.
Nguyên nhân tập thể dục thường xuyên nhưng vẫn không giảm cân
Điều độ là chìa khóa tốt nhất để hạn chế chấn thương khi tập luyện. Ảnh: Northwell |
Mike Matthews, một huấn luyện viên cá nhân ở Ocala (Mỹ), cho biết: “Tổn thương mô mềm thường hay tái phát và nguyên nhân là do chúng ta tập luyện quá nhiều”.
Để hạn chế chấn thương khi tập luyện hoặc chơi thể thao, nhà vật lí trị liệu chỉnh hình Scott Cheatham thuộc ĐH Bang California nói rằng “điều độ là chìa khóa”.
Điều quan trọng là bạn phải làm cho cơ thể thích nghi từ từ với một hoạt động nhất định. Cách duy nhất để giảm chấn thương mô mềm là tăng dần khối lượng và cường độ tập luyện theo thời gian. Lưu ý, không tăng khối lượng tập luyện quá 10% mỗi tuần, và cứ sau 4-8 tuần, hãy cho cơ thể nghỉ ngơi bằng cách giảm đáng kể khối lượng và cường độ tập luyện.
Matthews nói rằng phương pháp “tiến 3 bước, lùi 1 bước” không phải lúc nào cũng thoải mái bởi nó đòi hỏi bạn phải kỉ luật, và đó là cách tốt nhất để giúp cơ thể dẻo dai và bền bỉ hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy những thay đổi lớn trong môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương, ví dụ như chế độ dinh dưỡng kém, căng thẳng, thiếu ngủ…
Theo một nghiên cứu vào năm 2021 được công bố trên tạp chí Current Sports Medicine Reports, nếu bạn ngủ ít hơn 7 tiếng vào ban ban đêm trong hơn 2 tuần, nguy cơ chấn thương cơ xương sẽ tăng 1,7 lần. Do đó, hãy ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc và có thể bỏ qua các bài tập khó khi cảm thấy cơ thể không được khỏe hoặc căng thẳng.
Tập thể dục cũng cần phải đúng cách và đúng tư thế, nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược. Ảnh: Pexels |
Nhà vật lí trị liệu Aime Maranan, cho biết: “Nếu các cơ cốt lõi của bạn không đủ khỏe để chịu được hàng giờ tập luyện, khi đó sự ổn định của cột sống sẽ giảm xuống, làm các dây thần kinh và mô mềm bị kích thích. Đó là một hiệu ứng domino”.
Cô ấy nói rằng các bài tập như plank phải được thực hiện đúng cách, nếu không, chúng có thể gây ra chấn thương phần mềm. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi tự mình thực hiện, ví dụ như bác sĩ vật lí trị liệu, chuyên gia xương khớp, huấn luyện viên cá nhân…