Với GPA cao ngất ngưỡng, IELT 8.0 cùng thành tích hoạt động ngoại khóa ấn tượng, Nguyễn Ánh Dương (Sơn La) - sinh viên ngành Quản trị Kinh Doanh Quốc tế CLC - Đại học Kinh tế quốc dân đã xuất sắc nhận được Học bổng Hiệp định Hungary - Stipendium Hungaricum (Tài trợ Học phí, Bảo hiểm, Chi phí ăn ở).
Tháng 9 này, Dương sẽ chính thức trở thành tân sinh viên Cử nhân ngành International Business Economics của trường Budapest Business School (BGE) tại thủ đô Budapest, Hungary.
Trước đó Dương đã biết đến là "cây" săn học bổng với việc chinh phục loạt học bổng/gói hỗ trợ tài chính từ các trường ở Mỹ ngay từ năm lớp 12. Bao gồm: Warren Wilson College (30 ngàn USD/năm); Salve Regina University (92 ngàn USD/năm); Widener University (36 ngàn USD/năm), Oregon University (30 ngàn USD/năm),...
Một số thành tích nổi bật của Ánh Dương:
- GPA trung bình 3 năm: 9.0
- Giải nhất môn tiếng Anh cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh 2020-2021
- Giải nhì môn tiếng Anh cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh 2018-2019, 2019-2020
- Giải Nhì cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm học 2018-2019
- Danh hiệu "Học sinh 3 tốt" Cấp trung ương 2 năm liên tiếp
- Trưởng ban tổ chức - cuộc thi Public speaking "Voice Out: Unlimited" 2021
- Chủ tịch/Founder "CSL English Society" – CLB Tiếng Anh đầu tiên của trường THPT Chuyên Sơn La
- Trưởng ban tổ chức trại hè tranh biện "Eruditus Debate Camp" 2019
- Phó ban tổ chức chương trình "Chuyên Sơn La – Người Dẫn Đường" 2022
Và nhiều thành tích, hoạt động ngoại khóa nổi bật khác trong suốt 3 năm THPT.
2022 (Đại học):
- GPA Học kì I - 2021-2022: 4.0
- Á quân cuộc thi Phân tích dữ liệu - G'Contest: Kinh tế số 2022 (FTU)
- Top 20 cuộc thi Nhân sự - HR Sandbox 2022 (NEU)
- Thành viên Ban Đối Ngoại CLB Chứng khoán Sinh viên SSC (NEU)
"Có ý định đi du học từ đầu năm cấp 3 nên từ cuối lớp 11, đầu lớp 12 em đã bắt đầu tìm hiểu về du học Mỹ. Do chưa đạt được target học bổng mong muốn ở Mỹ, em xét tuyển đại học ở Việt Nam (Đỗ FTU, NEU). Em chọn theo học Kinh tế quốc dân, vừa học vừa apply học bổng Hiệp định Hungary (mở đơn tháng 12 hằng năm). Sau đó, em đỗ học bổng Hiệp định và hiện tại đã bảo lưu ở NEU", cựu học sinh Khóa 24 Chuyên Anh - THPT Chuyên Sơn La chia sẻ.
Theo Dương, yếu tố giúp cô nhận được học bổng bao gồm:
Thứ nhất, profile có sự liên kết: Những thành tích, hoạt động ngoại khóa của Dương trông có vẻ không quá liên quan đến nhau, nhưng trong quá trình làm bài luận và phỏng vấn với đại diện các trường, cô sẽ chèn vào đó là bức tranh toàn cảnh - những hoạt động làm trong quá khứ có liên quan/là động lực của ngành học apply (ở Mỹ là Psychology, Hungary là Economics). Biết cách kết nối mọi thứ thành một bức tranh tổng quan đã giúp hội đồng tuyển sinh nhìn nhận em dưới lăng kính tổng quát nhất.
Thứ hai, chuẩn bị kỹ càng: Dương nghiên cứu rất kỹ về đất nước, trường và loại học bổng mình apply. Ví dụ như ở Mỹ, em đã research website các trường top đầu để không bỏ sót học bổng nào (trường ở Mỹ thường có những loại học bổng riêng). Nhờ đó, Dương lựa chọn trường phù hợp để apply (ví dụ như các trường công của Mỹ - dùng thuế của người Mỹ để phát triển và vận hành thì họ thường sẽ có ít học bổng và gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế hơn. Dương sẽ "né" các trường này ra vì tỉ lệ được hỗ trợ tài chính rất thấp).
Ngoài ra, với yếu tố quan trọng là bài luận, Dương cho rằng không phải bài luận nào cũng như nhau. Ngược lại, có sự giống và khác nhau giữa các bài luận của Học bổng các nước Châu Âu so với Học bổng Mỹ. Cụ thể ở hai phần: Loại câu hỏi và kỹ thuật viết.
1. LOẠI CÂU HỎI
Học bổng Châu Âu: Đối với học bổng của châu Âu, các câu hỏi thường sẽ là dạng Motivation Letter. Ví dụ như các học bổng Hiệp định giữa chính phủ Việt Nam và các nước châu Âu (Hungary, Ba Lan, Bungary,...) hay học bổng của trường như UM Global Studies Scholarship (Hà Lan).
Các câu hỏi có thể dài ngắn khác nhau, yêu cầu chung chung rằng hãy viết Motivation letter hoặc có yêu cầu chi tiết như học bổng UM Global Studies của University of Maastricht.
Motivation letter xoay quanh các vấn đề như: Lí do bạn chọn học bổng, đất nước, ngành học này; Định hướng tương lai của bạn; Bạn có thể đóng góp gì cho cộng đồng nơi bạn đến/đất nước của bạn;... tùy theo yêu cầu cụ thể (nếu có) của từng học bổng.
Như vậy, mục đích của lá thư này là để phía học bổng có thể hiểu về con người, hoài bão và những dự định tương lai của bạn. Vì vậy, chúng yêu cầu người viết cần suy nghĩ và có định hướng rõ ràng về lựa chọn của mình và kế hoạch trong tương lai.
Học bổng Mỹ
Đối với apply vào các trường đại học ở Mỹ nói chung và apply học bổng nói riêng, chúng ta sẽ cần viết nhiều bài luận hơn cả về dạng và số lượng.
Mọi applicant sẽ cần viết 01 bài luận chính dài 650 từ gửi đến tất cả các trường bạn nộp đơn vào. Common app ra 7 đề bài không đổi hằng năm nhưng với đề số 7 là "Share an essay on any topic of your choice" thì thực ra bạn có thể chia sẻ về bất kì mẩu chuyện, sự chiêm nghiệm, bài học nào của bản thân. Mục đích của bài viết là để cho ban tuyển sinh thấy bạn là con người như thế nào, cá tính, hoài bão, cuộc sống của bạn ra sao.
Bên cạnh bài luận chính, các trường sẽ thường yêu cầu một số bài luận phụ (Supplemental Essay). Đó có thể là những câu hỏi ngắn (100-150 từ) hoặc những bài luận dài (1-2 trang A4). Dương luôn ấn tượng với đề bài của University of Chicago với những topic khác biệt:
Ví dụ như: Was it a cat I saw? Yo-no-na-ka, ho-ka-ho-ka na-no-yo (Japanese for "the world is a warm place"). Może jutro ta dama da tortu jeżom (Polish for "maybe tomorrow that lady will give a cake to the hedgehogs"). Share a palindrome in any language, and give it a backstory.
Genghis Khan with an F1 race car. George Washington with a SuperSoaker. Emperor Nero with a toaster. Leonardo da Vinci with a Furby. If you could give any historical figure any piece of technology, who and what would it be, and why do you think they'd work so well together?
Tóm lại, dù là apply cho học bổng nào, mục đích của bài luận cũng đều hướng đến việc tìm hiểu "bạn là ai?". Tuy nhiên, luận văn Mỹ sẽ muốn nhìn sâu vào cá tính, con người của bạn, khả năng sáng tạo của bạn và những giá trị nào mà bạn tôn thờ thông qua những chia sẻ rất cá nhân và có thể "vulnerable".
Common essay mà Dương viết năm ấy "personal" (riêng tư) đến nỗi chỉ có Dương, một chị chữa bài cho em và hội đồng thi biết là Dương viết gì thôi. Ngược lại, đối với học bổng Châu Âu và Motivation letter, họ muốn hiểu hơn về con người bạn một cách tổng quát và những dự định tương lai cho bản thân và sự nghiệp.
2. KỸ THUẬT VIẾT
Bản chất việc viết Motivation Letter và Personal Statement đã khác nhau. Vậy nên cách tiếp cận, kỹ thuật viết và giọng văn chắc chắn sẽ khác nhau. So sánh hơi khập khiễng chút, Luận Mỹ sẽ như combo văn tự sự + biểu cảm + nghị luận về sự kiện/chiêm nghiệm trong quá khứ, Motivation letter của Châu Âu là văn thuyết minh + tự sự về tương lai.
Tiếp cận thế nào?
Để chọn ra một chủ đề hay cho bài luận Mỹ, bạn cần phải đi sâu vào những ngóc ngách nhỏ nhất trong tâm hồn. Dương thường liệt kê ra những characteristics và traits (đặc điểm, đặc trưng) mà mình muốn người khác nhìn vào nhất và những câu chuyện/sự kiện tương ứng với các traits đó. Chủ đề cuối cùng được chọn cần làm nổi bật được tính cá nhân của bạn nhưng đồng thời có thể khiến người đọc đồng cảm và liên tưởng được luôn.
Bài viết có thể thể hiện ra sự chưa trưởng thành, mộng mơ (tuy nhiên vẫn cần phải tinh tế để không mắc phải sự kể lể và cố tỏ ra khác biệt một cách gượng ép). Như vậy, viết luận Mỹ là nhìn về quá khứ.
Đối với bài luận cho các nước Châu Âu lại cần có một cái nhìn tổng quát hơn. Ngồi suy ngẫm về "a big picture" - một bức tranh lớn từ lúc bạn chọn ngành, trường, nước và học bổng này tới việc bạn sẽ làm gì khi học và trong tương lai xa, mục tiêu sự nghiệp và những đóng góp bạn có thể tạo ra là gì. Hình dung tương lai thật rõ ràng là điều cần làm đối với học bổng EU.
Kỹ thuật viết ra sao?
Điểm chung khi viết của cả hai loại bài này là người viết cần để tâm đến một mục đích tối cao - thể hiện cho hội đồng tuyển sinh mình là một ứng viên sáng giá, phù hợp và xứng đáng. Và vì luận là một không gian thêm bên cạnh những phần liệt kê thành tích, cần thể hiện ra những khía cạnh cụ thể và chưa được nhắc tới.
Cần tránh kể lể về thành tích mà hãy "show, don't tell" (chỉ rõ, đừng kể lể). Ví dụ, ở trong letter viết cho học bổng Hiệp định Hungary, thay vì đơn giản nói "I really love Hungarian culture" (Tôi thực sự yêu văn hoá Hungary), Dương đã miêu tả hành động tìm hiểu về điệu nhảy truyền thống của Hung với nhiều tính từ miêu tả để cho hội đồng thấy mình thực sự tìm hiểu và yêu thích nền văn hóa này chứ không đơn giản là nói yêu thích để được học bổng.
Về sự khác biệt, nếu như với luận Mỹ, ứng viên thường rất sáng tạo trong cách viết. Bài viết có thể có nhiều lớp lang, luôn có phép ẩn dụ, nhân hóa nhiều tầng để "ý tại ngôn ngoại", đưa vào câu chuyện nhiều lớp nghĩa, thì đối với học bổng châu Âu, ứng viên cần một cách trực tiếp, bộc trực nhất thể hiện suy nghĩ, quan điểm, ước mơ của mình. Văn phong khi viết Motivation Letter không cần cầu kỳ, hoa mỹ mà thay vào đó là sự trong sáng, rõ ràng trong cách trình bày và lập luận.
Theo Hiểu Đan
Phụ nữ Việt Nam