Tình trạng dán tờ rao vặt sai quy định tràn lan trên đường phố Đà Nẵng, bóc gỡ đi ít lâu sau lại thấy dán - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cơ quan chức năng thành phố này xử lý sao?
Quảng cáo dán chồng rao vặt
Đưa tay gỡ các tờ rao vặt "cho vay không cần thế chấp" trên tấm bảng hiệu quán ăn của mình, chị Lê Thanh Thúy (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) cho biết đây là lần thứ hai trong tuần chị đi bóc gỡ tờ rao vặt.
Lần trước, tờ rao vặt "hút hầm cầu" dán ngay cửa quán, chị Thúy đã điện thẳng đến số điện thoại ghi trên đó để nói chuyện. "Nhiều hôm vừa gỡ tờ rao vặt xong thì hôm sau lại thấy xuất hiện. Gọi điện theo số máy, họ nghe được vài giây rồi cúp" - chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, trước đây tình trạng dán tờ rao vặt rất ít xảy ra trên tuyến đường này vì đây là trục đường chính, chỉ thỉnh thoảng mới có một vài tờ giấy tìm thú cưng hoặc đồ thất lạc.
Nay trụ điện, tủ viễn thông, cột biển báo giao thông... đều bị dán rao vặt chồng lên nhau. Tình trạng này xảy ra rất nhiều ở các quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ. Nội dung là cho vay tiền, hút hầm cầu, giới thiệu trang cá cược...
Một bí thư quận Đoàn ở Đà Nẵng bức xúc: "Cần có chế tài mạnh và xử lý căn cơ để chấm dứt vấn nạn dán tờ rơi sai quy định. Anh em đoàn viên vẫn phải dọn dẹp rao vặt, nhưng có đi cạo từng trụ điện thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết gốc rễ. Dọn xong rồi ít lâu sau lại thấy những số điện thoại cũ xuất hiện trên cột điện.
Phạt trực tiếp lẫn gián tiếp
Bà Võ Thị Phương, trưởng Phòng văn hóa thông tin quận Sơn Trà, cho biết tình trạng dán tờ rao vặt sai quy định làm mất mỹ quan, mất thiện cảm trong mắt du khách. Đó là chưa kể tình trạng quảng cáo một số nội dung liên quan đến tín dụng đen, gây mất an ninh trật tự.
Phòng thường xuyên vận động tuyên truyền và tổng hợp các số điện thoại rao vặt để xử lý, xử phạt.
Vừa qua, tại quận đã tổng hợp danh sách 28 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định để đề nghị Thanh tra Sở TT-TT Đà Nẵng làm việc với các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ. Đồng thời ra quân tẩy xóa, tháo gỡ quảng cáo, rao vặt sai quy định.
"Chúng tôi cũng quyết tâm làm đẹp cảnh quan, nhưng nói thật cắt số điện thoại thì họ cũng sẽ đổi số điện thoại mới. Tôi đề xuất phải bắt quả tang các đối tượng dán tờ rơi và xử phạt cả người dán và người quảng cáo kịch khung thì tình trạng này mới giảm bớt.
Trước đây khi đội tuần tra Công an thành phố bắt quả tang người dán thì tình trạng rao vặt sai phép giảm hẳn" - bà Phương nói.
Ông Phạm Tấn Xử, giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, cho rằng việc xử lý nạn quảng cáo, rao vặt nếu chỉ một mình ngành văn hóa "độc lập tác chiến" thì không hiệu quả.
Phải có sự phối hợp của các các địa phương, các ngành liên quan. Hiện nay theo quy trình xử lý do Đà Nẵng ban hành, thông thường 6 tháng các ngành chức năng sẽ thống kê số điện thoại rao vặt một lần để xử lý vi phạm.
Địa phương đề xuất, thanh tra xử lý
Ông Phạm Thanh Trà, chánh Thanh tra Sở TTTT Đà Nẵng, cho biết hiện nay có hai hình thức xử lý đối với tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định. Trong đó, vai trò và trách nhiệm của các địa phương là rất lớn.
"Theo quy trình thì định kỳ các quận huyện sẽ tổng hợp các số quảng cáo rao vặt sai quy định để xử "nguội". Biện pháp mạnh là bắt quả tang người có dấu hiệu dán tờ rao vặt sai quy định.
Cũng theo ông Trà, vừa qua Thanh tra sở cũng đã đề nghị các địa phương tổng hợp, cung cấp số điện thoại rao vặt không đúng nơi quy định để tổng hợp, xử lý" - ông Trà nói.
Cần xem lại quy trình, giải pháp
Theo ông Lương Công Tuấn, trưởng Ban pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, cần phải có giải pháp xử lý quyết liệt hơn vì những giải pháp lâu nay chưa có hiệu quả cao.
Cần xem lại quy trình, quy định rõ trách nhiệm tổ chức rà soát, thu thập chứng cứ để xử phạt, ai thu thập số điện thoại để áp dụng cắt thuê bao.
TT - Sau hơn một tháng triển khai xử lý quảng cáo, rao vặt sai quy định nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tình trạng này tiếp tục diễn ra ở hầu khắp các tuyến phố Đà Nẵng.
Xem thêm: mth.43045703231802202-gnan-ad-o-pehp-iart-tav-oar-tahp-gnub/nv.ertiout