Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và đồng phạm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ban chỉ đạo sẽ vận hành như thế nào để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng chung từ trung ương và phù hợp với thực tiễn TP?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng TP.HCM phải vừa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng cũng vừa thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, sáng kiến xã hội để tạo thành những nhân tố tiên phong trong cách nghĩ, cách làm mới cho cả nước.
Trong đó, "phòng" đóng vai trò rất quan trọng để ngăn chặn mọi nguồn cơn ngay từ ban đầu.
Liều thuốc "cắt cơn đau"
* Những đặc trưng riêng trong đời sống xã hội của TP.HCM cũng là "môi trường" thuận lợi dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Điều này thấy rõ trong những vụ án, vụ việc đã và đang được xử lý?
- Kinh nghiệm từ năm 2013 đến nay đã cho thấy Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những là một thiết chế thực hiện chính sách chống tham nhũng và kỷ luật Đảng mà còn là tác nhân điều chỉnh và thiết kế các công cụ chính sách, sáng kiến mới.
Để nền kinh tế và bộ máy hành chính, xã hội vận hành trơn tru, các "nguyên tắc của cuộc chơi" đưa ra phải rõ ràng minh bạch, đi vào những vấn đề cốt lõi của động lực cán bộ, tổ chức bộ máy và hệ thống giám sát - kiểm tra.
Khi Đảng đã kê toa thuốc mạnh và phương án điều trị với nhiều "mức độ tổn thương" khác nhau, việc xây dựng các thể chế tốt hơn và nâng cao trách nhiệm giải trình toàn diện của tất cả thiết chế cầm quyền là liều thuốc "cắt cơn đau" của quá trình chuyển tiếp này.
* Theo ông, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM vừa thành lập sẽ bắt đầu việc phòng, chống như thế nào?
- Ở tầm TP lớn nhất nhì cả nước, Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cần đúc kết, nghiên cứu, đề xuất và xin thí điểm triển khai một số cơ chế nếu vượt thẩm quyền.
Trong đó, xác định phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, tài chính cho ban chỉ đạo cũng như cơ quan thường trực, bộ phận thường trực là một nhiệm vụ quan trọng sắp tới.
Phương thức hoạt động không chỉ giới hạn về chính sách hay cách tiếp cận với các đối tượng vi phạm kỷ luật trong Đảng mà còn là cách làm, cách tổ chức thực hiện và cả cơ chế tài chính.
Kinh nghiệm của Trung Quốc nhấn mạnh việc cần tăng cường tính độc lập của ủy ban kiểm tra với các cơ quan Đảng bộ cấp địa phương trong việc xây dựng bộ máy và hình thành những chức năng, nhiệm vụ trọng tâm.
Kinh nghiệm của Hong Kong, Singapore tập trung vào hình thành thiết chế độc lập với kinh phí hoạt động từ các nguồn quỹ ngân sách vốn được xác định bởi phía lập pháp ví dụ như Quốc hội hay HĐND TP.
Từng quy hoạch góc phố, bản vẽ khu nhà được công khai, minh bạch và từng bộ hồ sơ, đơn kiến nghị được lắng nghe, phản hồi, giải quyết đến nơi đến chốn từ cơ sở chính là tấm lá chắn hiệu quả cho việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại thành phố.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Chọn đúng người vào các vị trí công quyền
* Việc phải tạo thể chế chống tham nhũng một cách hệ thống và giải quyết nạn tham nhũng ngay từ gốc như ông nói nên hiểu như thế nào?
- Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là thước đo cho việc kiểm soát quyền lực vừa là phương thức để xây dựng đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ tốt, hiệu quả. Vì thế kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn kết hữu cơ với công tác cán bộ (tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, giám sát và kỷ luật), đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
Chẳng hạn như chính sách tuyển chọn và bổ nhiệm những người đã thành công trong các lĩnh vực khác nhau vào hệ thống công quyền. Nguyên tắc "3 thực" đã được nhiều chuyên gia đề xuất, bao gồm thực tế, thực tài, thực tiễn.
Bổ nhiệm để giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra; bổ nhiệm những người có năng lực và lấy kết quả thực tiễn làm thước đo tính đúng đắn của các đề xuất, ý tưởng, là cơ sở để luân chuyển, thăng tiến, miễn nhiệm.
Việc chọn đúng người vào các vị trí lãnh đạo cấp chiến lược hay xây dựng được cơ chế chặn được những người không đúng vào các vị trí công quyền chính là cách thức đề phòng cái xấu từ trong trứng nước và ngược lại.
* Điều này có nghĩa việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sắp tới sẽ phải gắn rất chặt với công tác chỉnh đốn, nâng cao trách nhiệm của bộ máy công quyền?
- Với bộ máy "tầng tầng, lớp lớp", hiện tượng bất đối xứng thông tin và không rõ trách nhiệm giải trình tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực. TP đang và cần phải tiếp tục tổ chức lại bộ máy các cấp để xác định những gì chính quyền TP cần làm, những gì chính quyền TP không nên can thiệp, kích hoạt sự tham gia của thị trường và xã hội.
Từ đó tinh gọn lại bộ máy, các cơ quan đầu mối và đội ngũ cán bộ. Đề án "Kinh tế Đảng" của Thành ủy TP.HCM là một trong những tiên phong trong việc xác định lại vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy trong vận hành tài sản và các hoạt động kinh tế khối Đảng.
UBND TP cũng đang tập trung nghiên cứu một đề án tương tự để tái cấu trúc, sắp xếp lại 17 tổng công ty nhà nước và xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả đất công, tài sản công.
Mạnh tay thúc đẩy các cải cách này mới có thể giảm những nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, thất thoát đất đai, tài sản của Nhà nước.
TS Trương Minh Huy Vũ hiện là giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM. Năm 2022, ông được bổ nhiệm làm nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Chính sách công và môi trường (SPEA), Đại học Indiana - một trong những trường chính sách công hàng đầu của Hoa Kỳ.
Ông tham gia SPEA, Hoa Kỳ. Tại đây, ông tập trung nghiên cứu giảng dạy các vấn đề về đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ thống quản trị thực thi trong khu vực công.
Phát huy kênh tương tác với người dân
* Nhiều vụ án, vụ việc tại TP.HCM đã và đang xử lý hầu hết từ sự phát hiện của các cơ quan trung ương, báo chí và phản ảnh của người dân. Theo ông, sắp tới cách thức nào để ban chỉ đạo sớm phát hiện và xử lý các vụ việc?
- Ở cấp độ địa phương, chúng ta luôn có hai cách tiếp cận để triển khai hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ nhất là xây dựng và sử dụng các thiết chế pháp lý để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực công.
Việc này cần bộ máy và mỗi thành viên trong bộ máy phòng, chống tham nhũng phải có quyết tâm chính trị, phương pháp hoạt động hiệu quả và phải là tấm gương cũng như nêu gương về đạo đức, con người. TP.HCM đang vào thời điểm hội tụ được những điều kiện cần và đủ để thực hiện mạnh việc này.
Thứ hai là tập trung vào sự giám sát xã hội trong đó tạo ra nhiều kênh, diễn đàn và cách thức khác nhau để người dân có thể công khai giám sát, theo dõi việc xây dựng và thực thi chính sách của chính quyền.
Cách tiếp cận này sẽ tạo được động lực lớn từ sự tham gia của các tầng lớp khác nhau. Tuy vậy, hệ thống chính trị cần tăng cường khả năng tiếp nhận, sắp xếp các luồng thông tin phản hồi này và hệ thống hóa các luồng đó thành từng nhóm vấn đề cụ thể gắn với các trách nhiệm giải trình, xử lý của từng đơn vị công quyền.
* Sự giám sát, phản ảnh từ cơ sở và của người dân luôn quan trọng, nhất là với một địa phương rộng lớn và các hoạt động sản xuất, đời sống đa dạng như TP.HCM. Giải pháp nào để phát huy sự giám sát này?
- Internet và sự tương tác thông tin đang thay đổi chính trị cơ sở. Không những đóng vai trò cung cấp thông tin và kiến thức, Internet và các phương tiện tương tác còn mở rộng tầm nhận thức ra xa hơn phạm vi mỗi người đang sống.
Từ đó họ có sự so sánh, hình dung. Một sự vụ chỉ trở thành một vấn đề xã hội - chính trị nóng khi người dân, doanh nghiệp hiểu và có sự so sánh.
TP.HCM đang chủ động trong việc tương tác thông tin này, mà ngay trong tâm dịch chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" đối thoại với chủ tịch UBND TP.HCM xác lập một kỷ lục tương tác với 172.000 người xem cùng lúc, gần 1 triệu lượt xem chỉ trong vòng 1 tiếng, 100.000 lượt bình luận.
Công nghệ số cũng đã thúc đẩy ý tưởng của hệ thống tổng đài 1022, biến nơi đây trở thành kênh tiếp nhận phản ảnh, kiến nghị của người dân khi tương tác với chính quyền, các sở ngành địa phương.
Những "dữ liệu từ hơi thở cuộc sống" này đang tạo thành một kênh giám sát quan trọng và cực kỳ hiệu quả trong tương lai khi gắn thêm vào những mục tiêu chính sách và công cụ phân tích tương thích.
TTO - Hướng dẫn số 25-HD/BCDTW ngày 1-8-2022 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực xác định rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực là rất kịp thời và cần thiết trong việc phòng, chống các hành vi tiêu cực hiện nay.