Trong giờ phút bi tráng đó, người chỉ huy cao nhất còn lại đã nhắn nhủ với những chiến sĩ của mình: "Hãy giữ cho bằng được lá quân kỳ của trung đoàn. Còn lá quân kỳ, đơn vị sẽ tiếp tục sống mãi...".
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cũng nói với chúng tôi như thế sau cuộc gặp của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với hai đại diện bóng đá TP.HCM là CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn vào sáng 11-8.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương kể khi được mời về dẫn dắt một đội bóng lớn ở TP.HCM, ông đã hỏi người bạn cũng là người có trách nhiệm: "Anh mời tôi về vì ngọn cờ doanh nghiệp của anh hay vì ngọn cờ của bóng đá TP.HCM?".
Người bạn này không trả lời được câu hỏi này, và thế là dù tiền chảy như suối vào đội bóng nhưng chỉ vài năm tên đội bóng mất dạng trong bản đồ bóng đá VN.
Cái chết của đội bóng này đã mở màn cho hành trình buồn của bóng đá TP.HCM. Cũng có doanh nhân giàu tiềm lực "nhập khẩu" những đội bóng ở nơi khác và gắn mác bóng đá TP.HCM.
Nhưng khi hết tiền và không gặt được lợi ích, cái gọi là tình yêu bóng đá trong những phát biểu ngày đầu ra mắt cũng bay mất.
Còn người hâm mộ bóng đá TP không thấy cái hồn đã một thời khắc sâu trong họ qua những cái tên Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp. Khán đài vì thế ngày càng trống trải.
"Cái hồn của bóng đá TP" - lời của chuyên gia Đoàn Minh Xương đã kéo tôi về với Giải vô địch quốc gia năm 1991.
Khi ấy phương tiện liên lạc còn rất hạn chế, vì sốt ruột muốn biết kết quả các trận bóng mà nhiều người hâm mộ đã chọn cách tạt vào tòa soạn báo Tuổi Trẻ, khi ấy còn ở đường Lý Chính Thắng (quận 3), để hỏi kết quả trận đấu.
Nghe Cảng Sài Gòn thua, nhiều người thốt lên: "Trời ơi!"… Hai tiếng "Trời ơi!" nghe mà đứt ruột, nhưng đó chính là cái hồn, là sức sống hay cũng chính là lá cờ của bóng đá TP.HCM mà rất nhiều cầu thủ khi ấy đã dày công vun đắp.
"Trước khi nghĩ đến thành tích, hãy dựng lại lá cờ của bóng đá TP.HCM" - chuyên gia Đoàn Minh Xương nói. Có thể sẽ phải rớt hạng, phải lặn ngụp trong thất bại… nhưng phải lấy lại cho được tình yêu bóng đá cho người hâm mộ TP.
Thật vậy, những người làm bóng đá TP.HCM nghĩ gì khi khán giả rần rần đi xem Hoàng Anh Gia Lai đá AFC Champions League trong khi đội nhà đá thì khán đài lại thưa vắng? Bóng đá TP có cho ra ràng những lứa cầu thủ có sức hút như "đám trẻ nhà bầu Đức" không?
Những câu hỏi này chưa hẳn sẽ có lời giải qua việc giải tỏa những khó khăn mà hai CLB Sài Gòn và TP.HCM đã nêu trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên như sân bãi, cầu thủ địa phương…
Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ: "Thể thao là món ăn tinh thần của người dân, trong đó bóng đá là món ăn ưa thích nhất. Nhưng món ăn tinh thần của người dân TP.HCM lại nhạt dần, bớt ngon đi, làm cho tín đồ bóng đá ở thành phố này chán bóng đá".
Bóng đá TP đang cần một tổng công trình sư có đủ uy tín và cả thực quyền để kết nối các nguồn lực bóng đá của TP, để đặt ra những bước đi khoa học trong việc đào tạo lực lượng và xa hơn là tạo được nền tảng tài chính để có thể phát triển bền vững, đưa bóng đá trở thành đại tiệc cho người hâm mộ TP.
TTO - Phát biểu ở cuộc gặp với 2 CLB TP.HCM và Sài Gòn tại trụ sở Thành ủy TP.HCM vào sáng 11-8, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ thân tình, đồng thời hy vọng 2 đội bóng phải nỗ lực để không phải rớt hạng sau khi V-League 2022 kết thúc.
Xem thêm: mth.84224118041802202-mchpt-ad-gnob-oc-nogn-ial-gnud/nv.ertiout