Báo BBC (Anh) mới đây vừa đăng tải bài viết về "ông lão xí mà huyền thoại" Ngô Thiểu và gánh hàng "cha truyền, con nối" tiếp tục gây thương nhớ ở Hội An . Chúng tôi xin được gửi tới bạn đọc nội dung lược dịch của bài viết này.
Mỗi sáng, dù nắng hay mưa, chị Ngô An hoặc một trong hai người chị chồng của mình đều thức dậy lúc 3h để bắt đầu chuẩn bị xí mà (hay còn được biết đến với tên gọi xí mà phù/chí mà phù) - một trong những món ăn vặt được yêu thích nhất ở Hội An.
Tại gánh hàng ngay bên ngoài phố cổ Hội An, chị Ngô An ngồi xuống một chiếc ghế đẩu nhựa màu đỏ, nhóm lửa và bắt đầu khuấy nồi xí mà.
Chỉ ít lâu sau, những khách hàng của chị đã bắt đầu xếp hàng chờ mua xí mà. Bàn tay chị thoăn thoắt khuấy, rồi lại múc chè.
Khi những chiếc xe máy đang phóng trên đường với tiếng còi inh ỏi như một bản giao hưởng đầy hỗn loạn, thì chị Ngô An vẫn đang tập trung, thành thạo múc xí mà vào một túi nhựa nhỏ, sau đó cột túi bằng dây thun và giao cho khách hàng và lặp lại quy trình ấy.
Xí mà, hay còn được biết đến với những tên gọi khác như xí mà phù/chí mà phù, là món ăn vặt được yêu thích ở Hội An. Ảnh: Patrick Sgro
Hội An có nhiều món ăn nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như cao lầu, Bánh mì Phượng (nhờ xuất hiện trên chương trình của vị đầu bếp quá cố Anthony Bourdain vào năm 2009). Thế nhưng món chè xí mà là món khoái khẩu của người dân bản địa, và công thức của "ông lão xí mà huyền thoại" Ngô Thiểu được nhiều người coi là ngon nhất trong những nơi bán món chè này ở Hội An.
Nguyên liệu cơ bản của xí mà là bột mè đen, bột sắn dây, bột nếp và đường. Tuy nhiên, trong công thức gia truyền của cụ Thiểu còn có những thành phần và vị thuốc Bắc bí truyền mà chỉ cụ và "truyền nhân" biết.
Món xí mà có vị ngọt nhẹ, kết cấu mềm mượt và ăn ngon nhất khi chè vẫn còn ấm nóng.
"Đó là thứ bạn không nghĩ mình sẽ thích cho đến khi được nếm thử", một người dân Hội An họ Nguyễn cho biết. "Đừng đánh giá nó chỉ qua vẻ bề ngoài và màu sắc".
Giống như nhều người Hội An, chị Nguyễn đã nếm thử xí mà lần đầu tiên từ khi còn rất nhỏ, và khi lớn lên chị vẫn thường xuyên ăn món chè này.
Người địa phương tin vào khả năng "chữa lành" từ những vị thuốc bổ dưỡng có trong món chè đặc biệt này. Hơn nữa loại nước mà gia đình cụ Thiểu sử dụng để nấu chè được lấy từ Giếng cổ Bá Lễ nổi tiếng có nước trong lành, ngọt mát, "ngàn năm không cạn".
Neville Dean, người sáng lập tour ẩm thực có tên "The Original Taste of Hội An", cho biết anh đã thấy những du khách ăn đến 3-4 bát xí mà, vì 1 bát là chưa đủ.
Cụ ông Ngô Thiểu giờ không còn đủ sức khỏe, nhưng các con của cụ đang tiếp tục nối nghiệp cha. Ảnh: Patrick Sgro
"Ông lão xí mà huyền thoại"
Vào ngày 1/1/2022, "ông lão xí mà huyền thoại" Ngô Thiểu đã bước sang tuổi 107. Anh Ngô Bảo, con trai cụ Thiểu, cho biết bí quyết sống thọ của cụ chính là nhờ món xí mà.
Anh Bảo cho biết cha mình đã học được công thức từ một chủ tiệm người Hoa mà ông từng phụ việc ở phố Hội. Cụ Thiểu bắt đầu nấu và bán món chè này vào thập niên 1950, bắt đầu từ gánh hàng rong trên đôi vai gầy.
Chị An, vợ anh Bảo kể: "Bố mẹ chồng tôi dậy từ 3h sáng để nấu xí mà, sau đó ông cụ bắt đầu đi bán khắp thành phố từ 5h sáng đến 7h tối, cụ từng đi bộ hơn 10km mỗi ngày. Khi mới về nhà chồng, tôi từng định gánh thử hai nồi xí mà nhưng không thể, vì chúng quá nặng. Nhưng ông cụ từng gánh chúng rất dễ dàng".
Anh Bảo đã phụ giúp cha mẹ bán xí mà từ khi còn nhỏ: "Sáng nào tôi cũng dậy lúc 3h để giúp cha nhóm lửa. Khói từ củi đốt khiến mắt tôi cay xè và thậm chí là chảy nước mắt. Nhưng cha đã dạy tôi phải luôn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống."
Người Hội An vẫn ấn tượng về một ông cụ Thiểu tốt bụng và hiền lành, "giống như ông của mấy đứa nhỏ", anh Dean cho biết. Nhưng có một câu chuyện đáng chú ý về "ông lão xí mà huyền thoại": Người dân địa phương kể lại rằng một ngày nọ, có một nhóm đàn ông định cướp tiền của cụ Thiểu trên cầu Cẩm Nam, nhưng ông đã "đá bay" từng tên cướp xuống sông bằng võ thuật của mình.
"Khi nghe câu chuyện này, một số người tỏ ra hoài nghi, nhưng đó là chuyện thật", chị An cười và nói.
Do tuổi cao, sức yếu, cụ Thiểu hiện nay không thể tự mình đi bán xí mà ở phố Hội được nữa, nhưng gia đình cụ vẫn tiếp tục nối nghiệp với cách làm và công thức bí truyền của cụ./.
(Theo BBC)
Theo Hồng Anh
Tổ Quốc