Theo tờ The New Voice of Ukraine ngày 18-11, Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận nước này và Đức đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về bảo đảm an ninh song phương.
Ông Ihor Zhovkva, phó chánh văn phòng Tổng thống, dẫn đầu đoàn đàm phán Ukraine. Ông nhấn mạnh vai trò của Đức là nhà cung cấp viện trợ tài chính, quân sự và nhân đạo chính cho Ukraine.
"Đó là lý do tại sao việc bắt đầu đàm phán an ninh song phương với Đức lại có ý nghĩa quan trọng như vậy", ông Zhovkva khẳng định.
Trong vòng đàm phán đầu tiên, hai bên trao đổi quan điểm về các cách tiếp cận đảm bảo an ninh song phương trong tương lai, hình thức và nội dung của chúng, đồng thời nhất trí về một loạt các bước tiếp theo.
Thông báo của Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng xác nhận Đức đã cùng 5 quốc gia thành viên khác trong nhóm G7 đàm phán về vấn đề bảo đảm an ninh với Ukraine.
Trước đó, ngày 14-11, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã thảo luận với cố vấn của các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức và Pháp về những bước đi tiếp theo nhằm cung cấp các bảo đảm an ninh cho Kiev.
Các bên sẽ tiếp tục đối thoại về việc ký kết các thỏa thuận song phương bảo đảm an ninh cho Ukraine, dựa trên những gì đã được các quốc gia G7 thông qua ở Vilnius (Lithuania) tháng 7 vừa qua.
Trong đó, G7 cam kết sẽ cung cấp thêm thiết bị quân sự, tăng cường chia sẻ tình báo và các chương trình huấn luyện mới cho quân đội Ukraine, cũng như phát triển năng lực công nghiệp cho Kiev.
Quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, thông báo một phái đoàn EU sẽ đến thăm Ukraine vào đầu tháng 12 tới để thảo luận về các đảm bảo an ninh tiềm năng.
Những cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang đạt được các bước tiến đáng kể trên chiến trường. Đồng thời, đã có những lo ngại nhất định từ Kiev về việc xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza làm giảm sự chú ý vào Ukraine.
Các đơn vị của quân đội Ukraine đã vượt sông Dnipro, tấn công vào những vị trí Nga đang kiểm soát ở bờ đông con sông và thiết lập được chỗ đứng tại đây. Con sông đóng vai trò như một ranh giới tự nhiên, chia cắt các Ukraine và các khu vực Nga đang kiểm soát ở Ukraine.
Việc Ukraine vượt qua sông Dnipro, vận chuyển được các thiết bị quân sự hạng nặng cùng các vật tư, có thể cho phép Kiev mở một tuyến tấn công mới ở miền nam, tiến vào tuyến đường bộ dẫn thẳng tới bán đảo Crimea (khu vực Nga sáp nhập vào năm 2014).
'Tôi sẽ bảo vệ cái thuộc về chúng ta', ông Zelensky tuyên bố như vậy, vào thời điểm các nguồn cung ứng vũ khí rẽ hướng sang Israel.