Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 1/2 tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng 100.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán, hiện niêm yết tại 66,60 – 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,2 USD lên 1.928,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng trượt nhẹ về 1.925 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,93 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.610 đồng/USD, tăng 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.280 – 23.620 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 23.100 USD, thì sang phiên hôm nay giảm về gần 23.000 USD/BTC và ít thay đổi cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,06 USD (+0,08%), lên 78,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,09 USD (-0,11%), xuống 85,37 USD/thùng.
VN-Index mất hơn 35 điểm
Trong phiên sáng, thị trường biến động trong biên độ hẹp và VN-Index chỉ giảm nhẹ do lực bán chốt lời sớm diễn ra ở một số nhóm.
Bước vào phiên chiều, lực xả hàng ồ ạt vào khắp các nhóm ngành với mức giá mỗi lúc một thấp đã đẩy VN-Index rơi sâu và chìm dần về mức thấp nhất ngày, tổng cộng mất hơn 35 điểm, về gần với đường MA20, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất hơn 1 tháng, trong khi thanh khoản ở mức cao nhất gần 2 tháng.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã đã mua ròng 9,26 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 123,55 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/2: VN-Index giảm 35,21 điểm (-3,17%), xuống 1.075,97 điểm; HNX-Index giảm 6,42 điểm (-2,89%), xuống 216,01 điểm; UPCoM-Index giảm 0,9 điểm (-1,19%), xuống 74,93 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng trong phiên thứ Ba (31/1), khi dữ liệu lao động khuyến khích các nhà đầu tư về cách tiếp cận tích cực của Fed để kiềm chế lạm phát, một ngày trước quyết định chính sách quan trọng của ngân hàng trung ương.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ mới công bố cho thấy, chi phí thuê lao động của Mỹ (ECI), một thước đo quan trọng về tiền lương được Fed chú ý, cho thấy mức tăng 1% trong quý IV/2022, thấp hơn so với dự báo 1,1% từ Dow Jones.
Kết thúc phiên 31/1, chỉ số Dow Jones tăng 368,95 điểm (+1,09%), lên 34.086,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 58,83 điểm (+1,46%), lên 4.076,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 190,74 điểm (+1,67%), lên 11.584,55 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, khi thị trường thận trọng trước quyết định chính sách quan trọng của Fed vào cuối ngày. Đồng thời, tiếp tục có sự chia rẽ lớn giữa những người được và những người thua cuộc khi các nhà đầu tư phản ứng với các báo cáo thu nhập trong nước.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei225 tăng 0,07% lên 27.346,88 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,15% xuống 1.972,23 điểm.
Maki Sawada, Chiến lược gia tại Nomura Securities, cho biết: “Hiện tại, trọng tâm của thị trường là triển vọng của chính sách tiền tệ và liệu nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng hay mềm”.
Phiên này, cổ phiếu Tokyo Gas dẫn đầu mức tăng trên bộ chỉ số Nikkei 225, tăng 5,48%, tiếp theo là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Screen Holdings, tăng 5,12% và nhà sản xuất linh kiện điện tử Alps Alpine, tăng 5,06%, tất cả đều sau khi công bố kết quả tài chính.
Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất vật liệu nhà ở TOTO dẫn đầu nhóm giảm điểm, giảm 8,37%, tiếp theo là nhà sản xuất thiết bị văn phòng Seiko Epson trượt 5,83%, cũng sau khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, do hoạt động sản xuất cho thấy sự cải thiện và các nhà đầu tư hy vọng trước hành động nâng lãi suất Fed.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,90% lên 3.284,92 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,94% lên 4.195,93 điểm.
Dữ liệu cho thấy, hoạt động nhà máy của Trung Quốc giảm chậm hơn hơn vào tháng 1, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế COVID nghiêm ngặt vào cuối năm ngoái.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất toàn cầu (PMI) của Caixin/S&P đã tăng lên 49,2 điểm trong tháng 1 so với 49 điểm của tháng trước, nhưng không đạt kỳ vọng trong cuộc thăm dò của Reuters là 49,5 điểm.
Trung Quốc sẽ thiết lập một cơ chế dài hạn để tăng chi tiêu để người tiêu dùng có thể mua với thu nhập ổn định và "không phải lo lắng", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được truyền thông nhà nước dẫn lời hôm thứ Tư.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc lên 5,3% từ 4,8%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất châm lại và nhóm cổ phiếu công nghệ tăng tích cực.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,05% lên 22.072,18 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,82% lên 7.560,40 điểm.
Chỉ số Công nghệ Hang Seng tăng 3,4% với cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện (EV) BYD chứng kiến cổ phiếu tại Hồng Kông và Thâm Quyến tăng lần lượt 6,1% và 6,5%, khi công ty bắt đầu bán EV tại Nhật Bản và trước đó dự kiến lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng đột biến.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà sản xuất chip hồi phục sau những phiên giảm mạnh trước đó.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 24,72 điểm, tương đương 1,02% lên 2.449,80 điểm.
Cổ phiếu SK Hynix đã tăng 3,28%, ngay cả sau khi nhà sản xuất chip báo cáo khoản lỗ quý cuối năm 2022 kỷ lục và cho biết tình trạng suy thoái của ngành bán dẫn sẽ trở nên tồi tệ hơn trong nửa đầu năm. Đối thủ lớn hơn là Samsung Electronics tăng 1,31%.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ quyết định chính sách của Fed vào cuối ngày, với sự tập trung nhiều hơn vào cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell sau đó.
Kết thúc phiên 1/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 19,77 điểm (+0,07%), lên 27.346,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,25 điểm (+0,90%), lên 3.284,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 229,85 điểm (+1,05%), lên 22.072,18 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 24,72 điểm (+1,02%), lên 2.449,90 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Dự phòng rủi ro năm 2022 của một số ngân hàng giảm mạnh
Một trong những yếu tố đóng góp tích cực vào lợi nhuận của một số nhà băng trong năm qua chính là kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, kéo theo dự phòng rủi ro giảm..>> Chi tiết
- Thời tiền mặt lên ngôi
Khi kinh doanh thuận lợi, nắm giữ quá nhiều tiền mặt sẽ hạn chế khả năng sinh lời của doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh khó khăn, tiền mặt là cơ hội mở rộng kinh doanh với các thương vụ thâu tóm giá rẻ..>> Chi tiết
- Giải quyết điểm nghẽn trái phiếu doanh nghiệp ngay từ đầu năm
Để Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 có thể về đích, ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, những điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được giải quyết càng sớm càng tốt..>> Chi tiết
- IMF: Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi hoàn toàn rõ ràng về lạm phát
Theo một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương toàn cầu không được ngừng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát hoàn toàn rõ ràng là đang giảm dần..>> Chi tiết